Hỗ trợ phát triển thị trường cho sản phẩm OCOP
Trong thời gian qua, các địa phương vùng Đông Nam Bộ đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ các chủ thể OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ.
Trong đó, các địa phương đã triển khai các điểm bán hàng, giới thiệu sản phẩm OCOP, kết nối với nhiều hội nghị xúc tiến cung - cầu, hội chợ cấp vùng, cấp khu vực để quảng bá, phát triển thị trường cho sản phẩm OCOP…
* Phát triển mạng lưới tiếp thị, cung cầu
Theo Sở Công thương, trong năm 2023, sở đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức gian hàng chung cho 62 doanh nghiệp (DN) trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP của Đồng Nai tại nhiều hội nghị, chương trình kết nối, giới thiệu sản phẩm.
Thời gian qua, các đơn vị, địa phương liên quan đã triển khai xây dựng 4 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh tại: Khu du lịch Thác Đá Hàn (huyện Trảng Bom), Khu du lịch Bửu Long (thành phố Biên Hòa), Co.opmart Biên Hòa và chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (huyện Thống Nhất). Ngoài ra, nhiều siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh như: BigC Đồng Nai, GO! Tân Hiệp, Lotte Mart Đồng Nai… đã bố trí các gian hàng dành riêng cho đặc sản của các địa phương trên cả nước, trong đó có các sản phẩm OCOP của Đồng Nai.
Theo Kế hoạch Phát triển thương mại điện tử trên địa bàn Đồng Nai năm 2024 của UBND tỉnh, một trong những mục tiêu cụ thể là hỗ trợ trên 50% chủ thể sản xuất, kinh doanh sản phẩm Mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh có website quảng bá thương hiệu sản phẩm và thông tin đơn vị; đồng thời, hỗ trợ các chủ thể này tham gia giao dịch trên Sàn giao dịch thương mại điện tử Đồng Nai (ecdn.vn).
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Văn Thắng cho biết, việc kết nối sản phẩm OCOP vào các siêu thị, các điểm du lịch, cửa hàng tiện lợi là điều kiện xây dựng thương hiệu để sản phẩm OCOP phát triển, vươn xa ra nhiều thị trường. Đặc biệt, trong thời gian qua, các sản phẩm OCOP của Đồng Nai đã tham gia nhiều hoạt động kết nối cung - cầu, xúc tiến thương mại quy mô lớn với hoạt động kết nối trực tiếp giữa DN với DN (B2B), trao đổi trực tiếp với những hệ thống phân phối, các sàn thương mại điện tử… Qua đó, góp phần mở ra cơ hội để quảng bá, mở rộng thị trường cho các sản phẩm OCOP, sản phẩm thế mạnh của địa phương…
Tương tự, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, mục tiêu của tỉnh đến năm 2025 là phát triển tối thiểu 20-24 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Trong năm 2023, tỉnh phát triển điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại thành phố Vũng Tàu và Bà Rịa. Từ năm 2024 trở đi, tỉnh phấn đấu phát triển tối thiểu một điểm tại mỗi địa phương. Hàng năm, tổ chức ít nhất 2 chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm kết hợp với các sự kiện lễ hội, chương trình du lịch của tỉnh nhằm đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên, sản phẩm trong danh mục chủ lực của tỉnh, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu…
* Kết nối sản phẩm OCOP chất lượng cao
Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao đã công bố 529 DN đạt danh hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn năm 2024, trong đó có 16 DN lần đầu được bình chọn. Hầu hết các DN mới đạt lần đầu là các DN cung ứng sản phẩm thực phẩm, là các DN tiêu biểu trong thực hành sản xuất, đạt các chứng nhận OCOP (4 sao và 5 sao). Ngành hàng có số DN đạt đủ tỷ lệ bình chọn cao nhất là ngành thực phẩm khô, đồ ăn liền; kế đến là ngành nước chấm, gia vị; ngành đạt tỷ lệ bình chọn thấp nhất là ngành dụng cụ làm đẹp.
Giám đốc Công ty TNHH Tân Nhiên (tỉnh Tây Ninh) Đặng Khánh Duy chia sẻ, sản phẩm chủ lực của công ty là các loại bánh tráng. Công ty phấn đấu đạt được các tiêu chuẩn xuất khẩu, chứng chỉ quốc tế trước khi nhận được chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao, được công nhận là sản phẩm OCOP của địa phương.
Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN (BSA) Vũ Kim Anh chia sẻ, trung tâm cùng với Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao có nhiều chương trình đồng hành, tư vấn hỗ trợ, xúc tiến thương mại, kết nối thị trường, ươm mầm khởi nghiệp xanh cho các DN nông nghiệp trẻ, các DN, cơ sở đạt chuẩn OCOP ở các địa phương. Trong đó có các hoạt động như: Phiên chợ xanh tử tế, Khởi nghiệp xanh, các hội chợ truyền thống về nông sản, đặc sản địa phương, thí điểm cửa hàng đặc sản bản địa ở Phú Quốc… Trong đó, hỗ trợ kết nối, quảng bá cho các sản phẩm OCOP, phát triển các tiêu chí bền vững cho các sản phẩm địa phương.
Đối với các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ, thời gian qua đã tổ chức nhiều chương trình hội nghị, hội chợ kết nối đặc sản, sản phẩm OCOP của địa phương. Đơn cử, nằm trong chuỗi các hoạt động chính tại Hội nghị Kết nối cung - cầu giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố năm 2023, Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh và các sở, ngành, đơn vị xúc tiến thương mại của các tỉnh, thành phố tổ chức Chương trình Tinh hoa làng nghề và đặc sản vùng miền năm 2023. Chương trình quy tụ gần 200 DN tiêu biểu mang đến các sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP từ các vùng, miền trên cả nước, trong đó có nhiều sản phẩm đến từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ…