Hỗ trợ phụ nữ bằng mô hình nuôi dê quay vòng

Thực hiện phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, trong những năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Đakrông đã triển khai nhiều mô hình kinh tế phù hợp giúp hội viên phụ nữ, đặc biệt là hội viên nghèo, đơn thân xây dựng kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Trong đó, nổi bật là mô hình nuôi dê quay vòng, giúp chị em phụ nữ có vốn làm ăn để vươn lên thoát nghèo.

 Mô hình nuôi dê quay vòng đã giúp nhiều chị em phụ nữ vươn lên thoát nghèo - Ảnh: TQ

Mô hình nuôi dê quay vòng đã giúp nhiều chị em phụ nữ vươn lên thoát nghèo - Ảnh: TQ

Chị Hồ Thị Ngét ở tại thôn A Liêng, xã Tà Rụt là phụ nữ đơn thân, nuôi ba con nhỏ và mẹ già, là gia đình thuộc diện đặc biệt khó khăn. Những năm trước, một mình chị quần quật làm nương rẫy, làm thuê để nuôi con nhỏ và mẹ già. Đất đai ít, vốn liếng để đầu tư chăn nuôi không có, chị Ngét là một trong những người nghèo nhất ở bản A Liêng. Cơ duyên đến với chị Ngét vào năm 2018 khi chị được Hội LHPN huyện Đakrông hỗ trợ 2,8 triệu đồng mua hai con dê giống. Từ số dê giống ban đầu này, đến nay đàn dê gia đình chị đã tăng lên 7 con. Sau khi có vốn liếng, chị Ngét đã mở rộng mô hình, mở thêm quầy tạp hóa để kiếm thêm thu nhập. Hiện tại tuy vẫn còn nhiều khó khăn nhưng thu nhập từ việc chăn nuôi và buôn bán của chị đã khá hơn trước rất nhiều.

Trao đổi với chúng tôi chị Ngét cho biết, từ một cặp dê giống ban đầu, sau 2 năm chăm sóc, đàn dê của chị đã phát triển lên 12 con. Chị đã hoàn trả 2 con dê giống ban đầu cho Hội Phụ nữ xã để hỗ trợ cho hội viên khác. Từ đàn dê của mình, chị đã bán bớt một phần, lấy vốn mở quầy tạp hóa để tăng thêm thu nhập. “Mặc dù chưa thoát được nghèo nhưng đời sống của gia đình tôi hiện nay đã khá hơn trước, có thêm thu nhập đủ để trang trải cho cuộc sống và học hành của các con”, chị Ngét vui vẻ nói.

Theo chị Hồ Thị Hoa, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Tà Rụt, mô hình nuôi dê quay vòng hỗ trợ cho xã Tà Rụt được triển khai tại 3 thôn A Liêng, A Pun và A Đăng. Mỗi thôn có 5 hộ là các hội viên phụ nữ nghèo nằm trong nhóm tiết kiệm vốn vay thôn bản, mỗi hộ được hỗ trợ 2,8 triệu đồng để mua một cặp dê giống. Nét mới trong việc hỗ trợ chăn nuôi này là sau khi nuôi thành công, người được hỗ trợ sẽ phải trả lại 2 con dê giống cho Hội Phụ nữ xã hoặc hoàn lại số tiền được nhận ban đầu để hội tiếp tục hỗ trợ cho chị em khó khăn khác.

Mục tiêu chung của mô hình là giúp đỡ các hộ gia đình hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn phát triển và phục hồi sinh kế, từng bước vươn lên thoát nghèo. Điểm đặc biệt ở mô hình này là từ số vốn hỗ trợ ban đầu, có thể là còn ít nhưng dần dần sẽ được nhân rộng, hỗ trợ giống cho nhiều hội viên khác, đồng thời người được hỗ trợ phải có trách nhiệm chăn nuôi sinh lợi để vừa phát triển kinh tế gia đình vừa hoàn trả lại vốn cho hội phụ nữ cấp trên.

Chị Hoa cho biết, được triển khai từ năm 2018 với số hội viên được hỗ trợ ban đầu là 15 trường hợp. Sau 3 năm triển khai, đến nay mô hình đã xoay vòng được 3 lần, số hội viên được hỗ trợ đã tăng lên 45 người. Điểm đáng mừng là tất cả những người được hỗ trợ đều chăn nuôi thành công, từ 2 con giống ban đầu đến nay số lượng đàn đã tăng lên 7 - 8 con, chưa kể con giống đã hoàn trả cho hội cấp trên. Thu nhập từ việc chăn nuôi dê giúp chị em trang trải cuộc sống, tăng thêm thu nhập và góp phần giảm nghèo bền vững.

Còn tại xã Húc Nghì, sau gần một năm triển khai đến nay mô hình nuôi dê quay vòng đã phát huy hiệu quả. Từ 4 cặp dê giống ban đầu dành cho 4 hộ gia đình hội viên phụ nữ tại 2 thôn Húc Nghì và Ba Bảy, sau hơn 9 tháng chăm sóc nuôi dưỡng, đàn dê của 4 hộ này đã tăng lên thành 18 con. Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Húc Nghì Hồ Thị Thanh cho biết, mặc dù mới là năm đầu tiên thực hiện nhưng mô hình nuôi dê quay vòng đã cho thấy hiệu quả thiết thực. Dự kiến trong dịp 20/10 năm nay, Hội Phụ nữ xã sẽ tiến hành bàn giao con giống quay vòng cho 4 hộ phụ nữ nghèo khác trên địa bàn xã.

Chủ tịch Hội LHPN huyện Đakrông Lê Thị Lệ Huyền cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến đói nghèo là do thiếu kiến thức làm ăn, thiếu vốn sản xuất, chăn nuôi. Thực hiện phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, trong những năm qua, bên cạnh đứng ra tín chấp cho hội viên vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, Hội LHPN huyện Đakrông còn tranh thủ nhiều nguồn lực như chương trình đồng hành với phụ nữ biên cương, chương trình ngân hàng con giống, các tổ chức phi chính phủ như dự án Plan… để triển khai các mô hình hỗ trợ hội viên phụ nữ phát triển kinh tế như mô hình nuôi dê quay vòng, chăn nuôi lợn bản, chăn nuôi bò…

Song song với đó, Hội LHPN huyện còn đẩy mạnh việc huy động nội lực, phát huy tinh thần tương thân tương ái giữa các hội viên để giúp nhau thoát nghèo bằng việc phát động phong trào mỗi hội viên hằng năm đóng góp 5.000 đồng. Số tiền này sẽ được sử dụng để hỗ trợ cho các hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn phát triển và phục hồi sinh kế, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Chị Huyền chia sẻ, mặc dù đã rất nỗ lực nhưng do điều kiện khách quan là số lượng hội viên phụ nữ đông, đa số thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo nên số vốn huy động, kêu gọi được cũng chỉ ở mức độ nhất định. Do vậy, bên cạnh việc kêu gọi hỗ trợ thì cần thiết phải xây dựng được mô hình hay và sáng tạo để đồng vốn được xoay vòng, đến được với nhiều đối tượng hơn. Trong đó, nuôi dê quay vòng được đánh giá là một trong những mô hình hiệu quả, giúp nhiều chị em khó khăn vươn lên thoát nghèo, trở thành trụ cột tài chính giúp gia đình có cuộc sống ổn định. “Đó cũng chính là sức mạnh thu hút, tập hợp cán bộ, hội viên phụ nữ tích cực tham gia các phong trào, góp phần xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh”, chị Huyền khẳng định.

Thục Quyên

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=151559