Hỗ trợ sản xuất để xóa đói giảm nghèo
ĐBP - Những năm qua, các cấp, ngành đã triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ sản xuất cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Từ các cây, con giống, cùng kỹ thuật, phương thức sản xuất khoa học được hỗ trợ, chuyển giao đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần xóa đói giảm nghèo tại các địa phương.
Từ năm 2019, Hội Nông dân xã Núa Ngam, huyện Ðiện Biên vận động được 1 hộ dân thôn Hợp Thành làm mẫu trồng thử nghiệm, phát triển rau màu vụ 2, vụ 3 trên diện tích lúa 1 vụ với diện tích 7.000m2. Hội hỗ trợ tư vấn kiến thức và một phần giống cho hộ tham gia mô hình. Trước đây, vào vụ Ðông - Xuân ruộng 1 vụ bị bỏ không, nay đã được phủ xanh bởi các loại rau màu, chủ yếu là ngô nếp, bí xanh, bí đỏ, một số loại rau theo mùa. Năm 2019, ngoài thu hoạch 1 vụ lúa, diện tích này đã mang về thu nhập cho chủ hộ trên 100 triệu đồng từ rau màu. Hiệu quả thấy rõ tuy nhiên vẫn chưa nhân rộng được diện tích và số hộ tham gia do đặc thù khu vực thiếu nước. Ông Trần Văn Hoài, Chủ tịch Hội Nông dân xã Núa Ngam cho biết: Có nhiều hộ đến tham quan, học hỏi mô hình và muốn phát triển tương tự nhưng chưa chủ động được nguồn nước. Như diện tích đang triển khai mô hình phải khoan giếng công nghiệp để đảm bảo nước tưới. Chúng tôi tiếp tục khuyến khích người dân tìm phương án; có thể nhiều hộ khoan chung một giếng để có nguồn nước phục vụ trồng rau, tận dụng đất lúa 1 vụ, không bỏ trống đất đai. Ðồng thời tiếp tục phối hợp khuyến nông xã, tranh thủ các nguồn lực để tư vấn, tập huấn kiến thức trồng trọt cho người dân cùng một số hỗ trợ khác.
Trong năm 2020, Phòng Kinh tế TP. Ðiện Biên Phủ cũng triển khai nhiều mô hình hỗ trợ sản xuất cho người dân. Có thể kể đến Dự án Liên kết chăn nuôi và tiêu thụ vịt bầu an toàn sinh học tại các xã Thanh Minh, Nà Nhạn, Nà Tấu, Mường Phăng với gần 7.000 con cho 135 hộ. Mô hình trình diễn áp dụng giống lúa mới, tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất lúa vụ mùa tại các xã Pá Khoang, Nà Nhạn, Nà Tấu, Mường Phăng, quy mô 21,33ha, trồng các giống HDT 10, ADI 168, nếp 97. Kết quả đạt năng suất cao, đặc biệt tại Nà Tấu trồng lúa nếp 97 đạt năng suất 65 - 66 tạ/ha. Ðầu tư hỗ trợ trồng cây ăn quả cho hộ nghèo, nhằm mang lại thu nhập lâu dài, ổn định cũng là chương trình mà thành phố triển khai thường xuyên nhiều năm nay. Năm 2020, Phòng Kinh tế thành phố tiếp tục triển khai dự án liên kết trồng xoài tại xã Nà Nhạn, Nà Tấu quy mô 1,23ha; hỗ trợ giống cây mắc ca, đào chín sớm, mận, lê tại các xã: Pá Khoang, Thanh Minh, Mường Phăng, Nà Nhạn với 9,651ha.
Bản Tà Lèng, xã Thanh Minh mới đây cũng được hỗ trợ giống cây, trồng 1ha đào trên đất nương cho 5 hộ. Anh Dương Văn Khào, trưởng bản cho biết: Cây đào đã bén rễ và đang sinh trưởng, phát triển tốt. Mấy năm gần đây, bản được hỗ trợ trồng nhiều cây ăn quả, diện tích lên đến gần 10ha với các giống xoài, mít, đào, ổi trồng trên nương. Khoảng một nửa số hộ trong bản (bản có 120 hộ) tham gia dự án, đều là các hộ có đất nương bạc màu cần chuyển đổi canh tác phù hợp. Mặc dù một số diện tích cây mới ra bói, chưa thu hoạch đồng loạt nhưng chất lượng quả khá ngon. Nhiều cây xoài, ổi mới trồng đã sai quả, phải ngắt quả đi để cây lớn. Vì vậy người dân đều rất mừng và tin tưởng.
Giai đoạn 2016 - 2020, việc hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tiếp tục được xác định là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để xóa đói giảm nghèo. Trong 5 năm, chương trình 30a đã dành hơn 247 tỷ đồng thực hiện hỗ trợ sản xuất người dân thông qua giao khoán, chăm sóc, bảo vệ rừng, giao đất trồng rừng sản xuất cho 1.137 lượt hộ và 88 cộng đồng dân cư; khai hoang, phục hóa và tạo ruộng bậc thang cho trên 2.775 hộ với gần 634ha; hỗ trợ tiền mua giống, phân bón chuyển đổi cây trồng, vật nuôi cho gần 15.500 hộ; hỗ trợ vay vốn lãi suất 0% làm chuồng trại chăn nuôi, cải tạo ao nuôi cá, trồng cỏ cho 648 hộ... Ngoài ra còn có dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài chương trình 135 và 30a. Ước đến cuối năm 2020, toàn tỉnh chỉ còn 30,67% hộ nghèo, vượt mục tiêu nghị quyết.