Hỗ trợ sinh kế giúp bà con dân tộc thiểu số ở Si Ma Cai thoát nghèo

Để đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo, huyện Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai) tận dụng tối đa nguồn lực từ Chương trình mục tiêu Quốc gia và các nguồn lực khác nhằm tạo sinh kế, giúp bà con vươn lên thoát nghèo. Đáng chú ý, các HTX, tổ hợp tác trên địa huyện ngày càng cho thấy vai trò quan trọng trong việc tạo công ăn việc làm, hỗ trợ người nông dân, các thành viên có nguồn thu nhập ổn định.

Nằm trong danh sách những huyện nghèo nhất cả nước nhưng tỷ lệ hộ nghèo tại huyện Si Ma Cai giảm mạnh qua các năm. Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 55,58% (năm 2021) xuống còn 33,05% (năm 2024), bình quân giảm 7,5%/năm, vượt 1,5% mục tiêu Nghị quyết Đại hội; số xã thoát khỏi đặc biệt khó khăn 5/10 xã; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 44 triệu đồng/người năm.

"Bệ đỡ" cho các hộ sản xuất

Si Ma Cai là huyện xa xôi nhất của tỉnh Lào Cai, những năm qua có chuyển biến tích cực nhờ những chính sách giảm nghèo hiệu quả, trong đó có những đóng góp tích cực của các HTX trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Để giúp người dân, đặc biệt là người DTTS thoát nghèo bền vững, huyện đã chủ động hình thành, nhân rộng các loại cây trồng thế mạnh. Đồng thời, thúc đẩy các HTX trở thành “bệ đỡ” cho các hộ sản xuất.

HTX Nông nghiệp Bản Mế, xã Bản Mế, đang là một trong những điểm sáng gây ấn tượng mạnh trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên vùng núi đá Si Ma Cai, với mô hình trồng rừng và sản xuất cây giống.

HTX Nông nghiệp Bản Mế đang là một trong những điển hình sản xuất nông nghiệp giúp xóa đói giảm nghèo cho người dân tại Si Ma Cai.

HTX Nông nghiệp Bản Mế đang là một trong những điển hình sản xuất nông nghiệp giúp xóa đói giảm nghèo cho người dân tại Si Ma Cai.

Anh Hoàng Seo Chẩn, dân tộc Mông, Giám đốc HTX Nông nghiệp Bản Mế cho biết HTX được thành lập từ năm 2017, đến nay đã cung ứng cho người dân hơn 40 vạn cây quế giống, hàng chục vạn cây giống chất lượng cao khác như cây trẩu (một loại cây dược liệu), sưa đỏ…

Theo anh Chẩn, trước đây nông sản của người dân chủ yếu tiêu thụ nhỏ lẻ, bị phụ thuộc vào thương lái. Thương lái quyết định toàn bộ giá cả, người dân không được trả giá. Thế nhưng, khi thành lập HTX, các thương lái đã phải ký cam kết đầu ra và giá nông sản cho người dân. Qua đó, nông sản vừa được giá vừa không lo để bị tồn trong nhà.

Khi tham gia vào HTX, các thành viên không phải góp vốn, chỉ ủng hộ bằng ngày công lao động. Ngược lại, các thành viên lại nhận được nhiều lợi ích, như: được HTX cung cấp cây giống với giá ưu đãi, được cho vay phân bón đến cuối vụ, nông sản làm ra được HTX thu mua, không bị thương lái ép giá.

Nhờ hoạt động tốt, HTX Nông nghiệp Bản Mế liên tục duy trì đà tăng trưởng nhanh, vững vàng. Hiện, HTX đang có quy mô sản xuất trên 20 vạn cây giống/năm, đáp ứng nhu cầu sản xuất cho hàng nghìn hộ dân trong và ngoài địa phương.

HTX đang thu hút, tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động chính thức, mức thu nhập bình quân 7 - 10 triệu đồng/người/tháng, hơn 50 lao động thời vụ, đa số là thanh niên và phụ nữ người DTTS trong vùng, với mức thu nhập 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Đặc biệt, không chỉ nâng cao thu nhập cho thành viên, người lao động, HTX còn tích cực hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp giống cây theo hình thức trả chậm, không tính lãi, cho nhiều hộ gia đình trong xã, tạo điều kiện để họ phát triển rừng, chuyển đổi từ trồng ngô kém hiệu quả sang trồng quế, nâng cao đời sống.

Hiện nay, đa số các gia đình do thanh niên làm chủ trên địa bàn xã Bản Mế đều có cuộc sống khá ổn định và sung túc, qua đó góp phần giúp địa phương thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Đáng chú ý, cuối năm 2024, HTX nông nghiệp Bản Mế đạt giải ba với ý tưởng “Nâng cao chuỗi giá trị kinh tế của cây Trẩu bằng giải pháp chế biến hạt Trẩu thành các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường, góp phần phát triển xanh, bền vững, giảm phát thải cacbon và tạo kế sinh nhai cho đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện Mường Khương, Si Ma Cai và Bắc Hà”.

Nhiều chuyển biến rõ nét từ khu vực KTTT, HTX

Huyện Si Ma Cai hiện có 23 HTX và 67 tổ hợp tác, với hơn 1.000 thành viên, chủ yếu là các HTX nông nghiệp. Phát triển mô hình HTX, Tổ hợp tác các các xã trên địa bàn huyện Si Ma Cai ngày càng được chính quyền địa phương cũng như Liên Minh HTX tỉnh chú trọng.

Những thành công hiện tại là kết quả của các chính sách phát triển đúng hướng của các ban ngành chức năng tỉnh Lào Cai và huyện Si Ma Cai, trong đó không thể không kể đến những đóng góp tích cực của Liên minh HTX tỉnh Lào Cai.

Liên minh HTX Việt Nam, thông qua Liên minh HTX tỉnh Lào Cai, đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ các HTX tại huyện Si Ma Cai nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể và giảm nghèo bền vững.

Điển hình, trong tập huấn nâng cao năng lực vào cuối năm 2024, Liên minh HTX tỉnh Lào Cai đã tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý các HTX và tổ hợp tác. Chương trình nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng quản lý và điều hành, giúp các HTX hoạt động hiệu quả hơn.

Huyện Si Ma Cai hiện có 23 HTX và 67 tổ hợp tác, với hơn 1.000 thành viên, chủ yếu là các HTX nông nghiệp.

Huyện Si Ma Cai hiện có 23 HTX và 67 tổ hợp tác, với hơn 1.000 thành viên, chủ yếu là các HTX nông nghiệp.

Hay trong hoạt động hỗ trợ kỹ thuật và liên kết sản xuất, Liên minh HTX Việt Nam, thông qua Liên minh HTX tỉnh, đã hỗ trợ các HTX tại Si Ma Cai trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị và liên kết với doanh nghiệp. Ví dụ, HTX Bản Mế đã liên kết sản xuất cây dược liệu, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, góp phần giảm nghèo bền vững.

Có thể nói, sự đồng hành của Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh Lào Cai đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX tại Si Ma Cai, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.

Bàn cách nâng cao hoạt động của HTX

Bên cạnh nhiều mô hình HTX, tổ hợp tác phát triển bền vững, trở thành "điểm tựa" cho người nông dân trên địa bàn vươn lên thoát nghèo. Theo UBND huyện Si Ma Cai vẫn còn nhiều HTX hoạt động cầm chừng, không mấy hiệu quả, một số đang tạm dừng hoạt động. Một trong những nỗ lực của địa phương là giúp liên kết, tìm đầu ra cho sản phẩm của bà con khi HTX hoạt động cầm chừng. Huyện cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có thể thu mua được hết các sản phẩm mà bà con nông dân nuôi trồng.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, bên cạnh các chính sách hỗ trợ của nhà nước, thì việc gắn sản xuất kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học - công nghệ cần được chú trọng. Qua đó, giúp các HTX hoạt động thực chất, hiệu quả hơn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Do đặc thù địa bàn thuần nông nên việc phát triển các HTX trên địa bàn được huyện Si Ma Cai quan tâm. Song vì nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan nên việc duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình kinh tế hợp tác này đang gặp không ít khó khăn. Đây là vấn đề đặt ra cần được địa phương quan tâm tháo gỡ.

Thời gian tới, huyện Si Ma Cai xác định giảm nghèo, nâng cao thu nhập, trình độ dân trí, phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với phát triển du lịch, xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm; chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp sang các lĩnh vực khác là nhiệm vụ đột phá.

Để hoàn thành mục tiêu, huyện chú trọng phát triển kinh tế, xã hội, phát triển kinh tế tập thể (KTTT) gắn với giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thực hiện tiến bộ và an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân.

Liên minh HTX tỉnh Lào Cai cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp với UBND tỉnh, các huyện triển khai thực chất, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương về phát triển KTTT, HTX. Thu hút đại bộ phận nông dân tham gia HTX và huy động ngày càng nhiều các tổ chức, doanh nghiệp tham gia hoặc liên kết với HTX; xây dựng và phát triển các HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh; tăng cường xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu các sản phẩm chủ lực; xây dựng các mô hình KTTT, HTX kiểu mới phù hợp với bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0; tăng cường hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực sản xuất và khả năng thích nghi trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, biến đổi khí hậu cho kinh tế hợp tác.

Hoàng Hà

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/ho-tro-sinh-ke-giup-ba-con-dan-toc-thieu-so-o-si-ma-cai-thoat-ngheo-1105807.html