Hút vạn khách du lịch đến thăm 'cánh đồng công nghệ cao', nông dân Bắc Kạn thu trăm triệu nhàn tênh
Việc ứng dụng công nghệ cao đã và đang giúp các HTX trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn chủ động trong sản xuất, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng doanh thu cho thành viên.
Những năm qua, HTX Đại Hà hoạt động trên địa bàn xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông, đã ghi dấu ấn mạnh mẽ trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập cho các thành viên.
Tạo tiếng vang nhờ ứng dụng công nghệ
Cách đây hơn 5 năm, HTX Đại Hà bắt đầu triển khai trồng giống dưa lưới Huỳnh Long có nguồn gốc từ Malaysia. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm kỹ thuật, sản lượng và chất lượng dưa chưa cao như kỳ vọng của thành viên HTX.
Để khắc phục những vấn đề đặt ra, HTX đã nhanh chóng nghiên cứu và điều chỉnh các yếu tố như liều lượng phân bón, xử lý đất, kiểm soát độ ẩm và phòng ngừa bệnh nấm. Nhờ đó, các vụ tiếp theo, tỷ lệ đậu quả tăng cao, quả đạt trọng lượng từ 1,5 đến 3kg, năng suất đạt 3 tấn trên diện tích 1.000m² sau gần 3 tháng trồng.

Nông dân Bắc Kạn đẩy mạnh đưa khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Đến năm 2023, HTX mở rộng quy mô sản xuất với việc đầu tư thêm 3 nhà vườn, trong đó có một nhà rộng 1.000m² tại thôn Tổng Nẻng, phường Huyền Tụng, thành phố Bắc Kạn. Vụ hè năm đó, HTX thu hoạch gần 10 tấn dưa lưới, với giá bán bình quân 55.000 đồng/kg, thu về khoảng 500 triệu đồng trước khi trừ chi phí.
Bên cạnh việc trồng dưa lưới, HTX Đại Hà còn phát triển diện tích trồng quýt Bắc Kạn, với hơn 30ha cho sản lượng hơn 300 tấn quả, đem lại doanh thu trên 6 tỷ đồng. HTX cũng mở rộng sang trồng cam đường Canh và cam Vinh, đa dạng hóa sản phẩm và tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Những thành công của HTX Đại Hà là minh chứng rõ nét cho việc ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ trong nông nghiệp, không chỉ nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm mà còn góp phần cải thiện thu nhập cho các thành viên, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Tương tự, HTX Dương Quang, thành lập năm 2018 tại xã Dương Quang, thành phố Bắc Kạn, cũng đang trở thành một điển hình trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất ở Bắc Kạn. Ngay từ khi thành lập, HTX đã tập trung vào sản xuất nông nghiệp an toàn.
Liên kết là chìa khóa thành công
Một trong những bước tiến quan trọng của HTX Dương Quang là đầu tư xây dựng nhà lưới rộng hơn 1.000m² tại thôn Nà Ỏi, xã Dương Quang, với hệ thống tưới nước hiện đại.
Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, trong 3 năm qua, HTX đã thành công trong việc trồng dưa lưới trong nhà lưới. Bình quân mỗi năm, HTX triển khai 2 vụ, với giá bán lẻ trên dưới 50.000 đồng/kg. Với mẫu mã đẹp, vị ngọt, trái to đều, đạt tiêu chuẩn VietGAP, nên dưa của HTX được người tiêu dùng ưa chuộng.
Sau khi thu hoạch dưa lưới vào tháng 10/2023, HTX chuyển sang trồng rau an toàn, bí nụ, hoa cúc chi để làm trà, cùng với sản xuất các đặc sản như lạp sườn gác bếp và thịt lợn gác bếp Dung Dinh, đều đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường từ 9 - 10 tấn thành phẩm, với giá bán khoảng 250.000 đồng/kg lạp sườn, 280.000 đồng/kg thịt treo gác bếp và 400.000 đồng/kg thịt lợn khô.

Sản xuất công nghệ cao giúp nông dân tạo môi trường xanh, hút khách du lịch.
HTX Đại Hà và Dương Quang chỉ là hai trong số nhiều HTX, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đang hoạt động hiệu quả, trở thành điểm tựa cho thành viên, nông dân liên kết ứng dụng công nghệ cao và sản xuất để làm giàu bền vững.
Toàn tỉnh Bắc Kạn hiện có 455 HTX, thu hút hơn 5.500 thành viên, hàng vạn lao động, với thu nhập bình quân thành viên/người lao động đạt 59 triệu đồng/người/năm. Đây là kết quả của chính sách hỗ trợ đúng hướng của ban ngành chức năng tỉnh, đặc biệt là sự đồng hành của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh.
Cụ thể, trong các năm 2023 và 2024, Liên minh HTX tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức hàng chục lớp hướng dẫn và tuyên truyền kiến thức về HTX cùng các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, giúp các thành viên nâng cao hiểu biết và kỹ năng quản lý.
Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Bắc Kạn đã cung cấp các khoản vay ưu đãi cho các HTX và tổ hợp tác. Từ năm 2016 đến nay, Quỹ đã hỗ trợ hơn 36 HTX tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, giúp họ mở rộng sản xuất kinh doanh và đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
Thực hiện Quyết định số 821/QĐ-UBND ngày 15/5/2023, tỉnh Bắc Kạn đã phê duyệt dự án hỗ trợ kết cấu hạ tầng cho 14 HTX nông nghiệp với tổng kinh phí 31,58 tỷ đồng. Đến nay đã khởi công xây dựng hang chục công trình và bàn giao đưa vào sử dụng loạt công trình nhà kho, nhà xưởng cho các HTX.
Phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch
Bên cạnh đó, Liên minh HTX Việt Nam đã phối hợp với Liên minh HTX tỉnh Bắc Kạn hỗ trợ các HTX trong việc xây dựng thương hiệu, tham gia các hội chợ, triển lãm và kết nối thị trường, giúp sản phẩm của các HTX tiếp cận rộng rãi hơn đến người tiêu dùng.
Cùng với sự phát triển của khu vực kinh tế hợp tác, HTX, những năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp, tập trung chuyển đổi sang sản xuất hàng hóa, gắn sản xuất với tiêu thụ.
Các địa phương tăng cường đồng hành cùng HTX, nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, luân canh tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng để tăng giá trị kinh tế.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đang có hàng trăm mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trước đây, người dân chỉ sản xuất để cung cấp cho nhu cầu thị trường, giờ đây nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã trở thành tiềm năng lớn để phát triển nông nghiệp hàng hóa kết hợp với du lịch trải nghiệm.
Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch trên địa bàn tỉnh đã được hình thành, thu hút du khách đến tham quan, chụp ảnh kết hợp tiêu thụ sản phẩm trực tiếp, mang lại hiệu quả cao và mở hướng phát triển cho nền nông nghiệp hiện đại.
Thời gian tới, dể phát triển nông nghiệp hiện đại gắn với du lịch trải nghiệm, tỉnh Bắc Kạn dự kiến tiếp tục đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch sinh thái.
Đồng thời, phát huy vai trò của các HTX, tổ hợp tác trong xây dựng các mô hình cảnh quan kết hợp với sản xuất nông nghiệp, sản xuất các cây trồng đặc sản, đặc trưng từng vùng, kết hợp các tour du lịch trải nghiệm, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người dân.