Hỗ trợ sinh viên 'gọi vốn' khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Đối với các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) của sinh viên, việc thiếu vốn dẫn đến các dự án khó phát triển thành sản phẩm để thương mại hóa.
Cần thêm những trợ lực
Kể từ khi bắt đầu triển khai các hoạt động KNĐMST vào năm 2018, Đại học Huế đã xây dựng và phát triển hệ sinh thái KNĐMST, kết nối giữa các đơn vị, doanh nghiệp, nhà đầu tư... Đã có hàng trăm sự kiện, khóa đào tạo, truyền cảm hứng KNĐMST đến hàng chục ngàn sinh viên, giảng viên; góp phần tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mới, mang lại giá trị cho xã hội.
Theo đánh giá của lãnh đạo Đại học Huế, những ý tưởng KNĐMST của sinh viên rất nhiều, nhưng để trở thành sản phẩm thương mại hóa thì hoàn toàn không dễ. Ngoài rào cản các sinh viên còn tập trung cho học tập, chưa sẵn sàng để kinh doanh, thì trở ngại không kém là tính pháp lý trong huy động vốn. Các quy định về thủ tục đầu tư khiến sinh viên chưa đủ điều kiện để tiếp nhận được các nguồn vốn.
Tham dự hội nghị hệ sinh thái mở các trường đại học, cao đẳng Việt Nam năm 2024 (Techfest Edu 2024) được tổ chức tại Đại học Huế cuối tháng 8/2024, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp, Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá, không chỉ ở Đại học Huế, KNĐMST tại các trường đại học, cao đẳng hiện nay trong cả nước vẫn còn những khó khăn. Việc khai mở tư duy và đầu tư nguồn lực cho hoạt động này hiện vẫn chưa nhiều. Nhiều trường chưa định hướng chiến lược lâu dài để vận hành hệ sinh thái KNĐMST. Để thu hút được nguồn vốn, cũng như thêm các trợ lực cho các ý tưởng cho sinh viên, các trường cần xây dựng được một hệ sinh thái KNĐMST có tính đồng bộ, gồm: sinh viên, nhà trường, những người dẫn dắt, doanh nghiệp, nhà đầu tư, thị trường tiêu thụ…
Ông Phạm Tuấn Hiệp, Giám đốc Quỹ Đầu tư BK Fund góp ý, để mô hình hệ sinh thái KNĐMST trong môi trường đại học có hiệu quả, đầu tiên phải nhấn mạnh đến cam kết chiến lược dài hạn của nhà trường. KNĐMST là lĩnh vực còn rất mới, đa số các cơ sở đang đi tìm mô hình tối ưu, từ chiến lược, chính sách KNĐMST rõ ràng, đầu tư tài chính và cơ sở vật chất trong giai đoạn ban đầu. Bên cạnh đó là đào tạo nhân sự phù hợp, gắn bó với KNĐMST… Quá trình triển khai, nếu trường nào đó không kiên trì theo đuổi, hoặc lơ là một khâu nào đó, chắc chắn khó khăn sẽ chồng khó khăn.
Hỗ trợ sinh viên gọi vốn
Techfest Edu 2024 dành riêng chương trình Demo Day (giới thiệu dự án) để các dự án khởi nghiệp giới thiệu ý tưởng và sản phẩm của mình trước các nhà đầu tư, quỹ đầu tư, cộng đồng khởi nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, hoạt động này cũng tạo điều kiện thuận lợi để các nhà khởi nghiệp tiếp cận nguồn vốn, bằng những cam kết cụ thể về việc “rót” vốn cho dự án từ nhà đầu tư.
Đang còn là sinh viên năm 4 (Trường đại học Nông Lâm, Đại học Huế), Trương Minh Kiệt được biết đến với mô hình trồng rau nhà kính theo tiêu chuẩn VietGAP, tại xã Hương Phú, huyện Nam Đông. Mô hình đã mang lại doanh thu. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu của mô hình đạt hơn 101 triệu đồng; trong đó, chi phí sản xuất là 45 triệu đồng. Tuy nhiên, Trương Minh Kiệt cho biết, rau thủy canh của mình mới chỉ tiêu thụ ở Nam Đông, chưa thể thâm nhập sâu sang các thị trường khác, nhất là địa bàn TP. Huế.
Theo Trương Minh Kiệt, nhu cầu về các sản phẩm rau sạch ngày càng tăng cao, thị trường nhiều sản phẩm. Nhiều người muốn trồng rau tại nhà, nhưng không có đủ kỹ năng. Để mở rộng quy mô sản xuất tiến đến mở rộng thị trường tiêu thị, Trương Minh Kiệt cùng hai sinh viên khác từ Trường đại học Kinh tế và Trường đại học Y Dược thành lập nhóm dự án và tìm kiếm đối tác đầu tư tại Techfest Edu 2024. Tại hoạt động kết nối, nhà đầu tư cam kết đầu tư 300 triệu cho nhóm của Kiệt phát triển, mở rộng dự án.
Ông Hoàng Kim Toản, Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo - Đại học Huế cho biết, tham gia hoạt động gọi vốn tại Demo Day 2024 có 9 dự án khởi nghiệp. Trong 8/9 dự án gọi vốn có nguồn gốc là sản phẩm các đề tài khoa học và công nghệ của sinh viên, cán bộ giảng viên trong Đại học Huế. Kết thúc hoạt động, gần 1 tỷ đồng đã được cam kết đầu tư vào các dự án KNĐMST. Đây là bước đệm quan trọng để các dự án này phát triển và tạo ra những đột phá mới. Quan trọng hơn là để các dự án trở thành sản phẩm được thương mại hóa. Từ hiệu quả đó, Đại học Huế sẽ tổ chức thêm nhiều hoạt động kết nối và sẽ đồng hành những cam kết đầu tư, hỗ trợ các yếu tố pháp lý khi hai bên thực hiện đầu tư thuận lợi.
Ông Lê Nhật Quang, Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phân tích, tạm bỏ qua những rào cản trong KNĐMST của sinh viên, một nghiên cứu mới đây tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, những em sinh viên tham gia các hoạt động, cuộc thi về KNĐMST có tỷ lệ thành công với công việc sau này cao hơn. Khi tham gia các hoạt động, các em có thêm nhiều kỹ năng mềm như chuẩn bị những kiến thức về tìm ý tưởng, lập kế hoạch, triển khai dự án, đi tìm thị trường, đi tiếp thị… Đó là những công việc không khác gì một nhân viên đang làm việc tại doanh nghiệp.