Hỗ trợ tâm lý giúp học sinh vượt qua những vấn đề về hành vi
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), từ tháng 2/2024, Sở GD&ĐT Hà Nội đăng ký thực hiện thí điểm mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội và tư vấn tâm lý cho học sinh.
Thí điểm mô hình tư vấn tâm lý cho học sinh
Từ tháng 2/2024, Bộ GD&ĐT triển khai thí điểm mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội và tư vấn tâm lý trường học trong việc hỗ trợ, bảo vệ học sinh.
Thời gian triển khai thí điểm trong 6 tháng (từ tháng 2 đến tháng 8/2024) tại 6 địa phương gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hà Giang, Tuyên Quang, Hòa Bình, Thanh Hóa.
Thực tế, mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội và tư vấn tâm lý trường học đã được Bộ GD&ĐT chỉ đạo triển khai tại các địa phương và vài năm nay.
Tuy nhiên, theo phản ánh từ các Sở, quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, trong đó có việc kinh phí chưa được đầu tư tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ; trình độ năng lực và phương pháp hỗ trợ học sinh của đội ngũ thực hiện nhiệm vụ này còn hạn chế...
Mô hình thí điểm sẽ thực hiện các nội dung: hướng dẫn tổ chức hoạt động cung cấp dịch vụ công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong các cơ sở giáo dục theo đúng quy định và phù hợp thực tiễn tại các địa phương; tổ chức tập huấn chuyên môn cho các trường triển khai thí điểm mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội và tư vấn tâm lý.
Trong quá trình triển khai thí điểm vận hành mô hình công tác xã hội và tư vấn tâm lý tại các trường học, Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo các Sở GD&ĐT, các nhà trường tổ chức giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa các đơn vị; khảo sát, kiểm tra, giám sát, hỗ trợ việc triển khai thí điểm; đánh giá và xây dựng báo cáo kết quả việc triển khai thí điểm mô hình tại các cơ sở giáo dục.
Theo kế hoạch, tháng 6/2024, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ để nâng cao năng lực của cán bộ, giáo viên thực hiện các hoạt động cung cấp dịch vụ công tác xã hội và tư vấn tâm lý trường học, từ đó, nâng cao năng lực, hiệu quả hỗ trợ, bảo vệ học sinh; tổ chức trao đổi, học tập kinh nghiệm thực hiện công tác xã hội, tư vấn tâm lý giữa các cơ sở giáo dục thí điểm.
Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức khảo sát, kiểm tra, giám sát, hỗ trợ việc triển khai thí điểm; đánh giá và xây dựng báo cáo kết quả việc triển khai thí điểm mô hình tại các cơ sở giáo dục để làm căn cứ nhân rộng mô hình trong năm học tiếp theo.
Tại Hà Nội, 3 trường học đại diện cho 3 cấp học áp dụng thí điểm gồm: Trường Tiểu học Trung Tự (quận Đống Đa), Trường THCS Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) và Trường THPT Minh Phú (huyện Sóc Sơn).
Trong Hội nghị tập huấn sử dụng tài liệu và bồi dưỡng kỹ năng tư vấn tâm lý trường học được tổ chức cuối năm 2023, Bộ GD&ĐT đánh giá, thời gian qua, những vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm lý học đường như hành vi, cảm xúc, khó khăn tâm lý, định hướng nghề nghiệp, bạo lực, bắt nạt ngày càng trở nên phức tạp, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, đặc biệt ảnh hưởng đến học tập và chất lượng cuộc sống của học sinh.
Hiệu quả chưa được như mong muốn
Bộ GD&ĐT khẳng định, tư vấn tâm lý trường học có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ học sinh, giáo viên, cha mẹ học sinh giải quyết các vấn đề tâm lý gặp phải thông qua các trợ giúp mang tính chuyên nghiệp.
Đối với học sinh, tư vấn tâm lý trường học giúp các em tiếp cận được các cơ hội học tập, hướng nghiệp phù hợp và phát triển bản thân, giảm tỷ lệ học sinh bị stress, hình thành thái độ sống tích cực, thiết lập mối quan hệ chan hòa với những người xung quanh.
Hoạt động tư vấn tâm lý trường học cũng góp phần hỗ trợ giáo viên, thành viên nhà trường tối ưu hóa năng lực giảng dạy, quản lý. Theo TS Đặng Thị Huyền Oanh - giảng viên khoa Công tác xã hội (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), hiện nay đa phần giáo viên không có chuyên môn về công tác xã hội nên không thể đánh giá, ghi nhận hết tất cả vấn đề học sinh gặp phải để có định hướng hỗ trợ phù hợp...
Tại Hà Nội, vài năm nay, việc tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý cũng đã được các nhà trường coi trọng hơn. Nhiều trường ngoài công lập trên địa bàn TP đã dành nguồn kinh phí lớn để tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý cũng như cung cấp dịch vụ công tác xã hội, đồng thời bố trí chuyên gia làm nhiệm vụ này.
Tuy nhiên, với các trường công lập, hoạt động này còn chưa được duy trì thường xuyên và hiệu quả chưa được như mong muốn.
Bên cạnh đó, nhận thức về tầm quan trọng của công tác xã hội trong trường học của đội ngũ các bộ quản lý, giáo viên ở một số đơn vị trường học chưa cao; giáo viên phụ trách công tác xã hội trường học hiện tại phần lớn là những giáo viên thiếu tiết được phân công kiêm nhiệm, không có chuyên môn sâu về công tác xã hội và công tác tư vấn tâm lý.
Một số giáo viên thiếu kỹ năng lắng nghe, giao tiếp với học sinh, nhất là thiếu phương pháp xử lý tình huống với những học sinh khác biệt. Sự phối hợp giữa nhà trường với cha mẹ học sinh ở những trường vùng sâu, vùng xa nhằm phát hiện tình trạng học sinh có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt để can thiệp, trợ giúp vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Đánh giá công tác xã hội và tư vấn tâm lý những năm qua trong các trường học, đại diện tổ chức UNICEF tại Việt Nam khẳng định đây là một trong những vấn đề trụ cột trong hoạt động của các cơ sở giáo dục phổ thông hiện nay.
Công tác xã hội và tư vấn tâm lý giúp các trường học hoạt động theo đúng nhu cầu của học sinh; bảo đảm các phúc lợi xã hội, sức khỏe, tâm lý của học sinh trong trường học và giúp học sinh chuyên tâm học tập, đạt kết quả tốt hơn.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) Trần Văn Đạt nhận định: trường học là nơi học sinh dành khá nhiều thời gian hàng ngày và là môi trường có ảnh hưởng nhiều đến khả năng phát triển của các em.
Tuy nhiên, học sinh trong các trường học ở Việt Nam đã và đang phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp, đa dạng, ảnh hưởng lớn tới việc học tập và quyền của các em như bạo lực, xâm hại, bắt nạt, nghiện games, nghiện ma túy, sức khỏe tâm thần, bỏ học, khuyết tật, nghèo đói, thiếu kỹ năng sống, giá trị sống...
Do tính chất đan xen, đa dạng, nhiều chiều và phức tạp của các vấn đề này cho nên đòi hỏi phải có sự hỗ trợ, can thiệp đồng bộ nhiều hơn nữa thông qua các hoạt động, dịch vụ khác nhau, trong đó có hoạt động công tác xã hội, tư vấn tâm lý trong trường học.
Vì thế, hoạt động tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho học sinh có vai trò quan trọng trong việc trợ giúp học sinh vượt qua những vấn đề về hành vi và học tập, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, dự phòng và ngăn chặn những diễn biến không lành mạnh về sức khỏe tâm lý của học sinh; trực tiếp tìm hiểu và can thiệp sớm với những trường hợp mới có dấu hiệu rối nhiễu tâm lý; là cầu nối hỗ trợ cha mẹ học sinh chuyển học sinh tới những cơ sở trị liệu chuyên biệt hơn nếu cần thiết.