Hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số tìm việc làm
Để giải quyết việc làm cho đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) dân tộc thiểu số (DTTS), những năm qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) phối hợp với Tỉnh đoàn và các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp (DN) để định hướng, hỗ trợ thông tin về thị trường việc làm, xuất khẩu lao động, giúp ĐVTN người DTTS có nhiều lựa chọn việc làm để có thu nhập ổn định.
Hướng Hóa và Đakrông là hai huyện miền núi của tỉnh có số người trong độ tuổi lao động chiếm hơn 60% dân số, trong đó tỉ lệ lao động là ĐVTN có nhu cầu tìm việc làm rất lớn. Theo Bí thư Xã đoàn Hướng Tân Hồ Văn Việt, xã có hơn 200 ĐVTN, trước đây, đa số chưa có việc làm ổn định, cuộc sống còn nhiều khó khăn.
Thời gian qua, được sự quan tâm của các cấp, ngành và các chương trình giải quyết việc làm của nhà nước, ĐVTN được hiểu hơn về các chính sách thiết thực của trung ương và tỉnh dành cho người DTTS, nên đã mạnh dạn tìm hiểu và đăng ký học nghề, tìm việc làm. Nhờ vậy, hơn 50% ĐVTN của xã có việc làm. Nhiều người đã tham gia các lớp học nghề trình độ trung cấp, sơ cấp được các DN tuyển dụng; số khác đi lao động phổ thông ngoại tỉnh.
Tiêu biểu, có một số ĐVTN thành công trong phát triển mô hình sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập và giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương như anh Trần Đức Thu ở thôn Tân Linh với mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm hiệu quả. Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, ĐVTN của xã đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ngày càng tăng. Từ nguồn thu nhập khi làm việc ở nước ngoài, có ít nhất hơn 20 lao động gửi tiền về hỗ trợ gia đình có vốn sản xuất. “Xã rất mong muốn ngày càng có nhiều ĐVTN có việc làm giúp gia đình nhanh chóng thoát nghèo, ổn định cuộc sống,” anh Việt chia sẻ.
Bí thư Huyện đoàn Hướng Hóa Nguyễn Anh Cư cho biết, toàn huyện có hơn 14.000 ĐVTN. Tính từ năm 2020 đến nay có hơn 3.700 lượt ĐVTN được quan tâm giới thiệu việc làm; trong đó có 166 ĐVTN tham gia xuất khẩu lao động. Công tác xuất khẩu lao động cho ĐVTN trên địa bàn huyện được xem là phương án giảm nghèo hiệu quả.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ đưa nguồn nhân lực ở huyện miền núi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Phòng LĐ-TB&XH huyện Hướng Hóa tổ chức cập nhật, phân tích, dự báo thị trường lao động để có những định hướng đúng cho việc đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực. Quan tâm thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động đối với người DTTS, các lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, chi phí làm thủ tục, hồ sơ, vay vốn cho người tham gia lao động ở nước ngoài theo hợp đồng.
Tại huyện Đakrông, theo Bí thư Huyện đoàn Nguyễn Đức Linh, huyện có hơn 5.600 ĐVTN. Vấn đề giải quyết việc làm cho ĐVTN của huyện thời gian qua luôn được các cấp ngành, địa phương quan tâm. Sở LĐ-TB&XH phối hợp với UBND huyện tổ chức các chương trình giao lưu, đối thoại về việc làm cho ĐVTN là người DTTS nhằm cung cấp những thông tin về cung - cầu lao động để các lao động lựa chọn tìm việc làm phù hợp, ổn định, bảo đảm an sinh xã hội.
Cùng với đó, các đơn vị, doanh nghiệp tuyển dụng đã tư vấn thông tin thị trường việc làm, chia sẻ, trao đổi, giải đáp ý kiến của ĐVTN về hoạt động đào tạo nghề, cơ hội tìm kiếm việc làm, chính sách hỗ trợ vốn vay giải quyết việc làm, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong 9 tháng đầu năm 2023, có hơn 50% lượt ĐVTN của huyện được quan tâm giới thiệu việc làm, trong đó có 59 ĐVTN đi xuất khẩu lao động.
Bí thư Tỉnh đoàn Trần Thị Thu cho biết, giải quyết việc làm cho ĐVTN trên địa bàn, nhất là ĐVTN người DTTS luôn được đặc biệt quan tâm. Tỉnh đoàn phối hợp Sở LĐ-TB&XH rà soát thực trạng việc làm của ĐVTN trên toàn tỉnh, trên cơ sở đó tiếp tục chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, giới thiệu việc làm cho ĐVTN, tổ chức hội chợ việc làm, định hướng nghề nghiệp và việc làm cho ĐVTN nông thôn. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn chỉ đạo các cấp bộ đoàn phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động tư vấn hướng nghiệp, hỗ trợ ĐVTN khởi nghiệp, đào tạo nghề và xuất khẩu lao động.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, Tỉnh đoàn đã tổ chức 75 hoạt động hướng nghiệp, 56 hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho 12.400 ĐVTN, bộ đội xuất ngũ, trong đó có nhiều lao động người DTTS. Qua giới thiệu, có gần 6.500 ĐVTN tìm được việc làm mới.
Thông qua hoạt động hỗ trợ việc làm, các huyện, thị, thành đoàn phối hợp ngân hàng chính sách xã hội các cấp giúp ĐVTN tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi giải quyết việc làm, phát triển kinh tế. Tính đến tháng 8/2023, dư nợ vốn vay ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh qua Đoàn thanh niên là 520 tỉ đồng.
Từ nguồn vốn vay này, nhiều ĐVTN, trong đó có không ít người DTTS xây dựng và phát triển các mô hình, câu lạc bộ, tổ hợp tác phát triển kinh tế. Đến nay, toàn tỉnh có 85 câu lạc bộ, tổ hợp tác phát triển kinh tế, 490 mô hình ĐVTN làm kinh tế có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.
Theo bà Trần Thị Thu, các chính sách ưu đãi của nhà nước và sự vào cuộc của các sở, ban, ngành, địa phương cùng sự chủ động của các cấp bộ đoàn đã hỗ trợ ĐVTN tìm được việc làm trong và ngoài nước, ổn định cuộc sống, đặc biệt là ĐVTN đang sinh sống tại các xã đặc biệt khó khăn, ở huyện nghèo, huyện miền núi, góp phần giúp các địa phương chuyển biến về KT-XH.