Hỗ trợ thiết thực cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa

Hàng hóa của Bình Thuận hiện xuất khẩu trực tiếp đến 56 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó đã tham gia hầu hết thị trường là thành viên của các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết. Thống kê trong giai đoạn 2011 - 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh thực hiện 3.401,28 triệu USD với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt hơn 10%.

Hỗ trợ thiết thực cho hoạt động

Hội nghị Xúc tiến tiêu thụ thanh long từng được tổ chức tại Bình Thuận.

Hội nghị Xúc tiến tiêu thụ thanh long từng được tổ chức tại Bình Thuận.

Trong 3 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Bình Thuận, nhóm hàng thủy sản đóng góp 1.249,81 triệu USD (tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 5,12%) và nhóm hàng hóa khác thực hiện 1.923,66 triệu USD (bình quân tăng hàng năm gần 18%). Còn lại nhóm hàng nông sản đem về cho địa phương 227,81 triệu USD, trong đó chủ yếu nhờ vào thanh long và rau củ quả xuất khẩu đạt 152,65 triệu USD, cao su là 50,18 triệu USD…

Để thúc đẩy và mở rộng thị trường tiêu thụ ra bên ngoài, thời gian qua địa phương luôn quan tâm hỗ trợ thiết thực cho hoạt động xuất khẩu sản phẩm, hàng hóa có lợi thế. Như hỗ trợ Hiệp hội Thanh long đăng ký nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu “BÌNH THUẬN” tại thị trường Anh, Đức, Pháp, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia, Đài Loan, Trung Quốc, Singapore, Hồng Kông, Thái Lan… Với Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết thì hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “PHAN THIẾT NƯỚC MẮM - FISHSAUCE & hình” tại Hoa Kỳ, Thái Lan, Campuchia và các nước này đã đồng ý bảo hộ. Ngoài ra có 2 doanh nghiệp (Công ty cổ phần Muối Vĩnh Hảo và Công ty TNHH Hải Nam) được UBND tỉnh hỗ trợ lãi suất vay vốn đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị cho dự án.

Cũng nhằm hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu, đã có hơn 40 khóa đào tạo về hướng dẫn xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng được tổ chức trên địa bàn tỉnh. Đến nay có 13 doanh nghiệp, 2 đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện nhiều nội dung trong việc xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001, ISO 22000, HACCP, BRC, SA 8000, HALAL… Bên cạnh đó, địa phương còn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận tốt các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, nhất là tập trung vào những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Hướng đến đẩy mạnh xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp cũng được hỗ trợ tham gia các nội dung trong chương trình xúc tiến thương mại, chương trình khuyến công của tỉnh và quốc gia nhằm kết nối giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Trong đó có chương trình kết nối giao thương với các hiệp hội và doanh nghiệp Indonesia, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Hoa Kỳ, Liên bang Nga, Phần Lan... Với trái cây lợi thế, địa phương đã phối hợp các bộ ngành Trung ương tổ chức Hội nghị Xúc tiến tiêu thụ thanh long tại thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Tiếp đó là Hội thảo Xúc tiến tiêu thụ thanh long Bình Thuận tại Trung tâm Quốc tế Ấn Độ, Hội thảo Xúc tiến tiêu thụ thanh long Bình Thuận tại Hồng Kông…

Bước vào giai đoạn mới (2021 - 2030), hoạt động xuất khẩu hàng hóa Bình Thuận cũng sẽ tiếp tục được quan tâm hỗ trợ thiết thực. Ngoài công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, phát triển thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh thì vấn đề liên kết, hợp tác của các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cũng được tăng cường. Cùng với đó là chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới: Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Đ.QUỐC

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/ho-tro-thiet-thuc-cho-hoat-dong-xuat-khau-hang-hoa-136851.html