Hỗ trợ thúc đẩy nông nghiệp phát triển có trọng tâm, trọng điểm
Thực hiện chương trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, trong giai đoạn 2016- 2020, HĐND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nhờ vậy, kết quả sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh có những chuyển biến tích cực, đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh, tập trung; tạo điều kiện thu hút và thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp chế biến, các vùng lúa chất lượng cao, các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ...
Đặc biệt, Nghị quyết số 03/2017/ NQHĐND của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển một số cây trồng, con nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025 là một trong những nghị quyết phát huy hiệu quả cao trong thực tiễn sản xuất, thúc đẩy nông nghiệp phát triển. Nghị quyết đã xác định 6 cây, 2 con chủ lực trên địa bàn tỉnh và ban hành các chính sách kèm theo với ngân sách đã bố trí từ năm 2018 đến nay là 22,625 tỉ đồng. Trong đó, riêng chính sách hỗ trợ ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất cánh đồng lớn lúa hữu cơ, lúa sạch, có liên kết, từ năm 2021 - 2020 đã thực hiện được 1.500 ha lúa chất lượng cao, dự kiến đến năm 2021 có thêm 500 ha. Cùng với việc hỗ trợ lồng ghép từ các nguồn vốn khác, từ năm 2018 - 2020, toàn tỉnh tổ chức sản xuất hơn 112.300 ha lúa chất lượng cao, chiếm hơn 74% tổng diện tích gieo trồng lúa của cả giai đoạn, trong đó diện tích lúa sản xuất theo hướng hữu cơ là 1.200 ha, lúa canh tác tự nhiên hơn 300 ha, diện tích lúa sản xuất theo cánh đồng lớn hơn 25.000 ha.
Đến cuối năm 2020, diện tích sản xuất lúa chất lượng cao, lúa đặc sản theo hướng hữu cơ, sạch, có liên kết toàn tỉnh đạt 39.000 ha, đạt 113% so với mục tiêu nghị quyết đề ra. Đáng chú ý là mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ, áp dụng công nghệ Obi - Ong biển (200 ha/năm) tiếp tục khẳng định hiệu quả cả trên ba mặt kinh tế, xã hội, môi trường, từng bước góp phần xây dựng thành công thương hiệu gạo hữu cơ Quảng Trị. Mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu với diện tích gần 5.000 ha đã mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 1,2 - 1,5 lần so với sản xuất truyền thống, giảm đáng kể phát thải khí nhà kính nhờ áp dụng quy trình canh tác tiên tiến.
Đối với chính sách hỗ trợ thí điểm chương trình tái canh cây cà phê, từ nguồn hỗ trợ của nghị quyết thực hiện tái canh với quy mô 50 ha/năm. Cùng với sự hỗ trợ, đồng hành của các tổ chức, dự án, doanh nghiệp, HTX, mỗi năm toàn tỉnh tái canh được từ 120 -150 ha, đưa diện tích tái canh cây cà phê giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn đạt 490,5 ha. Về chính sách hỗ trợ xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao để thâm canh tăng năng suất, chất lượng cho cây hồ tiêu, với sự tác động của các chính sách từ nghị quyết đã thúc đẩy việc ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, nhất là hệ thống tưới tiết kiệm cho cây hồ tiêu. Hiện đã có gần 95 ha cây hồ tiêu ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm. Đến cuối năm 2020, diện tích cây hồ tiêu trên địa bàn tỉnh đạt 2.520 ha (đạt 100% mục tiêu nghị quyết), đã có gần 200 ha hồ tiêu sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP, được các doanh nghiệp liên kết tiêu thụ, xuất khẩu. Đối với chính sách hỗ trợ xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây ăn quả đặc sản, cây dược liệu, các địa phương đã triển khai hiệu quả các nội dung của nghị quyết vào thực tế sản xuất. Đã hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất với quy mô 4 ha cây ăn quả đặc sản và 4 ha cây dược liệu, làm cơ sở để nhân rộng ra đại trà và lan tỏa việc ứng dụng khoa học- công nghệ vào sản xuất, phát triển cây ăn quả đặc sản, cây dược liệu. Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 9.500 ha cây ăn quả và cây dược liệu. Đối với chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò, thực tế cho thấy phù hợp với nhu cầu của người dân nên đã góp phần thúc đẩy chăn nuôi theo hướng thâm canh. Kết quả đã hỗ trợ 150 bò nái hậu bị có máu zebu từ 50% trở lên, có trọng lượng tối thiểu từ 140 kg trở lên. Hỗ trợ giống cỏ và vật tư trồng cỏ nuôi bò với diện tích hơn 50 ha. Chính sách cũng đã thúc đẩy các vùng nuôi, trang trại nuôi tập trung chuyên canh quy mô vừa và lớn. Đến cuối năm 2020, tổng đàn trâu bò trên địa bàn là 56.601 con, tỉ lệ bò lai zebu đạt trên 55,8%.
Về chính sách hỗ trợ phát triển con tôm, đến nay đã triển khai 15 mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn tại 4 huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và thành phố Đông Hà, với tổng mức hỗ trợ 6 tỉ đồng (400 triệu đồng/mô hình) để xây dựng cơ sở hạ tầng như ao nuôi, bể ương dưỡng, hệ thống mái che và sục khí. Điều đáng ghi nhận là tất cả các mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn đều đem lại hiệu quả kinh tế cao, sản lượng bình quân đạt từ 20 - 30 tấn/ha/vụ, doanh thu đạt 3 tỉ đồng, lợi nhuận bình quân từ 500 triệu - 1,1 tỉ đồng/ha, góp phần nâng cao sản lượng tôm nuôi từ 4.035,2 tấn năm 2017 tăng lên 4.697 tấn năm 2020, giá trị sản xuất tăng thêm gần 100 tỉ đồng. Đến cuối năm 2020, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng là 924,67 ha, sản lượng 3.965 tấn, năng suất 4,3 tấn/ ha. Diện tích nuôi tôm sú là 352,06 ha, sản lượng 675 tấn, năng suất 1,9 tấn/ha. Đối với chính sách hỗ trợ gỗ nguyên liệu, kế hoạch trồng rừng gỗ lớn hằng năm giao cho các địa phương là 600 ha (hỗ trợ 50% giá giống tại thời điểm), lũy kế số lượng bố trí theo kế hoạch là 1.800 ha. Kết quả triển khai thực hiện đạt 884,4 ha/1.800 ha. Đến năm 2020, diện tích trồng rừng FSC là 22.000 ha…
Bên cạnh đó, việc hỗ trợ xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại cũng được tỉnh chú trọng. Hằng năm, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Công thương, Chi cục Phát triển nông thôn, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch trực tiếp tham gia hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu, giao lưu xúc tiến thương mại và tham gia hội chợ. Tổng kinh phí hỗ trợ xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại giai đoạn 2018-2020 là 2,242 tỉ đồng. Cũng trong giai đoạn này đã tổ chức được 13 sự kiện xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Mỗi sự kiện có từ 4 - 6 gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh như gạo chất lượng cao, hồ tiêu, cà phê, cao dược liệu, tinh dầu thiên nhiên, tinh bột nghệ, các sản phẩm chế biến… Thông qua đó, các sản phẩm của tỉnh được các nhà phân phối, tiêu thụ và đông đảo người tiêu dùng ở các địa phương trong nước biết đến, tin tưởng lựa chọn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, điểm nổi bật là các chính sách từ Nghị quyết số 03/2017/NQHĐND của HĐND tỉnh thời gian qua đã tác động mạnh mẽ, thúc đẩy phát triển sản xuất các đối tượng cây trồng, con nuôi, tạo ra sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh. Các chính sách đã đi vào cuộc sống, thúc đẩy nông nghiệp phát triển có trọng tâm, trọng điểm, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất theo chuỗi giá trị, nhiều sản phẩm nông nghiệp được quảng bá, giới thiệu đã xây dựng được thương hiệu, phát triển bền vững. Đồng thời qua đó đã tạo niềm tin, huy động nguồn lực của nông dân, doanh nghiệp và toàn xã hội đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Có thể khẳng định, dưới sự lãnh đạo sâu sát, toàn diện của Tỉnh ủy, sự giám sát chặt chẽ của HĐND tỉnh; sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt, hiệu quả của UBND tỉnh, đặc biệt là sự tham gia tích cực của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, cơ bản các cơ chế, chính sách của HĐND tỉnh ban hành được triển khai thực hiện hiệu quả, đảm bảo đạt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, phát huy tích cực trong thực tiễn sản xuất, cải thiện đời sống Nhân dân, góp phần tạo nguồn lực thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.