Hỗ trợ tiêu thụ vải thiều

Từ đầu tháng 6-2023, các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương sẽ bước vào vụ thu hoạch vải thiều. Với sự đầu tư bài bản từ vùng trồng, nâng cao chất lượng sản phẩm và đẩy mạnh xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm nông, vải thiều đang dần tiến vào các thị trường lớn trên thế giới. Hai địa phương này đã chủ động trong công tác chuẩn bị để thu hoạch và tiêu thụ lượng lớn vải thiều khi vào chính vụ.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang cho biết diện tích vải thiều năm 2023 của toàn tỉnh là 29.700 ha, tăng so với năm trước 1.600 ha; nhận định năm nay thời tiết tốt sẽ được mùa vải, sản lượng ước đạt từ 180.000 - 200.000 tấn. Đáng chú ý năm nay, vải thiều Bắc Giang dự kiến xuất khẩu sang thị trường Mỹ với 17 mã số vùng trồng (được Mỹ cấp mã số), với diện tích là 205 ha, sản lượng đạt khoảng 1.500 tấn.

Lục Ngạn là huyện có diện tích trồng vải lớn nhất tại tỉnh Bắc Giang. Ông Nguyễn Thế Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, cho biết với diện tích vải thiều lên tới hơn 17.000 ha, hiện toàn huyện đã có trên 75% đạt tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ. Để chuẩn bị cho quá trình thu hoạch và tiêu thụ vải thiều năm 2023, ông Thi cho biết huyện đã tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới. Nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi người dân, doanh nghiệp thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều, UBND huyện Lục Ngạn xây dựng kế hoạch thực hiện các biện pháp hỗ trợ tiêu thụ vải thiều gắn với thu hút phát triển du lịch năm 2023. Năm nay, huyện cũng sẽ đẩy mạnh bán quả vải tươi và chế biến vải thiều tại chỗ bằng hình thức sấy khô, đóng hộp, ép nước…

Tại Hải Dương, từ tháng 4-2023, các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường cho vải thiều Thanh Hà đã được UBND tỉnh, UBND huyện Thanh Hà, các sở, ngành chuyên môn tổ chức. Theo dự kiến, năm nay huyện Thanh Hà có 3.265 ha vải; trong đó 1.700 ha vải chín sớm. Toàn huyện có khoảng 500 ha vải đã được công nhận đạt tiêu chuẩn GAP; trong đó có 400 ha VietGAP và 50 ha GlobalGAP còn hiệu lực.

Bà Hoàng Thị Thúy Hà, Phó Chủ tịch huyện Thanh Hà, cho biết thời gian qua, địa phương liên tục hướng dẫn nông dân tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăm sóc; phân công cán bộ chuyên môn giám sát vùng sản xuất; giám sát việc ghi nhật ký vườn cây. Huyện cũng kiểm tra điều kiện phục vụ du khách tham quan du lịch tại vùng vải thiều và tiểu khu du lịch sinh thái.

Để giúp các địa phương trong tiêu thụ nông sản, đặc biệt sản phẩm vải thiều thời gian tới, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết sẽ hỗ trợ các thông tin về thị trường, trong đó có các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc. Cùng với đó, Bộ Công Thương sẽ yêu cầu hệ thống thương vụ tham gia vào việc hỗ trợ mở rộng thị trường để tiêu thụ sản phẩm. Ông Trần Thanh Hải cho rằng cùng với Bộ Công Thương, các địa phương, doanh nghiệp cũng cần chủ động tham gia, đẩy mạnh khâu xúc tiến thương mại. Đồng thời, đầu tư cho chuyển đổi số, thương mại điện tử để quảng cáo bá, tiêu thụ sản phẩm nông sản nói chung, vải thiều nói riêng.

M.Chiến

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/ho-tro-tieu-thu-vai-thieu-2023051120410518.htm