Hỗ trợ tín dụng để doanh nghiệp phục hồi

Khôi phục kinh tế, tạo điều kiện để doanh nghiệp (DN) tháo gỡ khó khăn bằng các giải pháp hỗ trợ tài chính đang được Chính phủ đặt lên hàng đầu. Tại Thái Nguyên, gần 4 tháng qua, toàn tỉnh có 3.900 DN, chủ cơ sở sản xuất được tiếp cận với các gói hỗ trợ tín dụng cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Từ nguồn hỗ trợ này, các DN đã có điều kiện thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, góp phần hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra…

Công ty CP cơ khí Phổ Yên tập trung chủ yếu vào đầu tư công nghệ, thiết bị tự động hóa nên hiện nay, tỷ lệ tự động hóa của Công ty đạt trên 90% và đang triển khai kết nối, số hóa trong sản xuất, quản trị.

Công ty CP cơ khí Phổ Yên tập trung chủ yếu vào đầu tư công nghệ, thiết bị tự động hóa nên hiện nay, tỷ lệ tự động hóa của Công ty đạt trên 90% và đang triển khai kết nối, số hóa trong sản xuất, quản trị.

Công ty CP Nam Việt là DN chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi trên địa bàn T.P Sông Công. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Công ty gặp khó khăn trong quá trình nhập khẩu nguyên liệu đầu vào. Cùng với đó, giá nguyên vật liệu tăng cao, trong khi giá bán hầu như không biến động nên trong tháng 3 và tháng 4, Công ty chấp nhận sản xuất không lợi nhuận, mỗi tháng bù lỗ 3 tỷ đồng để duy trì hoạt động và giữ chân hơn 300 lao động tại đây. Ông Hà Văn An, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cho biết: Trước những khó khăn trên, DN đã đề nghị Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Chi nhánh Thái Nguyên hỗ trợ giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và đã được Ngân hàng áp dụng lãi suất ngắn hạn với các khoản vay của DN không quá 5,5%/năm, các khoản vay trung hạn giảm 2% so với lãi suất ban đầu. Điều này đã giúp DN có thêm một khoản tiền đáng kể để tái đầu tư sản xuất, vượt qua giai đoạn khó khăn.

Còn tại huyện vùng cao Võ Nhai, ông Dương Văn Tám, Giám đốc Công ty cổ phần (CP) Tư vấn và Đầu tư Xây dựng Võ Nhai chia sẻ: Sau khi nắm bắt thông tin Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Võ Nhai triển khai gói tín dụng ưu đãi đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch, chúng tôi nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục vay mới 2 tỷ đồng để mua nguyên vật liệu, trả tiền nhân công, đẩy nhanh tiến độ thi công một số công trình do DN làm chủ đầu tư như: Công trình xây dựng khu thể thao xã Dân Tiến; công trình cầu tràn đèo Uỷnh xã Dân Tiến. Đối với những DN nhỏ như chúng tôi thì nguồn hỗ trợ này đã tiếp sức cho DN có cơ hội phục hồi sau những ngày dịch bệnh kéo dài.

Tuy nhiên, qua nắm bắt tình hình hoạt động của các DN và tìm hiểu về các điều kiện vay thì còn nhiều DN không tiếp cận được các gói hỗ trợ tín dụng ưu đãi của các ngân hàng. Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Phú Thịnh CO2 (T.X Phổ Yên) cho hay: Khó khăn lớn nhất đối với các DN vừa và nhỏ như chúng tôi là các ngân hàng yêu cầu DN có hồ sơ chứng minh bị ảnh hưởng bởi COVID-19, đồng thời đưa ra phương án sản xuất kinh doanh chứng minh nguồn trả nợ và điều kiện cơ cấu nợ… Thêm nữa, phần lớn mặt bằng sản xuất, kinh doanh của DN phải đi thuê, do đó, việc yêu cầu các DN phải có bất động sản làm tài sản bảo đảm để vay gói hỗ trợ tín dụng là đòi hỏi rất khó đáp ứng trong thời điểm hiện nay…

Công ty CP Nam Việt hiện đang tạo việc làm cho hơn 300 lao động với mức thu nhập bình quân 8-10 triệu đồng/người/tháng.

Công ty CP Nam Việt hiện đang tạo việc làm cho hơn 300 lao động với mức thu nhập bình quân 8-10 triệu đồng/người/tháng.

Trong khi các DN nhỏ khó tiếp cận với các gói hỗ trợ tín dụng ưu đãi thì một nghịch lý khác diễn ra là những DN lớn, đủ khả năng tiếp cận, thì lại không sử dụng nguồn vốn vay này. Ông Hà Thế Dũng, Giám đốc Công ty CP Cơ khí Phổ Yên cho rằng: Hiện Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, nhưng các thị trường trên thế giới vẫn chưa thể trở lại như trước, nhất là ở những quốc gia bị ảnh hưởng nặng bởi COVID-19. Các đối tác chính của Công ty lại nằm ở các nước này như Mỹ, Ý, Nhật... Hàng hóa không xuất được và cũng không biết đến bao giờ tình hình mới trở lại bình thường, nên chúng tôi mặc dù có đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi này nhưng chúng tôi không sử dụng vì chưa cần đầu tư đẩy mạnh sản xuất. Trong giai đoạn này, chúng tôi cố gắng cầm cự thêm được khoảng 3-4 tháng nữa chờ thị trường xuất nhập khẩu khởi sắc.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước tỉnh, từ ngày 23-1 đến 30-4, toàn tỉnh đã có gần 3.900 khách hàng được vay từ các gói vay ưu đãi mới của các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn với tổng doanh số cho vay 8.947 tỷ đồng. Bên cạnh đó, có trên 1.000 khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay với tổng dư nợ trên 3.000 tỷ đồng. Theo ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh thì những con số này phần nào cho thấy sự đồng hành của các ngân hàng, tổ chức tín dụng với DN, hộ kinh doanh nhằm giúp khách hàng vượt qua khó khăn, từng bước khôi phục sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tuy nhiên, các gói hỗ trợ này chỉ thực sự phát huy được hiệu quả khi từng khách hàng phải nỗ lực khắc phục khó khăn, cùng với đó là các chính sách tài khóa khác được triển khai nghiêm túc, đồng bộ và tình hình dịch bệnh phải tiếp tục được kiểm soát tốt như hiện nay…

Minh Phương

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/thoi-su-trong-tinh/ho-tro-tin-dung-de-doanh-nghiep-phuc-hoi-271425-205.html