Hỗ trợ từ 8.000-30.000 đồng/kg heo hơi đã tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi
Hôm qua (27/06), Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định về Cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Tùy nhóm đối tượng sẽ có mức hỗ trợ từ 8.000 đồng/kg đến 30.000 đồng/kg heo hơi.
Cụ thể, có hai mức hỗ trợ người chăn nuôi/hộ nông dân, chủ trang trại, gia trại, các cơ quan/đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất trong lĩnh vực chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi. Với lợn con, lợn thịt các loại sẽ hỗ trợ 25.000 đồng/kg và 30.000 đồng/kg với lợn nái, lợn đực đang khai thác.
Với các doanh nghiệp chăn nuôi nhỏ và vừa (theo tiêu chí quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14) không bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa là công ty con hoặc công ty có vốn cổ phần chi phối của doanh nghiệp lớn sẽ nhận mức hỗ trợ 8.000 đồng/kg với lợn con, lợn thịt các loại và 10.000 đồng/kg với lợn nái, lợn đực đang khai thác.
Mức hỗ trợ cho các doanh nghiệp tối đa không quá 30% số lỗ do dịch bệnh sau khi đã sử dụng các quỹ dự phòng và tiền bồi thường bảo hiểm (nếu có).
Các tỉnh miền núi, Tây Nguyên, Ngân sách Trung ương sẽ hỗ trợ 80% mức ngân sách nhà nước hỗ trợ thiệt hại. Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương còn lại sẽ chia thành 3 nhóm.
Thứ nhất là các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia sẻ về ngân sách trung ương từ 50% trở lên sẽ chủ động sử dụng dự phòng ngân sách địa phương để thực hiện.
Nhóm 2 là các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia sẻ về ngân sách trung ương dưới 50% thì ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ 50% phần hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.
Và nhóm thứ 3 là các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách thì ngân sách trung ương hỗ trợ 70% phần hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.
Bùng phát từ tháng 02/2019, dịch tả lợn châu Phi hiện vẫn diễn biến một cách phức tạp và chưa có dấu hiệu suy giảm. Tính đến ngày 24/06, ASF đã xuất hiện trên khoảng 60 tỉnh, thành phố khắp cả nước, với ước tính hơn 2,6 triệu con heo bị tiêu hủy.
Ipsos Business Consulting (một bộ phận tư vấn chuyên nghiệp trực thuộc Ipsos) đưa ra 4 dự đoán xu hướng thị trường heo Việt Nam từ nay đến tết nguyên đán 2020 gồm tăng nhập khẩu thịt heo như từ Mỹ, Canada, Tây Ban Nha, Đức, Ba Lan, Pháp,...; tăng giá bán lẻ thịt heo sẽ tăng; tăng sức mua các loại thịt thay thế như thịt giai cầm/gia súc và sản phẩm thịt chế biến và xu hướng thịt heo thương hiệu/chiến lược xây dựng niềm tin sẽ được chú trọng hơn.
Người tiêu dùng ngày càng cảnh giác và khó tính hơn trong việc lựa chọn thịt heo. Do đó, các sản phẩm thịt heo thương hiệu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng đảm bảo và an toàn hiện đang được người tiêu dùng đặc biệt quan tâm. Đây cũng chính là nhân tố thúc đẩy các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng thịt heo đầu tư mạnh vào các sản phẩm thịt heo thương hiệu và các kênh bán hàng đáng tin cậy nhằm thực hiện chiến lược xây dựng niềm tin với người tiêu dùng.
Theo đánh giá của Ipsos Business Consulting, tuy chỉ chiếm chưa tới 5% trong trong tổng tiêu thụ thịt heo của Việt Nam năm 2018, tỉ trọng của nhóm mặt hàng thịt heo có thương hiệu đã đạt mức tăng trưởng đáng ghi nhận trong giai đoạn 5 năm trở lại đây. Có thể nói, thị trường thịt heo thương hiệu tại Việt Nam tuy là miếng bánh nhỏ tại thời điểm này nhưng lại vô cùng tiềm năng trong những năm tới.