Hỗ trợ ứng dụng thiết bị trong sản xuất chế biến hoa quả

Sơn La hiện có trên 82.000 ha cây ăn quả, sản lượng đạt trên 200.000 tấn/năm. Góp phần giải quyết đầu ra của trái cây trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Khuyến công tỉnh đã triển khai Đề án 'Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất chế biến hoa quả' tại huyện Mai Sơn và Yên Châu, giúp các cơ sở chế biến hoàn thiện đầu tư dây chuyền, thiết bị sản xuất tiên tiến, hiện đại, giảm chi phí, nhân công lao động, tạo ra hàng hóa đảm bảo chất lượng, tăng giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Lãnh đạo Sở Công Thương kiểm tra sử dụng máy sấy lạnh tại HTX Nông nghiệp và dịch vụ Khánh Thành.

Lãnh đạo Sở Công Thương kiểm tra sử dụng máy sấy lạnh tại HTX Nông nghiệp và dịch vụ Khánh Thành.

HTX Dịch vụ nông nghiệp Khánh Thành, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, chuyên sản xuất các sản phẩm khô, như: Chuối, xoài, nhãn, mận, chuối sấy dẻo... Trước đây, chủ yếu sử dụng máy sấy nóng, công suất nhỏ, không sấy được nhiều và sản phẩm chất lượng thấp. Tháng 5/2022, bắt đầu bước vào niên vụ chế biến hoa quả, HTX đã được Trung tâm Khuyến công tỉnh lựa chọn hỗ trợ 280 triệu đồng đầu tư mua 2 máy sấy lạnh, công suất 800 kg quả tươi/mẻ, giúp HTX tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Ông Nguyễn Văn Hồng, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Khánh Thành, cho biết: Trung tâm Khuyến công tỉnh hỗ trợ gần 50% kinh phí mua 2 máy sấy lạnh đã giảm gánh nặng kinh tế cho HTX. Công suất chế biến tăng lên, giúp HTX tiếp thụ khoảng 1.000 tấn hoa quả/năm cho bà con. Sản phẩm chế biến đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng xuất khẩu, giá trị sản phẩm tăng lên hơn 20% so với trước đây. Nhất là trong sơ chế sản phẩm bí đao, nhờ có máy sấy lạnh, nên sản phẩm khi mua về được sơ chế kịp thời không bị hỏng, xuất bán sản phẩm sau sơ chế giá trị cao hơn rất nhiều.

Còn tại Công ty TNHH Gia Bảo 26, thị trấn Yên Châu, huyện Yên Châu, chuyên trồng và chế biến sản phẩm hoa đu đủ đực, sấy các sản phẩm: Xoài, mận và lên men tỏi đen. Năm nay, Công ty cũng được Trung tâm Khuyến công tỉnh hỗ trợ 280 triệu đồng đầu tư mua 1 máy sấy lạnh, công suất 500 kg quả tươi/mẻ và 1 máy sấy thăng hoa công suất 20 kg quả tươi/mẻ. Qua đó, đã giúp Công ty giảm chi phí lao động, năng suất chế biến tăng, sản phẩm đạt chất lượng cao, được thị trường ưa chuộng, tìm mua.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Giám đốc Công ty TNHH Gia Bảo 26, cho biết: Mỗi năm, Công ty chế biến ra 2 tấn sản phẩm xoài, mận; lên men 20 tấn tỏi đen. Trước đây, khi chưa được hỗ trợ đầu tư thiết bị, Công ty chủ yếu làm thủ công, chi phí sản xuất tăng gấp nhiều lần. Để sấy một mẻ 100 kg sản phẩm hoa quả tươi thì cần tới 10 nhân công. Từ khi được đầu tư thiết bị mới, chỉ cần 3 nhân công và công suất sấy tăng gấp 5 lần. Nhất là sản phẩm tỏi đen đạt chất lượng rất tốt, giá thành rẻ hơn nên được nhiều người trong và ngoài huyện tìm mua.

Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất chế biến hoa quả” được Trung tâm Khuyến công tỉnh triển khai từ tháng 5 đến tháng 8/2022, với tổng kinh phí 560 triệu đồng, hỗ trợ các cơ sở chế biến trên địa bàn huyện Mai Sơn, Yên Châu ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất chế biến hoa quả, tăng năng suất lao động, tạo ra sản phẩm hàng hóa đảm bảo chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu; đáp ứng sản xuất công nghiệp ít gây tác động xấu đến môi trường.

Ông Lừ Việt Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công tỉnh, chia sẻ: Trung tâm đã phối hợp với Phòng Kinh tế hạ tầng các huyện rà soát, lựa chọn các đối tượng có đủ năng lực tài chính, kế hoạch sản xuất kinh doanh đảm bảo lâu dài, giải quyết được số lượng lớn sản phẩm hoa quả tươi trên địa bàn. Mặc dù kinh phí hỗ trợ chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ chi phí đầu tư cho các cơ sở chế biến, nhưng góp phần bao tiêu trên 1.000 tấn hoa quả các loại mỗi năm; làm tăng trên 20% giá trị sản xuất; mang lại doanh thu trên 10,8 tỷ đồng/năm từ việc sản xuất, chế biến hoa quả. Trung tâm Khuyến công tỉnh thường xuyên kiểm tra, giám sát các cơ sở chế biến sử dụng thiết bị, máy móc được hỗ trợ; cũng như đánh giá hiệu quả lâu dài để tiếp tục mở rộng triển khai Đề án.

Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất chế biến hoa quả” đã góp phần giải quyết vấn đề khó khăn trong khâu đầu ra của trái cây trên địa bàn tỉnh; tạo việc làm ổn định cho lao động trồng và thu hoạch hoa quả; giảm rủi ro về giá cả nông sản cho bà con sản xuất nông nghiệp; thực hiện hiệu quả chủ trương phát triển trồng cây ăn quả gắn với chế biến của tỉnh.

Quàng Hưởng

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/ho-tro-ung-dung-thiet-bi-trong-san-xuat-che-bien-hoa-qua-53572