Hỗ trợ việc làm tốt hơn thông qua đầu tư giải pháp dựa vào thiên nhiên

Các khoản đầu tư vào thiên nhiên có thể phục hồi đa dạng sinh học, giảm tác động của các thảm họa và đem lại sức sống mới cho các thành phố. Việc tích hợp những giải pháp dựa vào thiên nhiên vào cơ sở hạ tầng công cộng và các nỗ lực giảm thiểu rủi ro thiên tai cũng có thể tạo ra cơ hội việc làm, cả trong quá trình triển khai dự án và trong dài hạn. Đây là nhận định được đưa ra trong một bài viết trên trang web của Ngân hàng Thế giới (WB).

Người dân địa phương trồng rừng ngập mặn tại một khu bảo tồn ở phía Bắc thủ đô Jakarta, Indonesia. Ảnh minh họa: World Bank

Người dân địa phương trồng rừng ngập mặn tại một khu bảo tồn ở phía Bắc thủ đô Jakarta, Indonesia. Ảnh minh họa: World Bank

Theo đó, những khoản đầu tư từ các công viên đô thị giúp giảm lũ lụt, những vùng đất ngập nước ven biển giúp bảo vệ bờ biển, đến các khu rừng trên núi giúp ngăn ngừa lở đất cần được thiết kế để hỗ trợ sinh kế của người dân địa phương, đồng thời tận dụng sức mạnh tổng hợp giữa lợi ích về môi trường và kinh tế.

WB và Cơ sở Toàn cầu về giảm nhẹ và phục hồi thảm họa (GFDRR) đang tăng cường hỗ trợ các quốc gia đầu tư vào những giải pháp dựa vào thiên nhiên, với số tiền tài trợ hơn 10 tỷ USD trong thập kỷ qua. Bên cạnh đó, khu vực tư nhân cũng tham gia vào nỗ lực này, với số lượng ngày càng tăng các hoạt động và mô hình kinh doanh thí điểm trên toàn thế giới.

Việc triển khai và vận hành các khoản đầu tư này tạo ra nhiều cơ hội việc làm đa dạng. Theo ước tính mới nhất của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), sẽ có tới 63 triệu người tham gia vào các hoạt động liên quan đến các giải pháp dựa vào thiên nhiên trên toàn thế giới vào năm 2030, chủ yếu ở châu Á và Thái Bình Dương.

Qua đó, cần có một loạt các ngành nghề trong quá trình lập kế hoạch, thiết kế, triển khai và duy trì các giải pháp dựa vào thiên nhiên, bao gồm xây dựng và duy trì biện pháp can thiệp dài hạn; việc làm liên quan đến du lịch tại những cảnh quan được phục hồi; việc làm trong không gian xanh đô thị; và tăng doanh thu cho ngành thủy sản và nông nghiệp địa phương ở các vùng ven biển và nông thôn khi hệ sinh thái được phục hồi và phát triển mạnh.

Có thể thấy, tại Indonesia, Dự án Rừng ngập mặn phục hồi bờ biển đã tạo việc làm cho các cộng đồng địa phương để trồng rừng ngập mặn, đồng thời hỗ trợ sinh kế bền vững bằng cách củng cố các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ trong các khu vực rừng ngập mặn, tạo điều kiện tiếp cận công nghệ tài chính cho các hoạt động như đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, du lịch và các sản phẩm rừng không phải gỗ.

“Chúng ta mới chỉ bắt đầu nhận ra tiềm năng việc làm đầy đủ của các giải pháp dựa vào thiên nhiên. Nhưng để những giải pháp này thúc đẩy cơ hội thu nhập bền vững, các yếu tố hỗ trợ quan trọng cần được đưa vào thực hiện”, các chuyên gia cấp cao về quản lý rủi ro thiên tai và việc làm của GFDRR và ILO lưu ý.

Trong đó, các dự án cần được thiết kế với mục tiêu tạo việc làm ngắn hạn và dài hạn, phù hợp với hệ thống bảo trợ xã hội và xem xét yêu cầu hoạt động cụ thể, cũng như lợi ích của từng biện pháp. Cần có các chính sách thúc đẩy đầu tư công và tư vào những khu vực có tiềm năng, cũng như nỗ lực nâng cao năng suất của người lao động. Việc xây dựng năng lực và chuyên môn sẽ cho phép việc thiết kế dự án tốt hơn, mang lại lợi ích cho cả thiên nhiên và phát triển kinh tế.

Ngoài ra, nhằm tối đa hóa tiềm năng tạo việc làm của các giải pháp dựa vào thiên nhiên, cần có các khoản đầu tư có mục tiêu, hỗ trợ chính sách và xây dựng năng lực để đảm bảo lợi ích kinh tế lâu dài.

LÊ THẢO(Lược dịch từ World Bank)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/the-gioi/ho-tro-viec-lam-tot-hon-thong-qua-dau-tu-giai-phap-dua-vao-thien-nhien-152368.html