Hỗ trợ vốn đầu tư đổi mới công nghệ
Cách mạng công nghiệp (CMCN 4.0) dự báo tạo ra nhiều thay đổi mang tính bước ngoặt như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối internet (IoT)… Trong xu hướng này, nếu doanh nghiệp (DN) không thích ứng nhanh và tận dụng lợi ích từ nền tảng công nghệ hiện đại để tối ưu hóa sản xuất thì sẽ bị tụt hậu.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Phạm Hoàng Hải - Phụ trách quan hệ đối tác của Hội đồng DN vì sự phát triển bền vững Việt Nam - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - cho biết, CMCN 4.0 đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng. Cập nhật xu hướng công nghệ mới, thay đổi phương thức quản trị là vấn đề mấu chốt quyết định sự tồn tại và phát triển của DN. Tuy nhiên, DN Việt Nam chưa có đủ tiềm lực và nguồn lực đầu tư. Trong khi đó, việc tiếp cận nguồn vốn đầu tư vào công nghệ là vấn đề khó. Vì vậy, Chính phủ cần có quỹ đầu tư để giúp DN phát triển được công nghệ và đầu tư tốt hơn về quản trị, cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thời đại 4.0.
Đồng quan điểm, ông Đỗ Đức Hậu - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Advantech Việt Nam Technology - cho rằng, để triển khai công nghệ mới, DN Việt Nam gặp nhiều vướng mắc về năng lực tài chính và hạ tầng sản xuất. Vì vậy, rất cần chính sách hỗ trợ của Chính phủ, nhằm tạo điều kiện giúp DN có cơ hội nâng cấp công nghệ sản xuất, tăng cường năng lực cạnh tranh. Còn về phía chúng tôi, sẽ giúp DN triển khai công nghệ mới theo xu hướng cuộc CMCN 4.0…
Thực tế, trong các DN Việt Nam hiện nay, DN vừa và nhỏ chiếm số lượng lớn và có chung tình trạng khó khăn về khả năng đầu tư thiết bị, công nghệ do thiếu vốn. Một số DN đã có khả năng đầu tư nhưng hạn chế về thông tin và nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu vận hành; hệ thống quản lý, điều hành chưa tương thích. Theo đó, ngoài sự chủ động của DN, các cơ quan bộ, ngành, địa phương cần thực hiện chương trình hỗ trợ DN như: Hỗ trợ nguồn vốn đầu tư; tăng cường hợp tác quốc tế; giao lưu chia sẻ kinh nghiệm để DN đánh giá được đúng nhu cầu đầu tư, tránh lãng phí.
Theo Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), Bộ đã và đang tích cực triển khai các nội dung về CMCN 4.0, từng bước xây dựng nền sản xuất thông minh, hình thành DN số; nhanh chóng đưa CMCN 4.0 trở thành nội dung ưu tiên trong các chương trình/đề án khoa học - công nghệ trọng điểm cấp bộ, cấp quốc gia. Bên cạnh đó, đánh giá toàn diện về tác động và tính sẵn sàng của DN trong việc tiếp cận với cuộc CMCN4.0; đồng thời tiếp tục thực hiện đánh giá xây dựng kế hoạch, lộ trình cho từng ngành/lĩnh vực cụ thể. Ngoài ra, xây dựng và triển khai mô hình thí điểm về các nhà máy thông minh, nhà máy số cho DN sản xuất công nghiệp; nghiên cứu làm chủ một số công nghệ của cuộc CMCN 4.0 để ứng dụng vào trong sản xuất công nghiệp.
Hiện, Bộ Công Thương đang tiếp tục triển khai thực hiện một số nhiệm vụ khoa học - công nghệ tập trung theo định hướng nghiên cứu các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của DN trong ngành, bảo đảm ngành công nghiệp phát triển nhanh, bền vững; từng bước nghiên cứu, đề xuất chiến lược phát triển ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học - công nghệ, có giá trị gia tăng cao...
Việt Nam là nước đi sau trong phát triển công nghệ, vì vậy DN trong nước có lợi thế được tiếp cận những thiết bị và máy móc với thế hệ công nghệ khác nhau, trong đó có những thế hệ mới nhất từ những nước phát triển.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ho-tro-von-dau-tu-doi-moi-cong-nghe-133426.html