Hỗ trợ vốn vay giúp nông dân phát triển sản xuất
Mô hình trồng cây ăn trái ở xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa từ nguồn Quỹ HTND tỉnh. Ảnh: NGỌC HÂN
Những năm gần đây, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã tích cực triển khai chính sách tín dụng từ nguồn vốn vay của các ngân hàng chính sách xã hội (CSXH), NN-PTNT và nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND)… giúp nhiều hội viên nông dân có điều kiện đầu tư trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tiếp sức kịp thời
Theo Phó Chủ tịch điều hành Hội Nông dân tỉnh Phan Đại Thắng, xác định nguồn vốn là yếu tố quan trọng góp phần phát triển kinh tế, hàng năm, Hội Nông dân tỉnh đã tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ các ngân hàng NN-PTNT, CSXH và quỹ HTND các cấp; đồng thời các cấp hội phối hợp với chính quyền địa phương thành lập tổ vay vốn trên cơ sở các chi, tổ hội nông dân theo đúng hướng dẫn quy định, giúp hội viên làm ăn vươn lên thoát nghèo.
“Qua gần 4 năm triển khai (2019-2022), các cấp hội đã phối hợp với các ngân hàng CSXH, NN-PTNT giải ngân cho 44.517 hộ vay vốn. Bên cạnh đó, từ nguồn quỹ HTND, các cấp hội đã vận động được gần 24 tỉ đồng, nâng lũy kế quỹ đến nay hơn 35 tỉ đồng, lập 124 dự án, cho 1.158 lượt hộ vay… để phát triển sản xuất”, ông Thắng cho biết thêm.
Ông Dương Tấn Lãnh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sông Hinh cho hay: “Trong quá trình hướng dẫn, động viên nông dân tổ chức sản xuất, để có vốn đầu tư, hội đã đứng ra thành lập tổ vay vốn, hướng dẫn bà con cách làm hồ sơ tiếp cận các nguồn vốn vay. Riêng trong năm 2021, huyện hội đã tín chấp với các ngân hàng NN-PTNT, CSXH, Bưu Điện Liên Việt và quỹ HTND các cấp tạo vốn cho hội viên sản xuất, kinh doanh với số tiền hơn 165 tỉ đồng/4.311 lượt hộ vay. Từ nguồn này, nhiều gia đình nông dân đầu tư sản xuất hiệu quả, vươn lên thoát nghèo”.
Còn theo ông Trần Duy Ngọc, Chủ tịch Hội Nông dân TX Đông Hòa, để giúp hội viên có vốn sản xuất, từ năm 2019 đến nay, thông qua ngân hàng NN-PTNT, CSXH và các tổ chức tín dụng khác, hội đã tín chấp cho hơn 17.000 lượt hộ vay với số tiền hơn 265 tỉ đồng; đồng thời giải ngân gần 1,6 tỉ đồng từ Quỹ HTND thị xã, xét cho vay 14 dự án với 58 hộ vay; đồng thời lập 5 dự án vay vốn Quỹ HTND trung ương và tỉnh với số tiền 2,1 tỉ đồng, phân bổ thực hiện dự án chăn nuôi bò sinh sản, nuôi heo thịt và tôm càng xanh…
Có vốn, vượt khó sản xuất
Nhờ làm tốt công tác giám sát, định hướng cho hội viên, nông dân sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, hiện toàn tỉnh có hàng ngàn hộ dân thoát nghèo, từng bước mở rộng quy mô sản xuất, nhiều hộ thu nhập mỗi năm từ 200-500 triệu đồng; có 52.850 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi và hơn 150 hộ có thu nhập cao trên 1 tỉ đồng/năm.
Năm 2019, trong lúc khó khăn về vốn để đầu tư mở cơ sở sản xuất, thu mua nguyên liệu làm chổi đót và cọng dừa, gia đình ông Nguyễn Văn Tâm ở thôn Mỹ Thành, xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa được quỹ HTND tiếp sức. Được vay 50 triệu đồng, ông Tâm mạnh dạn mua 10 tấn nguyên liệu đót và cọng dừa rồi thuê nhân công bó chổi để bán. Cứ thế, cơ sở sản xuất chổi đót, chổi dừa của gia đình ông ngày càng tăng đầu ra sản phẩm, mở rộng quy mô ở thôn Mỹ Thành. “Bình quân mỗi tháng, tôi nhập về khoảng 100 tấn đót và cọng dừa để sản xuất và cung cấp cho các cơ sở khác trong thôn. Mỗi ngày, cơ sở sản xuất từ 2.000-3.000 cái chổi, thu lãi 250-350 triệu đồng/năm”, ông Tâm phấn khởi cho biết.
Gia đình ông Nguyễn Văn Toàn ở xã Hòa Tân Đông, TX Đông Hòa là một điển hình vươn lên thoát nghèo nhờ vốn vay từ ngân hàng CSXH. Năm 2020, được vay vốn, ông Toàn trồng lúa kết hợp chăn nuôi, rồng rừng và xen canh các loại cây ăn trái và hoa màu. Đến nay mô hình vườn, chuồng, rừng kết hợp với buôn bán nhỏ lẻ, mỗi năm trừ chi phí cho thu nhập hơn 300 triệu đồng. “Để có được kết quả như ngày hôm nay, bên cạnh sự cố gắng vươn lên của bản thân, còn có sự quan tâm của các cấp hội đã tạo điều kiện để tôi được tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; được tiếp cận nguồn vốn để mở rộng sản xuất”, ông Toàn chia sẻ.
Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp hội khảo sát những hộ dân có nhu cầu vay vốn để hướng dẫn cụ thể, làm sao ngày càng có nhiều hội viên tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi để làm ăn thoát nghèo; đồng thời chú trọng hỗ trợ vốn theo dự án để xây dựng các mô hình, điển hình về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, xây dựng thương hiệu, sản xuất nông sản an toàn… Phấn đấu hàng năm có 2% hộ nông dân thoát nghèo.
Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/281046/ho-tro-von-vay-giup-nong-dan-phat-trien-san-xuat.html