Hồ Văn Lý - Người đam mê bảo tồn văn hóa dân tộc
Trước nguy cơ dân ca và các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình bị mai một dần và có thể mất hẳn, ông Hồ Văn Lý, người dân tộc Vân Kiều ở thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa dành nhiều thời gian học hỏi, nghiên cứu, chế tác nhạc cụ cho đến thực hành và truyền dạy cách sử dụng các loại nhạc cụ, các làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống, góp phần vào việc bảo tồn văn hóa dân tộc Vân Kiều ở địa phương.
Yêu tiếng đàn, tiếng hát của người Vân Kiều, thường xuyên tham gia các lễ hội, đặc biệt là các lần đi sim cùng trai gái trong bản nên ông Lý có dịp học hỏi và thực hành thường xuyên, từ đó thành thạo cách sử dụng đàn tinh tông và đàn pờ lứa - hai loại nhạc cụ cơ bản không thể thiếu trong mỗi dịp giao lưu, lễ hội.
Khi đã chơi thành thạo, ông tìm đến các nghệ nhân lớn tuổi và bạn bè trong bản để học cách chế tác hai loại nhạc cụ này, bởi theo ông, phải tự tay chế tác thì tiếng đàn mới đúng như ý muốn của mình. Kiên trì, chịu khó cộng với niềm đam mê, ông Lý đã học được và chế tác thành công đàn tinh tông và đàn pờ lứa khi còn trẻ.
Từ đó, những cây đàn này luôn theo ông đi biểu diễn nhiều nơi, được ông cất giữ cẩn thận bên góc nhà và xem như là báu vật. Không những chế tác, ông còn rất đam mê với các loại nhạc cụ, các làn điệu dân ca, dân vũ của người Vân Kiều. Mỗi buổi tối, sau một ngày lao động và bữa cơm ấm cúng cùng gia đình, ông dành thời gian tự tập luyện khèn bè, đàn và hát các làn điệu dân ca.
Dịp này, các con, cháu của ông và lớp trẻ sống gần nhà tập trung, ngồi quây quần nghe ông đàn, hát và vỗ tay theo điệu nhạc, nhiều người được ông chỉ dạy nên hát theo đúng điệu, biết cách sử dụng đàn tinh tông, pờ lứa, khèn bè. Âm thanh của nhạc cụ, giọng hát già, trẻ, gái, trai hòa quyện vang cả góc nhà thật vui vẻ. Đây là cách để ông giải trí và cũng là để cho con cháu hiểu thêm về văn hóa của dân tộc mình.
Được rèn luyện thường xuyên nên ông Lý có thể thực hành thành thạo các loại nhạc cụ cơ bản, các làn điệu dân ca truyền thống, đặc biệt là điệu tà oải, xà nớt và một số điệu dân vũ trong các lễ hội, nhất là lễ hội mừng lúa mới. Bằng vốn hiểu biết sâu sắc cũng như kinh nghiệm dày dặn, ông sẵn sàng chia sẻ, tập luyện cho các thành viên trong Câu lạc bộ Văn nghệ truyền thống thôn Chênh vênh, cùng câu lạc bộ biểu diễn phục vụ khách du lịch đến tham quan trải nghiệm tại điểm du lịch sinh thái thôn Chênh Vênh.
Ông còn tích cực tham gia tại các lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể do các cấp triển khai tại địa phương. Ở Chênh Vênh nói riêng, các thôn bản vùng đặc biệt khó khăn ở Quảng Trị nói chung, trong điều kiện còn nhiều thiếu thốn về điều kiện vật chất nhưng có được những người tâm huyết chung sức bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số như ông Lý thật là đáng quý.
Ngày nay, tuy không còn làm các loại đàn thường xuyên như trước do nhu cầu văn hóa truyền thống ở địa phương đã có phần bị mai một, thế nhưng để khỏi quên nghề, ông Lý vẫn cần mẫn nghiên cứu và rèn luyện. “Ngày trước, tôi làm rất nhiều đàn tinh tông và đàn pờ lứa để chơi và tặng cho mọi người cùng chơi. Những dịp lễ hội, giao lưu nào của thôn, xã tôi cũng tham gia.
Ngày nay, nhu cầu sử dụng các loại đàn truyền thống ít hơn, các dịp giao lưu cũng ít dần nhưng tôi cố gắng không để quên cách làm đàn, chơi đàn và hát dân ca. Đó là đời sống tinh thần và cũng là cách bảo tồn văn hóa Bru - Vân Kiều chúng tôi”, ông Lý chia sẻ.
Hiện nay ông là một trong số rất ít nghệ nhân ở địa phương có khả năng chế tác và biểu diễn thành thạo các loại nhạc cụ của người Vân Kiều.
Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng Hồ Văn Quý cho hay: “Ông Lý là người rất am hiểu văn hóa truyền thống người Vân Kiều, nhất là chế tác, sử dụng nhạc cụ, hát dân ca, thực hành dân vũ. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các cấp để mở lớp truyền dạy, bản tồn văn hóa, đồng thời vận động ông Lý tiếp tục tham gia truyền dạy cho thế hệ sau về văn hóa đặc sắc của dân tộc Vân Kiều, góp phần lan tỏa tình yêu nhạc cụ, dân ca truyền thống đến với tất cả người dân trên địa bàn xã”.