Họ Võ và buổi đầu khai khẩn xã Tân Mỹ
Dòng họ Võ vốn từ Thuận An (cách TP.Huế khoảng 9km) từ hồi đầu thế kỷ XIX vào Nam lập nghiệp, mang theo khát vọng đến vùng đất mới. Khi đó, ông Võ Văn Hay, bà Võ Thị Phụng, ông Võ Văn Sót và người cháu họ Võ Văn Sáng cùng đoàn lưu dân làm cuộc Nam tiến. Thuở đầu, Tổ họ Võ ở Tân Mỹ (ông Võ Văn Sót) cùng ông Võ Văn Hay và bà Võ Thị Phụng dừng chân ở xóm Bà Giã (hiện là ấp 1 và 2, xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi, TP.HCM). Về sau, bà Võ Thị Phụng cưới ông Lý Thiện (ở Trảng Bảng, tỉnh Tây Ninh), sinh ra người con gái tên Lý Thị Thiên Hương (tức Bà Đen - Linh Sơn Thánh Mẫu mà người trong họ vẫn còn lưu truyền gương liệt nữ được người đời tôn kính, phượng thờ).
Theo lời kể của ông Lê Văn Thạnh (SN 1945, ấp Chánh, xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), ông Võ Văn Sót từ Phước Vĩnh An, do tránh việc bắt lính nên dời cư đến quê vợ (bà tổ Phạm Thị Hiệp) ở ấp Dừng (Thái Mỹ), sau đó về thôn Tân Mỹ. Thuở ấy, ở xứ này, dân cư thưa thớt, rừng hoang nước độc, đất đai hoang hóa, cây cối um tùm chưa được khai phá. Để tránh bắt lính (cũng có lời kể cho rằng, ông và các con với cháu ruột Võ Văn Nhâm tham gia chống thực dân Pháp dưới trướng Trương Công Định nên phải dời về Tân Mỹ lẩn trốn), ông cải họ từ Võ sang Lê cho ông và hai người con là Lê Văn Đặng, Lê Văn Được. Chỉ con trai đầu Võ Văn Lượm giữ nguyên họ Võ vì quá tuổi bắt lính (hoặc vì ông Võ Văn Lượm muốn giữ dòng chính họ Võ dẫu nguy hại tính mạng). Việc cải họ vẫn còn uẩn khúc nhưng tin chắc vì biến cố thời cuộc khiến họ Võ về Tân Mỹ khai khẩn, tham gia mở làng dựng đình, đáng là bậc “tiền hiền” địa phương.
Khi ông Võ Văn Sót đến Tân Mỹ, dân cư còn thưa thớt, đời sống còn nghèo khó. Hoang địa bưng trấp sình lầy, chưa được khai khẩn. Với phần đất người đến trước nhường lại cho ông làm lụng nuôi con, ông ra sức cùng dân làng khai khẩn thêm nhiều thửa đất khác. Diện tích đất canh tác của làng mở rộng thêm nhiều. Lưu dân thuở ấy thường dựng nhà giáp triền, chỗ gò cao ráo ngó ra bưng trũng. Đất gò thuận tiện trồng cây thuốc lá. Vùng đất bưng biền trũng thấp, nhiều ao đìa, cá đồng phong phú, hình thành nghề làm mắm (đặc sản mắm cá lia thia đến nay vẫn còn được bà con gìn giữ, lưu truyền).
Với công khai khẩn và uy tín trong làng, ông Võ Văn Sót được giữ chức Hương cả (2 năm). Đáng kể, ông Sót và ông Nguyễn Văn Miêng đứng ra huy động dựng đình Thần Rừng Muỗi, làm chỗ dựa tâm linh, nơi tụ họp bàn việc làng xã và sinh hoạt văn hóa cho lưu dân địa phương. Ông Nguyễn Văn Viễn (con trai ông Nguyễn Văn Miêng) chủ sự đứng ra kêu gọi xây cất đình. Con cháu ông Võ Văn Sót tham gia hỗ trợ, đồng thời nhận trách nhiệm coi sóc đình làng đến nay. Cùng với họ Nguyễn, họ Võ là một trong những dòng họ có công khai khẩn, mở mang thôn Tân Mỹ. Về sau có thêm họ Huỳnh, Đỗ, Mai, Lại, Phạm đến xứ này, cùng ra sức kiến tạo, giữ gìn, phát triển quê hương Tân Mỹ giàu đẹp.
Cho đến nay, họ Võ ở Tân Mỹ trải qua mười thế hệ, vẫn còn tưởng nhớ tổ tiên, ghi tạc lời dặn tiền nhân giữ gìn đình làng và văn hóa quê hương. Bậc cao niên vẫn thường dạy con cháu làm ăn, sinh sống phù hợp phong tục, tập quán và truyền thống đạo đức, nhân nghĩa. Thiết nghĩ, nhận thức về lịch sử hình thành phát triển quê hương có ý nghĩa giáo dục thế hệ mai sau. Bài học này càng thêm quý giá trong thời buổi kinh tế thị trường. Nhận thức giá trị văn hóa và truyền thống nhân nghĩa của tiền nhân có thể khiến cháu con mai sau biết sống cho xứng đáng với công lao mở cõi./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/ho-vo-va-buoi-dau-khai-khan-xa-tan-my-a135274.html