'Họ xông vào phòng ICU và đánh y, bác sĩ'
Trong đại dịch, không chỉ áp lực công việc, các nhân viên y tế tại nhiều quốc gia còn phải đối mặt hành vi bạo lực, không nhận được sự cảm thông, hỗ trợ.
"Đầu tháng 5, chúng tôi có một bệnh nhân nguy kịch trong khoa hồi sức cấp cứu, rất cần thở oxy. Đây là thứ cả nước đều đang khan hiếm, chúng tôi đã thông báo cho gia đình bệnh nhân đang đợi bên ngoài rằng chúng tôi sắp hết oxy và hỏi họ có thể kiếm thêm được không.
Họ hoảng loạn, xông vào phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) và bắt đầu đánh các y bác sĩ, đập phá đồ đạc. Chúng tôi rất sợ vì không có bảo vệ ở đó. Vài ngày sau, chúng tôi tiếp tục bị một gia đình bệnh nhân khác có hành vi bạo lực, dọa giết".
Đó là trải nghiệm tồi tệ nhất của một y tá giấu tên làm việc ở Uttar Pradesh (Ấn Độ). Kể từ khi đại dịch xuất hiện vào năm ngoái, các nhân viên y tế được tôn vinh vì điều trị cho bệnh nhân Covid-19 song cũng phải đối mặt không ít tình huống bất công, nguy hiểm và không nhận được sự cảm thông, thấu hiểu dù chỉ đang làm tròn bổn phận, theo The Guardian.
Áp lực
Theo các báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về quyền y tế, các cuộc tấn công nhằm vào nhân viên y tế liên quan đến Covid-19 dự kiến gia tăng khi các biến thể mới xuất hiện và việc triển khai các chương trình tiêm chủng ở một số quốc gia còn chậm.
“Tình hình dịch càng căng thẳng, các cuộc tấn công càng tăng lên. Thật đáng buồn. Nhân viên y tế đã thiếu, nhiều người còn chết vì nhiễm bệnh. Áp lực ngày càng đè nặng", bác sĩ Tlaleng Mofokeng (Ấn Độ) nói.
Mofokeng nói những cuộc tấn công bạo lực khiến các nhân viên y tế như cô thất vọng và nhụt chí. Cô cho biết tình trạng bạo lực nhắm vào nhân viên y tế không phải là mới nhưng trong đại dịch, hoàn cảnh trở nên phức tạp hơn do thiếu sự lãnh đạo của chính phủ và đầu tư vào hệ thống y tế công cộng.
“Khi các chính phủ thất bại, chính nhân viên y tế là người giải quyết tình trạng trì trệ và đảm bảo hệ thống y tế không bị sụp đổ. Nhưng trong tình hình này, họ có thể gắng gượng bao lâu nữa?".
Theo số liệu mới nhất của Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC), 848 vụ bạo lực liên quan đến Covid-19 đã được ghi nhận từ tháng 2 đến tháng 12 năm 2020. Maciej Polkowski thuộc ICRC, cho biết con số này có thể chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” và có xu hướng lan rộng. Nhiều vụ việc liên quan đã không được báo cáo, ghi nhận.
Phân tích của ICRC cũng cho thấy phần lớn vụ việc là bạo lực giữa các cá nhân, khi các nhóm cộng đồng, bệnh nhân hoặc người thân của họ tấn công nhân viên y tế, đôi khi gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Polkowski đưa ra ví dụ về một bệnh nhân có các triệu chứng mắc Covid-19 ở Naples, Italy. Người này đã tức giận sau khi được yêu cầu chờ đợi và nhổ nước bọt vào bác sĩ và y tá. Kết quả, toàn bộ khu khám bệnh phải đóng cửa và nhân viên y tế phải đi cách ly.
Thậm chí, ở Ấn Độ và Pakistan, nhiều khu vực chăm sóc bệnh nhân Covid-19 bị lục soát, y bác sĩ bị hành hung. Tại Mexico, nhân viên y tế bị ném thuốc tẩy vào người trên đường phố; dòng chữ "con chuột truyền nhiễm" được viết lên xe của một nhân viên y tế ở Tây Ban Nha.
Tại Anh, nhân viên Cơ quan Y tế Quốc gia (NHS) bị tát, chửi bới khi yêu cầu bệnh nhân đeo khẩu trang, nhiều bác sĩ phẫu thuật cũng nói bị bạo lực và gây hấn chưa từng thấy.
Polkowski đổ lỗi cho các chính phủ đã để thông tin sai lệch lan truyền.
“Nhiều người lo lắng vì chính phủ không trao đổi rõ ràng về vấn đề này. Nhiều nơi hạ thấp mức độ nghiêm trọng của Covid-19, ưu tiên kinh tế hơn sức khỏe người dân, đó là một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng này".
Ví dụ, theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, chính phủ Nicaragua nhiều lần đánh giá thấp sự nguy hiểm của đại dịch. Nhân viên y tế bị sa thải chỉ vì sử dụng phương tiện bảo hộ tại nơi làm việc.
Đối phó
Nhằm ngăn chặn tình trạng bạo lực nhắm vào nhân viên y tế liên quan đến Covid-19, Ấn Độ đã sửa đổi luật chống dịch khẩn cấp. Theo đó, người có hành vi tấn công nhân viên y tế có thể bị phạt tới 7 năm tù.
Các nhà chức trách ở Sudan cũng thông báo thành lập một lực lượng cảnh sát chuyên trách để bảo vệ các y bác sĩ trong thời kỳ đại dịch. Tại Algeria, bộ luật hình sự đã được sửa đổi để tăng cường bảo vệ nhân viên y tế trước các cuộc tấn công đồng thời đưa ra hình phạt nghiêm khắc cho các cá nhân đập phá cơ sở khám chữa bệnh.
Trong khi đó, Anh đề xuất tăng hình phạt tối đa từ 12 tháng lên 2 năm tù cho bất kỳ ai hành hung nhân viên cấp cứu. Nhân viên y tế nước này cũng sẽ được trang bị camera gắn thân (body camera) để ghi lại bằng chứng bị hành hung.
Mofokeng cho biết việc nhân viên y tế bị bạo lực có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe tâm thần, kiệt sức, thậm chí là tự tử. Nữ bác sĩ kêu gọi tăng cường giám sát và thu thập dữ liệu về các cuộc tấn công dạng này.
"Đừng chỉ lên án các hành vi tấn công hay ủng hộ giải pháp, hãy hành động theo hướng ngăn chặn và có trách nhiệm. Các nhân viên y tế luôn cần sự hỗ trợ", Leonard Rubenstein, người sáng lập, chủ tịch tổ chức Liên minh Bảo vệ Sức khỏe trong Xung đột, nhận định.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ho-xong-vao-phong-icu-va-danh-y-bac-si-post1224688.html