Hòa An phát triển sản phẩm nông sản chủ lực
Tận dụng tiềm năng và thế mạnh về nông sản, huyện Hòa An chú trọng phát triển các sản phẩm chủ lực chất lượng cao, góp phần cải thiện thu nhập cho người dân.
Thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với nông nghiệp thông minh, giai đoạn 2021 - 2025, huyện xác định phát triển nông nghiệp hàng hóa lấy doanh nghiệp, hợp tác xã là trung tâm, cộng đồng dân cư và hộ nông dân là chủ thể gắn với Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Sau 3 năm triển khai, trên địa bàn hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung chuyên canh theo chuỗi liên kết; các tổ chức kinh tế không ngừng được hoàn thiện, nâng cấp, hướng tới tiêu chuẩn hóa sản phẩm theo quy định của Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.
UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động khai thác lợi thế và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của từng địa phương; tập trung nguồn lực đầu tư, hỗ trợ các vùng trọng điểm; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc để nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm. Năm 2023, huyện có 6 dự án liên kết sản xuất được triển khai thực hiện, phê duyệt 16/18 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo cộng đồng. Niên vụ 2022 - 2023, huyện có 14 xã, thị trấn trồng 1.593 ha thuốc lá, vượt 1,44% kế hoạch; sản lượng đạt 4.255 tấn. Trồng 98 ha dong riềng, đạt 100,3% kế hoạch, tập trung chủ yếu tại xã 2 xã Nguyễn Huệ, Ngũ Lão; trồng mới 96 ha cây mác ca tại tại 2 xã Bạch Đằng, Hoàng Tung; duy trì chăm sóc diện tích vùng trồng cây thạch đen, dứa, lê, cam Trưng Vương, quýt Hà Trì…
Huyện phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng sử dụng con giống chất lượng cao, giống bản địa có giá trị kinh tế. Mở rộng các trang trại quy mô vừa và lớn liên kết với các doanh nghiệp chăn nuôi theo chuỗi giá trị. Đối với chăn nuôi nông hộ, huyện khuyến khích hình thành các tổ hợp tác, câu lạc bộ chăn nuôi và mạng lưới tư thương kết nối thị trường chế biến thực phẩm với các cơ sở tập trung tiêu thụ. Năm 2023, tổng đàn lợn của huyện 38.339 con, vượt 32,05% kế hoạch. Chăn nuôi gia cầm tăng trưởng nhanh cả về số lượng và chất lượng. Huyện chỉ đạo nhân dân các địa phương kết hợp trồng cây dược liệu và chăn nuôi dưới tán rừng để nâng cao thu nhập.
Phong trào OCOP có sự chuyển biến rõ nét cả về quy mô và chất lượng. Nhiều sản phẩm OCOP đặc hữu xây dựng được thương hiệu, có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Hiện, toàn huyện có 10 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 - 4 sao cấp tỉnh, trong đó có 3 sản phẩm đạt 4 sao, gồm: rượu ngô Đại Hoàng Cao Bằng, rượu ngô Đại Hoàng Long Phụng, rượu ngô Đại Hoàng Tiên Tửu; 7 sản phẩm đạt OCOP 3 sao: trà xanh Tài Hồ Sìn, mật ong rừng tự nhiên, rượu gạo Nhật Cao Bằng, cơm cháy Huy Hoàng, bún trắng khô cô Luyến, bún cẩm khô cô Luyến, gạo Nhật Cao Bằng. Năm 2023, huyện tổ chức khảo sát và hỗ trợ chuẩn hóa hồ sơ để đánh giá OCOP 3 sao cho các sản phẩm: mật ong tự nhiên (Bình Dương), thạch đen Su Hào (Đức Long), miến dong Cường Yên (Nguyễn Huệ), rượu ngô Hà Vy (Hồng Việt) và đánh giá lại 1 sản phẩm rượu gạo nhật Cao Bằng.
Được khuyến khích tham gia Chương trình OCOP, hộ kinh doanh cơm cháy Huy Hoàng mạnh dạn đầu tư máy móc hiện đại vào quy trình sản xuất như lò chiên, máy sấy khô, máy hàn túi…, nâng sản lượng trung bình lên khoảng 400 gói cơm cháy, tương đương 65 kg gạo/tháng. Bên cạnh nỗ lực cải thiện chất lượng sản phẩm, cơ sở tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, 2 năm liền, cơm cháy Huy Hoàng đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh và vinh dự tham gia triển lãm hội chợ phố đi bộ Hà Nội, hội chợ phố đi bộ Cao Bằng, hội chợ Bảo Lạc… Hiện tại sản phẩm được phân phối tại siêu thị Cao Bằng, siêu thị Hòa An và các cửa hàng tạp hóa trong tỉnh. Chị Nguyễn Thị Thùy, chủ hộ kinh doanh cơm cháy Huy Hoàng, phố A, thị trấn Nước Hai chia sẻ: Sau khi đạt danh hiệu OCOP 3 sao, cơm cháy Huy Hoàng ngày càng khẳng định được chất lượng sản phẩm đối với người tiêu dùng, sản lượng bán ra và doanh thu tăng gấp đôi so với trước đây. Cơ sở tiếp tục liên kết mở rộng hợp tác, quan tâm phát triển thị trường trong và ngoài tỉnh.
Huyện Hòa An tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cấp phép các dự án đầu tư nông nghiệp, quy hoạch vùng nguyên liệu, chú trọng đào tạo nghề cho nông dân, đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử, xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho một số sản phẩm chủ lực, góp phần khẳng định chất lượng, giá trị và thương hiệu của các sản phẩm OCOP tại địa phương.
Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/hoa-an-phat-trien-san-pham-nong-san-chu-luc-3167794.html