Hòa An tập trung phòng trừ châu chấu tre gây hại cây trồng
Trước tình hình châu chấu tre gây hại trên cây trồng, huyện Hòa An đã và đang tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn bị ảnh hưởng thường xuyên kiểm tra, bám sát địa bàn để phát hiện sớm ổ dịch, từ đó có biện pháp phun thuốc diệt trừ đồng bộ, hiệu quả, bảo vệ mùa màng cho người dân.
Theo người dân xóm Bốc Thượng, xã Bạch Đằng, châu chấu tre xuất hiện vào tháng 5/2024. Ban đầu, châu chấu chủ yếu ăn lá cây tre, cây vầu, sau đó bay theo từng đàn di chuyển sang ăn lá ngô, lá chuối. Xóm báo cáo xã có biện pháp hỗ trợ, đồng thời tuyên truyền người dân chủ động mua thuốc diệt trừ châu chấu về phun. Tuy nhiên, số lượng châu chấu phát triển với mật độ dày đặc, nhiều diện tích cây trồng bị ảnh hưởng.
Bạch Đằng là một trong những xã bị châu chấu gây hại nhiều nhất. Đến ngày 13/6/2024, có 2 ha cây ngô, trên 100 ha cây tre, vầu bị châu chấu gây hại, mật độ trung bình 20 - 30 con/m2, nơi cao 80 - 100 con/m2 đối với cây ngô, mật độ 200 - 300 con/m2 đối với cỏ dại, trên cây vầu khoảng 300 con/m2 và di chuyển theo từng đàn với sức tàn phá khá lớn, khó kiểm soát. Đàn châu chấu có hướng di chuyển xuống gây hại ngô, lúa, hoa màu, cỏ dại.
Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng Trần Công Hoan cho biết: Sau khi nhận được thông tin châu chấu xuất hiện trên địa bàn, xã báo cáo cơ quan chức năng có biện pháp phòng trừ dịch hại phát tán. Đồng thời, tuyên truyền người dân chủ động phun thuốc một số diện tích ngô, lúa của xóm bị nhiễm, tiếp tục theo dõi đàn châu chấu và phòng ngừa từ xa, đặc biệt là các ruộng mạ vụ mùa năm 2024, những diện tích chưa bị nhiễm, báo cáo xã tiếp tục có hướng xử lý hạn chế thấp nhất thiệt hại do châu chấu tre lưng vàng gây ra.
Theo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, từ đầu tháng 4 đến ngày 13/6/2024, châu chấu tre gây hại trên 4,4 ha lúa, 9,71 ha ngô, 3,5 ha thuốc lá, 75,006 ha cỏ dại và 200 ha rừng vầu trên địa bàn các xã: Lê Chung, Bạch Đằng, Hồng Việt, Hoàng Tung, Nam Tuấn và thị trấn Nước Hai. Để chủ động phòng trừ kịp thời châu chấu gây hại, UBND huyện Hòa An chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra, bám sát địa bàn để phát hiện sớm ổ dịch châu chấu, từ đó có biện pháp phun thuốc diệt trừ đồng bộ, hiệu quả. Trung tâm ứng trước cho các xã, thị trấn 744 lọ thuốc trừ châu chấu CRYMERIN 50 EC (Wavotox 585 EC) để kịp thời phun phòng trừ. Đến thời điểm hiện tại, các xã, thị trấn đã phun hết các diện tích nhiễm trên cây trồng và cỏ dại, tuy nhiên đối với rừng vầu chưa phun trừ được do thời tiết mưa kéo dài. Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi hỗ trợ 2 xã Lê Chung, Bạch Đằng 2 máy phun khói BF 150 Hàn Quốc để phun trừ châu chấu trên rừng vầu nhưng thời tiết mưa kéo dài vẫn chưa tiến hành phun trừ.
Đàn châu chấu tre có hướng di chuyển từ rừng vầu xuống các diện tích cây trồng lúa, ngô, hoa màu, cỏ dại. Để phòng ngừa có hiệu quả châu chấu tre lưng vàng làm ảnh hưởng đến cây trồng, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn tăng cường thông tin tuyên truyền, hướng dẫn người dân kiểm tra nhằm phát hiện sớm và phòng trừ hiệu quả các ổ dịch châu chấu tre. Huy động các nguồn lực tại địa phương để diệt trừ châu chấu tre đồng loạt không để gây hại ra diện rộng; sử dụng các loại thuốc trừ châu chấu tre có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng với liều lượng theo khuyến cáo trên bao bì… để bảo vệ cây trồng, hạn chế thiệt hại do châu chấu gây ra.