Hoa ban rất đẹp và cũng rất… ngon
Hoa ban đẹp, rất đẹp, nhưng ít người biết rằng những cánh hoa mỏng manh ấy lại là nguyên liệu để chế biến nhiều món ăn ngon và độc đáo...
Sắc màu ẩm thực
Những ngày tháng 3, Hà Nội nắng vàng óng ả trong khi tiết trời vẫn còn se lạnh đã làm cho không khí xuân trở nên rộn ràng hơn. Vẻ đẹp càng trở nên rực rỡ khi khắp phố phường, công viên, khuôn viên công sở được điểm tô bởi sắc màu của các loài hoa. Màu trắng tinh khôi của hoa sưa khiến lòng người dịu lại, màu đỏ của những chiếc lá bàng già đang đung đưa chờ gió, màu vàng của những hàng phong linh đang trổ hoa rực rỡ, và màu tím nhạt của những chùm hoa ban lại khiến tinh thần phấn chấn đến lạ.
Hoa ban vốn là loài hoa tượng trưng cho vẻ đẹp của núi rừng Tây Bắc, ấy thế mà khoảng hơn chục năm trở lại đây nó có cuộc “du nhập” ồ ạt về đất Hà Thành. Không chỉ riêng con phố Bắc Sơn - Hoàng Diệu mới có hoa ban, giờ đây nó hiện diện trên nhiều con phố mới, nhiều khu đô thị hiện đại. Tiết trời năm nay đẹp nên hoa ban nở nhiều khiến chị em nhộn nhịp áo dài đi chụp hình. Những “nhiếp ảnh gia” cũng tranh thủ săn các bộ ảnh “độc” để lưu giữ khoảnh khắc đẹp của mùa xuân. Và có cả những người đi ngắm rồi chờ đợi từng cơn gió làm rụng cánh hoa để gom về làm… món mới.
Đồng bào dân tộc Thái sử dụng hoa ban để làm ra nhiều món mà ai đã ăn một lần thì chẳng thể quên. Cứ mỗi mùa hoa ban nở, bà con thường hái về ăn như một thức quà trong mùa mới. Họ chế biến từ hoa ban thành những món cầu kỳ mời khách phương xa tựa như một đặc sản quý. Hoa ban có mùi thơm dịu, hơi phảng phất vị chát, khi chế biến thành món ăn thì nó lại bùi, ngọt nhẹ rất dễ ăn. Phổ biến nhất là hoa ban trộn gỏi, nấu canh, làm các món xào và nướng.
Theo dân gian, loài hoa này cũng được ví như một vị thuốc quý bởi nó hỗ trợ tốt cho họng và tiêu hóa. Cùng với việc du lịch nội địa phát triển mạnh, giao thông miền núi đã thuận tiện hơn, nhiều người có cơ hội thăm thú, trải nghiệm ẩm thực vùng miền nên món ăn từ hoa ban cũng dần được nhiều người biết đến. Đặc biệt là khi Hà Nội vốn nổi tiếng với sự tinh tế và giỏi kết hợp những sản vật địa phương vào bản đồ ẩm thực của mình.
Những món ngon “độc lạ”
Món nổi tiếng và phổ biến nhất từ hoa ban là nộm (hay cách gọi khác là trộn gỏi). Lựa chọn những bông hoa còn tươi về ngắt bỏ lớp phấn ở đầu nhụy rồi rửa sạch, bà con người Thái làm món gỏi này với măng đắng và cá nướng. Những con cá suối được nướng vàng trên than củi rồi gỡ lấy thịt, măng đắng tước sợi nhỏ (hoặc thái lát xéo mỏng) đem luộc kỹ, giềng tươi và tỏi giã nát rồi thêm chút ớt băm, lạc rang, các loại rau thơm, mắc khén…
Hoa ban sau khi sơ chế sẽ được luộc qua, cho tất cả các nguyên liệu đã chuẩn bị sẵn vào, thêm chút gia vị, nước mắm, mì chính rồi trộn đều, cuối cùng là cho lạc rang. Thường món gỏi này nên ăn khi hoa ban vẫn còn ấm nóng, đặc biệt nó sẽ ngon hơn khi có nhiều vị cay. Món gỏi hoa ban là sự tổng hòa của cay, đắng, ngọt, bùi, chỉ ăn một miếng là cảm nhận được tất cả. Vị cay nồng của ớt và giềng, đắng của măng, ngọt nhẹ của cá nướng và hoa ban mà khi nhai thì lại khá bùi.
Khi mới ăn sẽ thấy vị chát nhẹ, nhưng càng nhai thì lại càng thấy dễ ăn vì phảng phất mùi thơm dịu khá lôi cuốn của hoa. Khi món ăn này du nhập đất Hà thành, nhiều người vì không có đủ nguyên liệu nên cũng biến tấu khá sáng tạo. Họ thay cá suối nướng bằng gà nướng xé phay, tai heo luộc và chả cốm. Món gỏi hoa ban khi kết hợp với chả cốm chiên giòn, vị chát bùi của hoa kết hợp với vị béo ngậy của chả khá là “bắt mồi”, nó khiến cho ẩm thực dường như không còn biên giới và không có khoảng cách.
Không phải ai cũng ăn được măng đắng, nhưng nếu đã ăn được thì lại rất ghiền măng đắng xào hoa ban. Hậu vị của măng đắng là ngọt, cái ngọt tự nhiên chứ không như mật hay đường. Măng đắng xào hoa ban thường hay kết hợp với những loại rau thơm như lá lốt, lá chanh hoặc tía tô vừa là để át mùi hăng, vừa để kích thích vị giác. Có một mẹo làm giảm bớt độ đắng của măng là sau khi luộc nên vớt ra rửa sạch rồi cho lên chảo đảo đều. Đến khi thấy măng bốc hơi gần hết thì mới cho mỡ vào, cuối cùng là cho hoa ban vào xào đến khi ngót lại là được. Măng đắng xào hoa ban khi ăn càng nhai càng tiết ra vị ngọt, nó như một trải nghiệm thú vị và hấp dẫn.
Hoa ban còn được đem nấu canh. Người ta lấy xương lợn hầm với măng hoặc hoa chuối thái nhỏ, đến khi chuẩn bị ăn sẽ thả hoa ban vào độ vài phút là có món canh thơm ngọt. Hoa ban còn được nhồi vào cá, gà nướng trên than hoa. Mùi thơm dịu của hoa thấm vào cá vừa giúp khử tanh, vị chát bùi của nó lại có tác dụng giảm ngấy cũng như đem đến một món ăn vừa ngon, vừa lạ.
Hoa ban còn được đồng bào đem đồ xôi để khi ăn chấm muối vừng hoặc chẩm chéo. Khi kẹp miếng chả cốm chiên nóng vào giữa nắm xôi hoa ban, thực khách sẽ cảm nhận được sự mộc mạc của hương thơm núi rừng Tây Bắc lẫn sự tinh tế của chả cốm Hà thành, chúng hợp nhau đến lạ.
Những món ngon từ hoa ban còn rất nhiều khó có thể kể cho hết. Đó là chưa nói đến những sáng tạo đầy bất ngờ của các bà nội trợ. Một loài hoa không chỉ cho hương thơm dịu dàng, không chỉ bung nở rực rỡ trong gió mà còn đẹp cả trong cách sáng tạo ẩm thực theo phong vị Việt Nam.
Hoa ban vốn là loài hoa tượng trưng cho vẻ đẹp của núi rừng Tây Bắc, ấy thế mà khoảng hơn chục năm trở lại đây nó có cuộc “du nhập” ồ ạt về đất Hà Thành. Những món ngon từ hoa ban còn rất nhiều khó có thể kể cho hết. Đó là chưa nói đến những sáng tạo đầy bất ngờ của các bà nội trợ. Một loài hoa không chỉ cho hương thơm dịu dàng, không chỉ bung nở rực rỡ trong gió mà còn đẹp cả trong cách sáng tạo ẩm thực theo phong vị Việt Nam.
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/hoa-ban-rat-dep-va-cung-rat-ngon-post532792.antd