Hòa Bình: 5 năm thực hiện luật phòng chống tác hại của thuốc lá
Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ cao nhất về hút thuốc lá và phơi nhiễm với hút thuốc thụ động ở môi trường trong nhà. Trước thực trạng đó, năm 2013, Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia, phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) đến năm 2020.
Ban chỉ đạo phòng, chống tác hại thuốc lá tỉnh Hòa Bình được thành lập ngày ngày 09/10/2014 theo Quyết định số 1462/QĐ-UBND.
Qua đó, các quy chế, kế hoạch về phòng chống tác hại thuốc lá được triển khai sâu rộng tới các Sở, ngành, đoàn thể; chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thành phố triển khai thực hiện: Thành lập Ban chỉ đạo; Đưa nội dung phòng chống tác hại thuốc lá vào nội quy, quy chế của đơn vị; Xây dựng kế hoạch hoạt động phòng chống thuốc lá hàng năm và tổ chức triển khai thực hiện; Chỉ đạo các đơn vị ký cam kết thực hiện môi trường không khói thuốc nhất là ở các cơ sở khám, chữa bệnh, trường học và nơi làm việc. Một số đơn vị đã đưa nội dung không hút thuốc lá tại đơn vị vào đánh giá thi đua của cán bộ công chức của đơn vị. Các huyện, thành phố đã ra các văn bản chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn, UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện công tác phòng chống tác hại thuốc lá.
Sau 5 năm triển khai thực hiện từ năm 2013 - 2018 kết quả đạt được rất đáng khích lệ. 100% lãnh đạo tỉnh, các sở ban ngành địa phương đã nhận thức rõ về Luật PCTHTL và các văn bản liên quan; 97% người dân tại cộng đồng hiểu biết về tác hại của thuốc lá; 70% người dân tại cộng đồng hiểu biết về một số bệnh liên quan đến thuốc lá; 65% người dân tại cộng đồng biết về quy định của Luật PCTHTL. Đồng thời tăng cường công tác truyền thông như: Xây dựng 06 phóng sự tuyên truyền về PCTHTL và Luật PCTHTL; 39 lần phát sóng các thông điệp truyền thông về PCTHTL phát sóng trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh; Sản xuất đĩa nội dung tuyên truyền về PCTHTL phát trên hệ thống loa, đài phát thanh của 210 xã, phường, thị trấn; 06 cuộc tọa đàm/đối thoại về PCTHTL được thực hiện tại 06 xã thuộc 03 huyện trong tỉnh; 5.250 lần phát sóng các thông điệp truyền thông về PCTHTL trên hệ thống phát thanh của các xã/phường/ thị trấn trong toàn tỉnh (210 xã); Viết và đăng 32 bài báo về PCTHTL đăng trên Báo Hòa Bình; Viết 22 bài về PCTHTL đăng trên Cổng thông tin điện tử của ngành; 12 tin, bài viết được xây dựng và đăng trên Bản tin giáo dục sức khỏe. Bên cạnh đó, đã tập huấn được 14 lớp với 564 cán bộ là thanh tra, công an, quản lý thị trường nội dung về Luật PCTHTL, các văn bản xử phạt có liên quan. Sau khi tập huấn Ban chỉ đạo tỉnh giao nhiệm vụ cho thanh tra ngành Y tế chủ trì thành lập 1 đoàn kiểm tra, giá sát liên ngành. Đoàn kiểm tra giám sát liên ngành đã tổ chức kiểm tra, giám sát trên 20 địa điểm là cơ quan, đơn vị trường học, nhà hàng, khách sạn, cơ sở kinh doanh bán buôn, bán lẻ thuốc lá. Đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành lập biên bản kiểm tra theo mẫu ban hành của Quỹ PCTHTL.
Trong 05 năm triển khai chương trình PCTHTL tại tỉnh Hòa Bình đều nhận được sự quan tâm, ủng hộ của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; được sự quan tâm ủng hộ của xã hội; Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị đã có sự quan tâm nhiều hơn đến thực hiện Luật PCTHTL; Bước đầu đã xây dựng được hệ thống thanh tra viên phòng chống tác hại thuốc lá.
Hàng năm Chương trình nhận được sự quan tâm hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật và kinh phí hoạt động từ Quỹ PCTHTL - Bộ Y tế. Chương trình PCTHTL đã có hệ thống văn bản pháp quy, hành lang pháp lý đầy đủ để hoạt động. Tuy nhiên, một số đơn vị tuyến cơ sở còn chưa quan tâm đúng mức đến công tác phòng, chống tác hại thuốc lá; Nguồn lực, cơ sở vật chất hỗ trợ truyền thông phòng chống tác hại thuốc lá như hệ thống truyền thanh tại cơ sở, tranh, tờ rơi tuyên truyền, con người được huấn luyện về truyền thông… còn hạn chế; Việc giám sát thực hiện công tác PCTHTL tại các đơn vị còn gặp nhiều khó khăn liên quan đến thẩm quyền giám sát cũng như nể nang trong quan hệ tại đơn vị;
Hệ thống thanh tra viên còn thiếu nhất là tuyến cơ sở, thanh tra viên chưa được tập huấn huấn luyện, chưa có kinh nghiệm triển khai luật phòng chống tác hại thuốc lá tại cơ sở; Kinh phí dành cho hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá tại các tuyến ở địa phương hầu như không có mà chủ yếu dựa vào nguồn hỗ trợ từ Quỹ PCTHTL - Bộ Y tế, nên còn gặp nhiều khó khăn trong giám sát, kiểm tra, tập huấn, huấn luyện nâng cao năng lực cán bộ làm công tác PCTHTL. Vấn đề tổ chức hoạt động tại các đơn vị còn chưa được quan tâm đúng mức, một số lãnh đạo chưa làm gương tốt cho cán bộ trong đơn vị, việc tự giám sát, nhắc nhở còn có sự nể nang…nên vẫn còn vi phạm quy định cấm hút thuốc lá trong đơn vị. Chưa có hệ thống tư vấn hỗ trợ cai nghiện thuốc lá đến cơ sở; Công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành trong triển khai thực hiện công tác này còn chưa được chặt chẽ; Việc áp dụng các chế tài xử lý vi phạm trong kinh doanh thuốc lá còn ít; Hệ thống cán bộ làm công tác PCTHTL còn mỏng, kiêm nhiệm, ít thời gian dành cho công tác phòng, chống tác hại thuốc lá.
Do đó, để Luật PCTHTL triển khai có hiệu quả đòi hỏi phải có sự chung tay vào cuộc của các cấp chính quyền từ tỉnh đến địa phương, đặc biệt là có sự hỗ trợ về nguồn lực tài chính để chương trình được triển khai sâu rộng hơn đến người dân trên địa bàn tỉnh.