Hòa Bình: Bảo tồn, phát huy nét đẹp trang phục truyền thống dân tộc Mường

Hòa Bình là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc, trong đó dân tộc Mường chiếm trên 64%. Trang phục truyền thống của phụ nữ Mường có giá trị phong phú, đặc sắc, tinh tế tạo nên văn hóa đặc sắc của dân tộc Mường. Trong quá trình phát triển và giao lưu văn hóa, trang phục truyền thống của dân tộc Mường cũng có sự cải biến song vẫn thể hiện đặc trưng của dân tộc.

Đại diện người dân tộc Mường trình diễn mẫu trang phục truyền thống của dân tộc

Đại diện người dân tộc Mường trình diễn mẫu trang phục truyền thống của dân tộc

Trang phục người Mường - Di sản văn hóa của Hòa Bình

Trong nền văn hóa đặc sắc của người Mường, trang phục không chỉ là một phần của cuộc sống mà còn là sự thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo. Mỗi họa tiết, đường nét trên trang phục đều chứa đựng ý nghĩa văn hóa sâu sắc, phản ánh đời sống tinh thần phong phú và lịch sử lâu đời của người Mường. Từng bộ trang phục không chỉ làm nổi bật nét đẹp riêng mà còn kể lại câu chuyện truyền thống, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa đặc trưng của một trong những dân tộc giàu bản sắc nhất vùng núi phía Bắc.

Trang phục phụ nữ Mường

Trang phục phụ nữ Mường

Những ai đã đặt chân đến vùng đất Hòa Bình không khỏi ngẩn ngơ trước dáng hình người phụ nữ Mường trong trang phục truyền thống với áo pắn (áo ngắn) có cánh thân ngắn đến chấm eo lưng, xẻ ngực, ống tay dài được ví như loài hoa núi rừng xinh đẹp. Ngay từ nhỏ, người con gái Mường được các bà, các mẹ dạy cách thêu thùa, dệt vải. Để có bộ trang phục hút hồn, người phụ nữ Mường đã phải khéo léo kết hợp từng chi tiết, bên cạnh đó màu sắc tươi sáng như trắng, vàng, hồng, xanh hoặc đỏ, thể hiện sự duyên dáng và nét quyến rũ của phụ nữ, kiểu dáng hoa văn hay đồ trang sức cũng hết sức đa dạng, tạo nên những nét văn hóa riêng biệt của dân tộc Mường.

Chân váy của phụ nữ Mường thường có cạp váy rất nổi bật, được trang trí với các hoa văn tinh xảo, lấy cảm hứng từ nghệ thuật Đông Sơn. Các hình khối như mặt trời, ngôi sao hay động vật được thêu dệt một cách công phu, không chỉ làm đẹp mà còn chứa đựng những giá trị văn hóa sâu sắc. Phần chân váy thường dài đến gót chân và có màu sắc như đen hoặc xanh đen, ôm sát phần trên để tôn lên vóc dáng chuẩn mực của người con gái Mường.

Khăn đội đầu là phụ kiện không thể thiếu trong hình ảnh trang phục dân tộc Mường, thể hiện sự thanh khiết và lòng tôn kính. Chiếc khăn trắng, không chỉ biểu trưng cho vẻ đẹp mà còn gắn liền với tín ngưỡng của người Mường. Mỗi chi tiết trong trang phục truyền thống người Mường đều mang ý nghĩa riêng, tạo nên sự hòa quyện giữa nét đẹp truyền thống và giá trị văn hóa đặc trưng của tộc người này.

Trang phục nam giới Mường

Trang phục nam giới Mường

Trang phục của nam giới Mường thường có thiết kế đơn giản nhưng vẫn thể hiện được sự lịch lãm và mạnh mẽ. Họ thường mặc áo ngắn có cổ tròn, với nẹp viền được may tỉ mỉ xung quanh. Quần được làm từ vải mộc thô, có màu sắc như trắng, nâu, chàm hoặc đen, thường có kiểu dáng suông và ống rộng, tạo cảm giác thoải mái cho người mặc. Cách thức mặc trang phục của nam giới cũng khá đặc biệt, khi họ bắt chéo hai mép cạp quần dắt vào trong và sử dụng khăn thắt lại, giúp trang phục được gọn gàng và dễ dàng trong hoạt động hàng ngày.

Mặc dù trang phục truyền thống này không còn phổ biến như trước, với nhiều nam giới hiện nay chọn mặc đồ Kinh, nhưng những nét đặc trưng vẫn giữ được “chất” của trai Mường. Sự kết hợp giữa phong cách hiện đại và truyền thống trong trang phục vẫn phản ánh bản sắc văn hóa của dân tộc này, tạo nên một sự giao thoa thú vị giữa các thế hệ.

Chất liệu vải đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành trang phục truyền thống của người Mường. Trước đây, áo dài được may từ vải mộc tự dệt lấy, thể hiện sự tự lập và khéo léo của phụ nữ trong việc sản xuất trang phục. Ngày nay, họ đã nâng cấp chất liệu, sử dụng các loại vải mềm mại như lụa và gấm, tạo nên sự sang trọng và tinh tế cho trang phục Mường. Sự thay đổi này không chỉ đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ mà còn giúp phụ nữ Mường trở nên duyên dáng và cuốn hút hơn.

Kỹ thuật dệt vải của người Mường cũng rất độc đáo, với những hoa văn truyền thống được thể hiện rõ nét trên trang phục. Những hoa văn này thường mang tính biểu tượng, phản ánh những câu chuyện, tín ngưỡng và tâm tư của người dân. Chất liệu và kỹ thuật dệt không chỉ tạo nên những bộ trang phục đẹp mắt mà còn góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống của tộc người này.

Bên cạnh chất liệu vải, các phụ kiện và trang sức cũng là yếu tố quan trọng tạo nên hình ảnh trang phục dân tộc Mường. Người Mường đặc biệt ưa chuộng trang sức bằng bạc, với nhiều kiểu dáng và mẫu mã khác nhau. Họ thường đeo vòng cổ, nhẫn, vòng tay, trong khi trẻ nhỏ thường có lắc chân, tạo nên vẻ đẹp thêm phần sinh động cho bộ trang phục.

Trang phục phụ nữ Mường thường đeo dải lắc bằng bạc ở bên cạp váy

Trang phục phụ nữ Mường thường đeo dải lắc bằng bạc ở bên cạp váy

Một chi tiết đặc biệt trong trang phục phụ nữ Mường là việc đeo dải lắc bằng bạc ở bên cạp váy, không chỉ tạo điểm nhấn cho trang phục mà còn thể hiện giá trị và nét đẹp của người con gái. Những chiếc vòng cườm đeo cổ cũng là điểm nhấn ấn tượng, thể hiện sự khéo léo trong nghệ thuật trang sức của người Mường. Tất cả những yếu tố này không chỉ làm cho trang phục truyền thống của người Mường trở nên phong phú mà còn thể hiện bản sắc văn hóa sâu sắc của tộc người này.

Trang phục truyền thống của người Mường từng là lựa chọn hàng ngày của người dân, phản ánh lối sống và văn hóa đặc trưng của họ. Tuy nhiên, do sự phát triển của kinh tế và thay đổi trong lối sống, nhiều người Mường hiện nay đã chuyển sang sử dụng trang phục của người Kinh để thuận tiện cho sinh hoạt hàng ngày và các hoạt động thường nhật. Dẫu vậy, vào những dịp đặc biệt, trang phục truyền thống của người Mường vẫn giữ vị trí quan trọng và được trân trọng.

Trang phục truyền thống của người phụ nữ Mường trong các ngày lễ hội

Trang phục truyền thống của người phụ nữ Mường trong các ngày lễ hội

Các dịp lễ hội, buổi biểu diễn văn nghệ hay những phong tục tập quán như đám hỏi, đám hiếu đều là những thời điểm mà người Mường thường chọn mặc trang phục truyền thống của mình. Những bộ trang phục này không chỉ thể hiện bản sắc văn hóa mà còn là cách họ gìn giữ và tôn vinh truyền thống dân tộc. Trong các lễ Tết hay khi tiếp khách, trang phục Mường cũng được coi là biểu tượng của lòng hiếu khách và sự kính trọng đối với người đến thăm. Sự kết hợp giữa nét đẹp truyền thống và tinh thần cộng đồng trong trang phục này càng làm nổi bật thêm giá trị văn hóa của tộc người Mường.

Bảo tồn và phát huy nét đẹp trang phục truyền thống dân tộc Mường

Trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, cùng với sự giao thoa về văn hóa, sự tác động của kinh tế thị trường, cánh cửa giao thương được mở rộng với nhiều nước trên thế giới. Trong môi trường được tiếp cận với các nền văn hóa khác nhau thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Qua đó ít nhiều chịu ảnh hưởng bởi những giá trị mới, làm thay đổi nhận thức, thị hiếu thẩm mỹ. Trang phục dân tộc Mường đang có sự biến đổi một cách nhanh chóng, nguy cơ không còn giữ được bản sắc văn hóa của bộ trang phục truyền thống là hiện hữu.

Màu sắc bộ trang phục phụ nữ Mường trang nhã, thể hiện tính cách của người phụ nữ Mường - chân thành, trầm lắng và tinh tế

Màu sắc bộ trang phục phụ nữ Mường trang nhã, thể hiện tính cách của người phụ nữ Mường - chân thành, trầm lắng và tinh tế

Một vấn đề khác cũng đáng quan ngại nổi lên thời gian qua là trang phục truyền thống qua việc làm mới, cách tân, cải biên. Thay vì phát triển, gìn giữ và tôn vinh những nét đẹp, giá trị văn hóa dân tộc, không ít cách làm, sử dụng đã làm biến dạng trang phục truyền thống; nét tinh hoa văn hóa thể hiện qua các bộ trang phục truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một. Nếu không kịp thời có biện pháp bảo tồn, phát triển, giúp trang phục truyền thống có chỗ đứng xứng đáng trong đời sống đương đại thì một số giá trị văn hóa trang phục của người Mường sẽ biến dạng, mai một, thậm chí là biến mất.

Trang phục truyền thống của phụ nữ Mường có giá trị phong phú, đặc sắc, tinh tế tạo nên văn hóa đặc sắc của dân tộc Mường

Trang phục truyền thống của phụ nữ Mường có giá trị phong phú, đặc sắc, tinh tế tạo nên văn hóa đặc sắc của dân tộc Mường

Vì thế, việc bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống là nhiệm vụ rất cấp thiết. Làm thế nào để thế hệ trẻ có ý thức hơn, trách nhiệm hơn trong việc lựa chọn các giá trị văn hóa đặc trưng riêng của mình để bảo tồn, gìn giữ và phát huy, để văn hóa trang phục được khôi phục đúng bản sắc, phát huy giá trị nét đẹp, niềm tự hào về bộ trang phục truyền thống cần được phổ biến trong đời sống nhân dân.

Trước hết, chính cộng đồng dân tộc Mường cần chủ động và tự giác coi việc gìn giữ, phát triển trang phục truyền thống của dân tộc mình là việc phải làm cho hiện tại và tương lai. Việc giáo dục ý thức trân trọng, tự hào với truyền thống của dân tộc thông qua các bộ trang phục truyền thống cũng cần được chú trọng trong nhà trường. Chỉ khi mỗi cá nhân cho tới cả cộng đồng đi từ nhận thức đúng đắn đến sự tự ý thức trong ứng xử với trang phục truyền thống thì giá trị văn hóa đặc sắc về trang phục mới được tôn vinh và có vị trí xứng đáng trong đời sống, góp phần tích cực vun đắp tình yêu văn hóa truyền thống, gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc.

Để có bộ trang phục hút hồn, người phụ nữ Mường đã phải khéo léo kết hợp từng chi tiết, bên cạnh đó màu sắc tươi sáng như trắng, vàng, hồng, xanh hoặc đỏ, thể hiện sự duyên dáng và nét quyến rũ của phụ nữ

Để có bộ trang phục hút hồn, người phụ nữ Mường đã phải khéo léo kết hợp từng chi tiết, bên cạnh đó màu sắc tươi sáng như trắng, vàng, hồng, xanh hoặc đỏ, thể hiện sự duyên dáng và nét quyến rũ của phụ nữ

Thực hiện Quyết định số 209/QĐ-BVHTTDL, ngày 18/01/2019 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về việc phê duyệt Đề án "Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay", UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Kế hoạch số 87/KH-UBND, ngày 26/4/2021 nhằm huy động sự tham gia của các cấp, ngành và đông đảo các tầng lớp nhân dân trong việc bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh, trong đó có trang phục của người Mường. Tuyên truyền, khuyến khích cán bộ, giáo viên, học sinh mặc trang phục truyền thống dân tộc 01 buổi/tuần tại các trường dân tộc nội trú; khuyến khích 01 buổi/tuần cho học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số ở các trường học trên địa bàn tỉnh. Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã có một số trường học may đồng phục bằng trang phục truyền thống của dân tộc Mường.

Thực hiện Kế hoạch số 01-KH/BCĐ về kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền Văn hóa Hòa Bình giai đoạn 2023-2030 có nội dung Ban Chỉ đạo Đề án giao Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương nghiên cứu, sưu tầm xây dựng mẫu quy cách của bộ trang phục truyền thống (thông thường và lễ phục) của người Mường để phổ biến trong cộng đồng và giới thiệu cho du khách khi đến Hòa Bình.

Thực hiện nhiệm vụ này, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch số 2634/KH-SVHTTDL, ngày 11/10/2024 của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch về việc nghiên cứu, phục hồi, xây dựng tài liệu và công bố mẫu trang phục truyền thống dân tộc Mường, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Hòa Bình năm 2024.

Khăn đội đầu là phụ kiện không thể thiếu trong hình ảnh trang phục dân tộc Mường, thể hiện sự thanh khiết và lòng tôn kính

Khăn đội đầu là phụ kiện không thể thiếu trong hình ảnh trang phục dân tộc Mường, thể hiện sự thanh khiết và lòng tôn kính

Bà Bùi Thị Loan ở Lương Sơn - Hòa Bình cho biết: “Là người con của dân tộc Mường, chúng tôi rất vui mừng vì công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa truyền thống của dân tộc Mường thời gian qua đã được các cấp, ngành quan tâm triển khai thực hiện hiệu quả. Trong đó có việc bảo tồn và phát huy bộ trang phục truyền thống của dân tộc Mường, góp phần quảng bá hình ảnh, nét đẹp của bộ trang phục dân tộc Mường sâu rộng đến bạn bè trong và ngoài nước”.

Đi bất cứ đâu trên mảnh đất Hòa Bình ta cũng dễ dàng bắt gặp các "mế" Mường trong những bộ quần áo truyền thống. Khi ở nhà, tiếp khách hay thậm chí là lúc xuống đồng, phụ nữ Mường vẫn duyên dáng trong những chiếc váy đen, áo pắn. Đây là nét văn hóa đẹp của người dân tộc Mường thể hiện lòng tự tôn dân tộc, rất cần được phát huy để những giá trị văn hóa được bảo tồn ngay trong sinh hoạt thường ngày của đời sống.

Bà Bùi Thị Mơ - Xóm Dằm, xã Nhân Nghĩa, huyện Lạc Sơn chia sẻ thêm: “Riêng đối với bộ trang phục truyền thống của dân tộc Mường đã để lại cho tôi ấn tượng từ nhỏ. Bởi bà, mẹ tôi đều là phụ nữ Mường truyền thống với nghề trồng dâu, dệt vải, nhuộm nên những mảnh vải thổ cẩm đầy đủ sắc màu. Khi lớn lên, trưởng thành, tôi càng thấy vinh dự được khoác trên mình bộ trang phục truyền thống quê hương Mường Vang - Lạc Sơn”.

Hiện nay, các cấp, ngành, huyện, thành phố đang tập trung các giải pháp đồng bộ để bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống dân tộc Mường. Trong đó chú trọng bảo tồn trang phục truyền thống gắn với phát triển du lịch. Bên cạnh đó, tỉnh Hòa Bình chỉ đạo các địa phương hàng năm khôi phục và tổ chức lễ hội truyền thống, các cuộc thi "Người đẹp trình diễn trang phục dân tộc Mường” và các hoạt động văn hóa, trình diễn nghệ thuật để tuyên truyền, quảng bá giá trị của trang phục dân tộc Mường. Khuyến khích các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch sử dụng, trưng bày và cho khách du lịch thuê trang phục truyền thống dân tộc Mường và trải nghiệm nghề dệt, kỹ thuật tạo hoa văn trên trang phục của dân tộc Mường Hòa Bình.

Hội nghị triển khai Đề án "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền văn hóa Hòa Bình giai đoạn 2023 - 2030" Ảnh: TTXVN

Hội nghị triển khai Đề án "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền văn hóa Hòa Bình giai đoạn 2023 - 2030" Ảnh: TTXVN

Ngày 24/11/2023, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền văn hóa Hòa Bình giai đoạn 2023-2030" trên địa bàn, nhằm nghiên cứu, đánh giá việc bảo tồn giá trị của nền "Văn hóa Hòa Bình" và bản sắc văn hóa dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình. Qua đó, khơi dậy, phát huy tiềm năng giá trị di sản văn hóa, hướng tới hình thành một số không gian văn hóa dân tộc Mường, không gian bảo tồn nền "Văn hóa Hòa Bình"; phục chế giá trị văn hóa vật thể; phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể dân tộc Mường; tăng cường quảng bá, phát huy nền "Văn hóa Hòa Bình".

Mộc Miên

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/hoa-binh-bao-ton-phat-huy-net-dep-trang-phuc-truyen-thong-dan-toc-muong-a28804.html