Hòa Bình: 'Cầm tay chỉ việc' hướng dẫn hội viên, phụ nữ phát triển sinh kế xanh bền vững
Trong những năm vừa quan, Hội LHPN tỉnh Hòa Bình luôn quan tâm hỗ trợ hội viên, phụ nữ, đặc biệt là hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế bền vững gắn với bảo vệ môi trường.
Nhiều hoạt động ý nghĩa, tích cực trong công tác bảo vệ môi trường đã được các cấp hội phụ nữ tỉnh Hòa Bình lan tỏa trong cộng đồng, giúp người dân nâng cao tinh thần, trách nhiệm và hiểu biết hơn về công tác bảo vệ môi trường gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp.
Đặc biệt, trong thời gian qua, Hội LHPN tỉnh Hòa Bình đã phối hợp với tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam tổ chức các lớp tập huấn về Phát triển kinh tế nông hộ, trong đó tập trung hướng dẫn thành viên các mô hình sinh kế về phương pháp trồng trọt, chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường sống tại 02 xã Miền Đồi và Quyết Thắng, huyện Lạc Sơn.
Thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho hội viên, phụ nữ
Chị Bùi Thị Múc (dân tộc Mường), hội viên phụ nữ, thành viên mô hình sinh kế chăn nuôi lợn của xóm Thây Voi, xã Miền Đồi chia sẻ: "Trước đây, trong hoạt động trồng trọt, chúng tôi chủ yếu sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật có sẵn, bán nhiều trên thị trường. Thời gian đầu sử dụng chúng tôi thấy nhanh hết cỏ, sạch sâu, năng suất cây trồng cao hơn. Tuy nhiên sau một thời gian, chúng tôi nhận thấy tác hại của thuốc bảo vệ thực vật bán tràn lan trên thị trường, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người trực tiếp sử dụng trong sản xuất mà còn ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, vùng đất chúng tôi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không còn được màu mỡ như trước nữa. Môi trường nước, môi trường không khí cũng bị ô nhiễm. Vì vậy sức khỏe con người cũng bị ảnh hưởng trầm trọng.
Nhận thấy tác hại của việc thường xuyên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, người dân tại địa phương dần dần đã thay đổi thói quen và hạn chế sử dụng. Được tham gia các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi, chúng tôi đã tham gia và biết cách làm phân bón hữu cơ cho cây trồng và cách làm thuốc trừ sâu. Chúng tôi sẽ bỏ dần việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, để tự làm ra các loại phân bón và thuốc trừ sâu hữu cơ giúp cho sản phẩm đạt chất lượng cao hơn; giúp môi trường sống ngày càng trong lành, an toàn hơn".
Chị Nguyễn Thị Thu – Chuyên gia phát triển hệ sinh thái Khởi nghiệp sáng tạo Quốc Gia; Trưởng làng Nông nghiệp Techfest Quốc Gia, Sáng lập Hệ sinh thái MEVI - người trực tiếp hướng dẫn, cầm tay chỉ việc cho hội viên phụ nữ và các thành viên tham gia mô hình sinh kế chia sẻ: "Hiện nay, người tiêu dùng không chỉ quan tâm tới chất lượng của sản phẩm, mà họ còn rất quan tâm tới quy trình tạo ra sản phẩm. Họ quan tâm đến nhiều chuẩn mực như: đối tượng người tham gia lao động sản xuất; vấn đề tác động vào môi trường như trường (có phát thải cao không, có sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường không, có gây bất lợi cho môi trường không)... và một số vấn đề khác liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến quy trình sản xuất ra sản phẩm. Đặc biệt, phát triển kinh tế xanh bền vững là vấn đề đang được các doanh nghiệp quan tâm.
Vì vậy, việc hướng cho người dân sản xuất nông nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường là vấn đề cần thiết hiện nay. Các phương pháp sản xuất giúp bà con biết cách về làm nông nghiệp bền vững hướng đến phát triển kinh tế gia đình và góp phần vào phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường cho địa phương".
Ông Nguyễn Đức Thành, Quản lý dự án CARE tại Hòa Bình chia sẻ thêm: "Trong hoạt động của Dự án tại tỉnh Hòa Bình, ngoài việc hỗ trợ sinh kế cho hội viên, phụ nữ và người dân tại các vùng dự án, chúng tôi quan tâm nhiều đến việc phát triển nền kinh tế xanh, bảo vệ môi trường bền vững. Vì vậy dự án tập trung cho các hoạt động phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường như: Hỗ trợ làm chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường, xử lý phân chuồng, hướng dẫn thực hành làm phân bón hữu cơ vi sinh, phương pháp làm thuốc trừ sâu sinh học… Bên cạnh đó, chúng tôi cũng hướng tới việc bảo vệ môi trường sống cho bà con nhân dân, đặc biệt là bảo vệ sức khỏe cho phụ nữ và người dân tại các vùng khó khăn, hướng họ đến việc phát triển kinh tế bền vững, an toàn cho con người".