Hòa Bình chú trọng đào tạo nhân lực lấp 'lỗ hổng' về ATTT
Trong Kế hoạch chuyển đổi số Hòa Bình năm 2024, tỉnh chú trọng đề cập việc phối hợp với Bộ TT&TT, các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức về bảo mật, an toàn, an ninh thông tin,...
Tăng cường đảm bảo an toàn thông tin mạng
Trong những năm qua, tỉnh Hòa Bình đã đẩy mạnh đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước nhằm hiện đại hóa hành chính, xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số.
Nhiều hệ thống thông tin quan trọng phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh đã được triển khai dẫn đến sự quan tâm của các cấp chính quyền các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin mạng ngày càng tốt hơn.
Theo kết quả rà soát, hiện nay tỉnh có 83 hệ thống thông tin do các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố quản lý, vận hành được phân loại cấp độ an toàn thông tin cấp độ 2 và cấp độ 3.
Tỉnh đã phê duyệt hồ sơ cấp độ 2 cho 45 hệ thống, cấp độ 3 cho 6 hệ thống. Các cơ quan, đơn vị đang hoàn thiện hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt cấp độ an toàn thông tin cho các hệ thống còn lại, dự kiến hoàn thành trong năm 2023.
Trung tâm Giám sát SOC được xây dựng bảo đảm đạt tiêu chuẩn mô hình “4 lớp” theo hướng dẫn của Bộ TT&TT nhằm đáp ứng các yêu cầu cần thiết trong đảm bảo an toàn thông tin để làm tốt các công tác triển khai xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới xây dựng chính quyền số trong giai đoạn mới.
Theo đó, Trung tâm SOC giúp cơ quan quản lý nhà nước tăng cường khả năng phát hiện sớm, cảnh báo kịp thời, chính xác về các sự kiện, sự cố, dấu hiệu, hành vi, mã độc, nguy cơ, điểm yếu, lỗ hổng có khả năng gây mất an toàn thông tin mạng đối với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của tỉnh.
Ngoài ra, Trung tâm SOC còn giúp chia sẻ, cập nhật thông tin với Trung tâm giám sát không gian mạng quốc gia, giúp đảm bảo an toàn thông tin mạng cho các hệ thông thông tin của tỉnh, từng bước phát triển lực lượng và nâng cao năng lực chuyên gia an toàn thông tin của tỉnh, phục vụ giám sát, xử lý kịp thời các tình huống phát sinh về an toàn thông tin.
Đến nay 100% các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã tỉnh Hòa Bình hiện đang sử dụng giải pháp phòng chống mã độc lập trung do Công ty TNHH An ninh an toàn thông tin CMC cung cấp và được kết nối, chia sẻ với Trung tâm giám sát không gian mạng quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trong năm 2023, Hòa Bình đã tổ chức phong trào thi đua “Đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số tỉnh Hòa Bình” giai đoạn 2023 – 2025, trong đó, chú trọng tăng cường đảm bảo an ninh thông tin và an toàn dữ liệu, phòng chống hiệu quả các hoạt động phá hoại, thâm nhập hệ thống quản lý, điều hành chính quyền điện tử, kịp thời cảnh báo cũng như xử lý các sự cố xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Dành nguồn lực đào tạo nâng cao nhận thức bảo đảm ATTT
Trong Kế hoạch chuyển đổi số Hòa Bình năm 2024, ngoài các nhiệm vụ về nhận thức số, hạ tầng số, dữ liệu số, nền tảng số, kinh tế số, xã hội số, tỉnh chú trọng vấn đề đào tạo nhân lực số.
Cụ thể, về nhân lực số, Hòa Bình đề ra mục tiêu xây dựng các kế hoạch, chương trình đào tạo kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh.
Phối hợp với Bộ TT&TT, các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức những kiến thức về chuyển đổi số,...
Đặc biệt, bồi dưỡng quản trị mạng nội bộ và bảo mật, an toàn, an ninh thông tin. Ngoài ra, tổ chức hội nghị, hội thảo về chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, an toàn thông tin...
Duy trì và nâng cấp hệ thống Trung tâm giám sát an toàn thông tin (SOC) của tỉnh; mở rộng phạm vi, nâng cao chất lượng, mức độ giám sát và bảo vệ cho 100% hệ thống thông tin của cơ quan, đơn vị.
Áp dụng hệ thống quản lý an toàn thông tin mạng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật (TCVN 11930:2017) đáp ứng yêu cầu triển khai đầy đủ các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin mạng theo mô hình 4 lớp theo Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 07/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Tổ chức triển khai kế hoạch dự phòng, sao lưu dữ liệu, bảo đảm hoạt động liên tục của cơ quan, tổ chức; sẵn sàng khôi phục hoạt động bình thường của hệ thống sau khi gặp sự cố mất an toàn thông tin mạng.
Xây dựng và triển khai kế hoạch tổ chức tuyên truyền, đào tạo nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin cho các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân; Tổ chức tối thiểu 1 cuộc diễn tập, thực chiến an toàn thông tin mạng.
Trong Chiến lược An toàn, An ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030 trên địa bàn tỉnh, Hòa Bình đặt mục tiêu đến năm 2025, nâng cao năng lực, thứ hạng về an toàn, an ninh mạng của tỉnh.
Hình thành lực lượng bảo đảm an toàn, an ninh mạng tại các Sở, ban ngành, cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và các doanh nghiệp nhà nước; đảm bảo mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước có đầu mối chịu trách nhiệm về công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng...
Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện các nhiệm vụ về an toàn thông tin, an ninh mạng trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp triển khai thực hiện các nhiệm vụ về an toàn thông tin, an ninh mạng tại Kế hoạch này.
Trong đó, Sở chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án đào tạo, phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin mạng.