Hòa Bình đẩy mạnh xuất khẩu nông sản
Năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Hòa Bình đạt 9,6%. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 2 tỷ USD. Đặc biệt, trong 3 tháng đầu năm 2025, tăng trưởng kinh tế đạt 12,76%, cao nhất từ trước đến nay.

Công nhân đang đóng bưởi vào túi lưới để chuẩn bị xuất khẩu.
Đáng chú ý, ngành nông nghiệp trở thành trụ đỡ quan trọng, xuất khẩu nông sản phát triển bứt phá, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế bền vững của tỉnh…
Nông sản của tỉnh Hòa Bình đã xuất khẩu tới nhiều thị trường quốc tế, với tổng giá trị hơn 555 tỷ đồng năm 2024. Đây là thành công lớn mà không phải tỉnh miền núi nào cũng có thể đạt được.
Tiếp cận thị trường bằng chất lượng sản phẩm
Xác định sản xuất nông nghiệp hướng đến mục tiêu xuất khẩu để nâng cao giá trị kinh tế, tỉnh Hòa Bình với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, đã chủ động đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ, xây dựng thương hiệu và nâng cao chất lượng sản phẩm. Không chỉ tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh, các cơ quan chức năng đã xây dựng kế hoạch, chủ động kết nối với các doanh nghiệp nước ngoài để hỗ trợ các doanh nghiệp của tỉnh gặp gỡ, mở rộng thị trường.
Với nỗ lực của các cấp chính quyền, các doanh nghiệp và cộng đồng xã hội, từ năm 2022 đến nay, nhiều mặt hàng như: bưởi đỏ (huyện Tân Lạc), bưởi Diễn (huyện Yên Thủy), mía tươi (huyện Tân Lạc), măng tươi (huyện Kim Bôi, cam (huyện Cao Phong), nhãn Sơn Thủy (huyện Kim Bôi), chè Sông Bôi (huyện Lạc Thủy)… đã xuất khẩu thành công, lợi nhuận cao, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản, thúc đẩy sản xuất an toàn, phát triển hiệu quả các chuỗi liên kết sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGap, Global Gap, tăng thu nhập cho người dân.

Lãnh đạo tỉnh Hòa Bình và doanh nghiệp cắt băng xuất khẩu lô mía tươi đầu tiên sang thị trường Hoa Kỳ vào tháng 3/2023.
Năm 2023, đánh dấu sự kiện quan trọng khi tỉnh Hòa Bình tổ chức lễ xuất lô hàng 20 tấn mía tươi đầu tiên sang thị trường Mỹ. Nguyên liệu được thu mua tại xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn.
Đây là tiền đề để các doanh nghiệp biết đến nông sản hàng hóa của tỉnh, tìm hiểu các kênh phân phối, tiếp tục mở rộng thị trường với các sản phẩm mới.
Năm 2024, các sản phẩm nông sản chủ lực như cam, bưởi, gỗ, hạt gia vị... đã được hàng chục doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư, chế biến xuất khẩu. Nông sản xuất khẩu của tỉnh được nhiều thị trường chấp nhận, trong đó có những thị trường khó tính như Hoa Kỳ, EU, Trung Đông, Ấn Độ...
Từ đầu năm 2025 đến nay có 8 cơ sở xuất khẩu, tổng sản lượng trên 12.509 tấn, đạt giá trị hơn 93 tỷ đồng. Trong đó có 3 doanh nghiệp lâm sản xuất khẩu 12.209 tấn sản phẩm đạt gần 79 tỷ đồng, và 5 cơ sở xuất khẩu nông sản với tổng sản lượng 300 tấn thu về khoảng 14,18 tỷ đồng.
Đáng lưu ý trong đó, có 66 tấn măng các loại xuất khẩu sang Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc; 136,7 tấn rau củ muối sang thị trường Nhật Bản; 20 tấn sản phẩm chè, cháo sen Bát Bảo sang các thị trường Hàn Quốc; 53 tấn sang thị trường Anh, Mỹ, EU, đạt giá trị hơn 800 triệu đồng; 25 tấn cam trị giá hơn 600 triệu đồng sang thị trường Malaysia.
Nhờ tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định song phương và đa phương, trong đó có Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA), nhiều loại trái cây đặc sản như cam Cao Phong, quýt Cao Phong, bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi Diễn và các đặc sản khác như mật ong, miến dong, tinh bột nghệ, chanh đào, trà giảo cổ lam… đã có mặt tại thị trường Anh quốc thông qua Công ty cổ phần R.Y.B (Hòa Bình).
Giám đốc Công ty cổ phần R.Y.B Nguyễn Thị Thanh Hương đánh giá, các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Hòa Bình có tiềm năng xuất khẩu rất lớn, nhất là sản phẩm cây có múi như cam Cao Phong, bưởi Diễn, bưởi ruột đỏ. Trong năm thứ ba, doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu bưởi ruột đỏ và bưởi Diễn, các sản phẩm này đã được người tiêu dùng tại hai thị trường khó tính là Anh và Mỹ chấp nhận.
Với phương châm, xuất khẩu không chỉ tạo ra nguồn tài chính ổn định, mà còn giúp nông dân thay đổi tư duy canh tác, từ bỏ tập quán lạc hậu, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp đã đồng hành, gắn bó với người nông dân từ khâu giống, chăm sóc, bảo vệ thực vật đến thu hoạch, chế biến sản phẩm.
Năm 2025, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch tiêu thụ hơn 500 tấn nông sản. Cùng với việc đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường truyền thống, Công ty R.Y.B sẽ mở rộng sang các thị trường mới như Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Lào và các quốc gia Hồi giáo.

Lãnh đạo sở, ngành và Công ty cổ phần R.Y.B chuyển hàng cháo sen Bát Bảo lên xe xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc.
Tăng sức cạnh tranh để xuất khẩu
Trao đổi với phóng viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hòa Bình Nguyễn Huy Nhuận cho biết, ngành nông nghiệp phấn đấu đến năm 2030, đạt kim ngạch xuất khẩu nông sản chủ lực 138 triệu USD, trong đó tập trung vào các thị trường lớn như: Mỹ, EU, Anh, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Để đạt được mục tiêu đó, cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng năng lực cạnh tranh, tỉnh đã xây dựng các đề án hỗ trợ sản xuất, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, tăng cường xúc tiến thương mại và hỗ trợ các vùng sản xuất cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi, cơ sở đóng gói, chế biến nông sản và tập huấn cho doanh nghiệp sản xuất quy định từ phía nhập khẩu.
Trước đây, thế mạnh xuất khẩu chủ yếu của Hòa Bình là sản phẩm từ cây sắn, măng tre, lạc... Đến nay, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, sự nỗ lực của ngành nông nghiệp cùng sự tham gia hiệu quả của các doanh nghiệp, nhiều nông sản đã bắt nhịp môi trường cạnh tranh, thâm nhập mạnh mẽ vào thị trường thế giới.
Xác định được vị trí thuận lợi để vận chuyển và tiềm năng về chất lượng sản phẩm nông nghiệp tỉnh Hòa Bình, Công ty HAGIMX đang tiến hành xây dựng nhà máy sản xuất nông sản, rau quả tại địa phương. Chủ tịch công ty Nguyễn Tiến Anh cho biết, năm 2024 doanh nghiệp đã xuất khẩu được hơn 10 triệu USD hàng nông sản vào các thị trường quốc tế, trong đó có các thị trường khó tính như EU và Mỹ. Năm 2025, doanh nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu 17 triệu USD.
Cùng với việc tiêu thụ tốt sản phẩm nông nghiệp, công ty đã cùng với các địa phương xây dựng chuỗi liên kết ổn định, xây dựng thương hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể… nhằm biến những sản phẩm phổ thông thành cây đặc sản. Từ đó, tập trung đầu tư, cải thiện phong cách sản xuất, nâng cao chất lượng cạnh tranh để các sản phẩm nông sản của tỉnh vươn ra thị trường thế giới.

Đóng hộp nhãn Sơn Thủy (Kim Bôi) xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Theo Chi Cục trưởng Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Hòa Bình Nguyễn Hồng Yến, cùng với sản phẩm sắn (xuất khẩu chủ lực), ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình đã tập trung đẩy mạnh, nâng cao chất lượng các loại cây trồng ngắn ngày có giá trị như rau quả, cây mía, cây hương liệu để xuất khẩu đến các thị trường mới như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, khu vực Trung Đông...
Nhờ đầu tư đúng hướng, năm 2024, tỉnh đã xuất khẩu được hơn 42.000 tấn nông, lâm sản với tổng giá trị hàng hóa khoảng 555 tỷ đồng. Những mặt hàng đã có mặt tại thị trường quốc tế gồm: sắn, gỗ, quế, mía, chè, cháo, măng, lạc, bưởi, ớt muối, rau củ muối các loại...
Năm 2024, ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Trong đó, tốc độ tăng trưởng GRDP ngành nông, lâm, thủy sản ước đạt 3,25%; giá trị sản xuất ước đạt khoảng 13,9 nghìn tỷ đồng. Công tác quản lý chất lượng, an toàn nông, lâm, thủy sản; quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu nông sản được thực hiện hiệu quả.
Năm 2025, tỉnh đặt ra mục tiêu với tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 4,3%; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt khoảng 14,5 nghìn tỷ đồng. Trong đó, tập trung phát triển các loại cây trồng chủ lực, có giá trị xuất khẩu cao, xây dựng các vùng nguyên liệu lâm sản, đẩy mạnh liên kết, tiêu thụ sản phẩm nông sản, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế địa phương ổn định, bền vững...
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/hoa-binh-day-manh-xuat-khau-nong-san-post872161.html