Hòa Bình: Đề nghị kéo dài thời gian sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư đến hết năm 2026
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng - Phó Trưởng Đoàn giám sát, Trưởng đoàn công tác, đã tổ chức khảo sát, làm việc tại tỉnh Hòa Bình về việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021.
Thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, tỉnh Hòa Bình đã sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số, đơn vị hành chính huyện Kỳ Sơn vào thành phố Hòa Bình. Thành phố Hòa Bình mới có diện tích tự nhiên trên 348km2, dân số trên 135.700 người, có 19 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc bao gồm: 12 phường và 7 xã. Để đảm bảo chất lượng đô thị, UBND thành phố Hòa Bình đã lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2045, trong đó phấn đấu đến năm 2025 đạt các tiêu chí của đô thị loại II.
Đánh giá cao nỗ lực của thành phố Hòa Bình trong thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính xã phường, tuy nhiên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị thành phố làm rõ phương án sắp xếp đối với 38 cán bộ dôi dư, đồng thời đề xuất các kiến nghị để giải quyết vấn đề này.
Ông HOÀNG THANH TÙNG - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trao đổi: "Theo đề án của Chính phủ có 2 năm để sắp xếp cán bộ, nhưng theo Nghị quyết 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là 5 năm. Các đồng chí cho rằng 5 năm không đủ mà đề nghị kéo dài thời gian hơn 5 năm. Vậy tại sao lại phải kéo dài? Vướng mắc, tâm tư nguyện vọng của cán bộ dôi dư như thế nào?".
Bà VŨ THỊ LIÊN - Trưởng Phòng Nội vụ thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình cho biết: “Số công chức cấp xã là những người trẻ tuổi, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, vì vậy cho họ nghỉ theo Nghị định 108 là rất đáng tiếc. Do vậy, đề nghị kéo dài thời gian sắp xếp dôi dư để có thời gian bố trí cán bộ, đáp ứng nguyện vọng của cán bộ công chức cấp xã”.
Ông NGÔ NGỌC ĐỨC - Bí thư Thành ủy Thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình chia sẻ: “Khó khăn nhất là công tác sắp xếp cán bộ dôi dư, khi điều chuyển lên tỉnh có những quy định cụ thể khó đáp ứng. Nhiều cán bộ cấp phó dôi dư không biết bố trí như thế nào. Đây là sự thiệt thòi cho các cán bộ công chức ở các đơn vị sáp nhập”.
UBND thành phố Hòa Bình đề nghị kéo dài thời gian sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính đến hết năm 2026. Đồng thời, tăng số lượng cán bộ, công chức cấp xã ở những đơn vị hành chính mới nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động cho các đơn vị này, đáp ứng yêu cầu phục vụ người dân.
Cũng tại buổi làm việc, thành phố Hòa Bình đề xuất sửa đổi Nghị quyết số 1210 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo đó, đối với tiêu chuẩn đô thị loại II ở miền núi, vùng cao, có đường biên giới quốc gia, tiêu chí quy mô về dân số có thể thấp hơn nhưng tối thiểu đạt 70% mức quy định, các tiêu chí khác tối thiểu đạt 80% mức quy định của loại đô thị tương ứng; đề xuất sửa đổi tiêu chí về mật độ dân số theo hướng đối với dân số của đô thị miền núi áp dụng 50% mức quy định tối thiểu; đề xuất giảm tiêu chuẩn đất cây xanh công cộng khu vực nội thị đối với đô thị miền núi.
Thực hiện : Thùy Linh Sỹ Cường