Hòa Bình: Dự án 330 tỷ mở rộng không gian đô thị vẫn vướng mặt bằng
Tuyến đường chỉ dài khoảng 2,5km nhưng là đoạn kết nối quan trọng giữa vùng trung tâm huyện Lương Sơn (Hòa Bình) với khu công nghiệp Nhuận Trạch diện tích 213 hecta chuẩn bị khởi công xây dựng.
Kỳ vọng đột phá từ mở đường
Lãnh đạo UBND huyện Lương Sơn cho biết, dự án đường từ quốc lộ 6 đến khu công nghiệp Nhuận Trạch, huyện Lương Sơn được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt dự án tại Quyết định số 2109 và phê duyệt điều chỉnh dự án tại Quyết định số 2246 với tổng chiều dài tuyến 2,52km (Điểm đầu tuyến giao với quốc lộ 6 tại lý trình Km 39+900 thuộc địa phận thị trấn Lương Sơn; Điểm cuối Km 2+526 nối với Khu công nghiệp Nhuận Trạch thuộc địa phận xã Nhuận Trạch).
Ban đầu dự án được đầu tư với chiều dài 1,5km, tổng mức đầu tư là 140 tỷ đồng. Sau đó, để đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương dự án đã được điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư lên 330 tỷ đồng, nâng chiều dài tuyến lên thêm 1km nữa.
"KCN Nhuận Trạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2022 với tổng mức đầu tư gần 2.400 tỷ đồng, quy mô 213,6ha nằm trên địa bàn 2 xã Nhuận Trạch và Cư Yên. Đây là KCN có quy mô lớn nhất của địa phương dự kiến khởi công xây dựng trong Quý III/2024. KCN Nhuận Trạch có quy mô gần gấp 3 lần KCN Lương Sơn, đường sá thuận tiện, tiếp giáp với Hà Nội nên sau khi đi vào hoạt động sẽ tạo ra được hàng chục nghìn việc làm cho người dân địa phương và các tỉnh lân cận", lãnh đạo UBND huyện Lương Sơn thông tin.
Theo lãnh đạo huyện Lương Sơn, tuyến đường được đầu tư sẽ tạo điều kiện kết nối đồng bộ hệ thống giao thông từ quốc lộ 6, đường Hồ Chí Minh kết nối với KCN Nhuận Trạch và các khu nhà ở, dân cư, khu đấu giá đang được hình thành triển khai thực hiện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Sau khi đường hoàn thành sẽ tạo tiền đề phát triển không gian, cảnh quan kiến trúc đô thị khu vực, tạo quỹ đất phát triển hạ tầng, từng bước hoàn thành quy hoạch khu vực thị trấn Lương Sơn, huyện Lương Sơn. Phấn đấu, xây dựng xã Nhuận Trạch trở thành địa giới hành chính cấp Phường, khi Lương Sơn trở thành thị xã sau năm 2025, cải thiện rõ rệt đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của Nhân dân trong khu vực dự án...
Ông Nguyễn Tiến Việt, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Lương Sơn cho biết: Hiện tại trên tuyến đã giải phóng mặt bằng được khoảng 1,8km, đơn vị thi công đã thực hiện hoàn thiện các hạng mục cầu qua sông Bùi, hạ tầng kỹ thuật, nền và thảm mặt đường bê tông nhựa, hệ thống rãnh dọc, hào kỹ thuật, hoàn thiện các cống ngang qua đường, lắp đặt các hệ thống đèn chiếu sáng và đang triển khai trồng cây xanh tạo cảnh quan... Tổng khối lượng thi công ước đạt 75%.
Gặp khó vì vướng mặt bằng
Để thực hiện dự án, huyện Lương Sơn phải thu hồi, đền bù giải phóng mặt bằng với diện tích là 11,24 hecta. Phần đất này thuộc sở hữu của 209 hộ dân và 2 tổ chức ở 2 địa phương là thị trấn Lương Sơn và xã Nhuận Trạch.
Đại diện Ban QLDA huyện Lương Sơn cho biết: Khối lượng còn lại cần phải giải phóng mặt bằng là khoảng 0,73km, bao gồm: 100m đầu tuyến vướng 8 hộ dân ở thị trấn Lương Sơn cần phải di dời tái định cư.
Tại xã Nhuận Trạch còn lại 630m chưa có mặt bằng triển khai thi công, các đoạn chưa có mặt bằng chủ yếu tập trung tại các vị trí giữa và cuối tuyến.
Theo báo cáo của UBND huyện Lương Sơn, đến thời điểm này, hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng của huyện Lương Sơn đã chi trả tiền bồi thường GPMB cho 185 hộ với tổng số tiền là 38,1 tỷ đồng, tương đương với 9,76ha (chiếm 86,8%).
Ông Nguyễn Chu Lăng, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Lương Sơn cho biết: Hiện nay còn vướng 8 hộ ở thị trấn Lương Sơn có nhà ở, đất ở sát quốc lộ 6 mà trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thể hiện là đất hành lang giao thông. Đơn vị trích đo đang thực hiện điều chỉnh bản đồ trích đo thực hiện dự án.
Còn tại xã Nhuận Trạch, tuy đã kiểm kê và áp giá bồi thường xong nhưng vẫn còn 16 hộ chưa nhận tiền đền bù. Trong đó, có 6 đơn về giá đất bồi thường, hỗ trợ đối với đất đai, tài sản, cây cối chưa phù hợp, chưa sát với giá thị trường, giá đất khu tái định cư (nơi ở mới) cao nên đề nghị các cơ quan nhà nước xem xét nâng giá bồi thường, hỗ trợ sát với giá thực tế hiện nay; 1 đơn khiếu nại về việc trích đo bị thiếu hụt hơn 800m2 đất so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Hiện UBND huyện đã giao cơ quan chuyên môn phối hợp với các hộ, cơ quan liên quan để trả lời, giải quyết theo quy định.
Riêng trường hợp của hộ gia đình ông Đường Văn D (ở xã Nhuận Trạch) khi tiếp nhận đơn, huyện đã tổ chức đoàn xuống đo lại theo mốc ranh giới với sự chứng kiến của gia đình. Tuy nhiên, các hộ có đất tiếp giáp lại không đồng ý đo lại theo mốc gia đình ông D nói, dẫn đến không thực hiện đo đạc được.
Trường hợp này, gia đình ông D phải làm việc với các chủ đất bên cạnh để thống nhất mốc giới, nếu các bên không thể thống nhất phải nhờ UBND xã hoặc cao hơn là tòa án phân định.
Lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Lương Sơn cho biết: Dự án được khởi công từ năm 2022, do công tác giải phóng mặt bằng gặp khó khăn và tỉnh điều chỉnh quy mô dự án nên kéo dài thời gian thi công đến năm 2025.
Nhà thầu là Công ty TNHH Việt Hà đã thi công cơ bản hoàn thiện các đoạn được bàn giao mặt bằng. Đối với những đoạn còn vướng, nếu được bàn giao thì ngay trong năm nay chúng tôi sẽ hoàn thành đưa tuyến đường vào khai thác.
Huyện Lương Sơn có nhiều thuận lợi khi được tỉnh Hòa Bình xác định là hạt nhân vùng động lực kinh tế của tỉnh, có hệ thống hạ tầng giao thông thuận lợi với nhiều tuyến đường quan trọng như quốc lộ 6, 21A, đường Hồ Chí Minh… đi qua. Những năm qua, huyện này chú trọng công tác quy hoạch, chỉ đạo cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp nhằm tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế bền vững. Huyện có 3 khu công nghiệp (KCN) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, gồm các KCN: Lương Sơn, Nhuận Trạch, Nam Lương Sơn.