Hòa bình gắn liền với bình đẳng giới
Lễ công bố Kế hoạch Hành động khu vực ASEAN về phụ nữ, hòa bình và an ninh diễn ra vừa qua tại Thủ đô Phnom Penh, Campuchia được giới chuyên gia đánh giá là ghi những dấu mốc quan trọng để đảm bảo phụ nữ là nhân tố chính của sự thay đổi nhằm thúc đẩy xây dựng hòa bình, ngăn ngừa xung đột và phục hồi trong khu vực.
Thúc đẩy vai trò và sự tham gia toàn diện của phụ nữ
Kế hoạch được đưa ra bởi ASEAN hợp tác với Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) và Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women). Kế hoạch hành động đã được các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua trong Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40 và 41 diễn ra vào tháng 11/2022. Trong đó, tập trung vào 4 vấn đề nghị sự chính gồm bảo vệ, tham gia, phòng ngừa và phục hồi của phụ nữ, đồng thời thực hiện điều phối, báo cáo, giám sát và đánh giá.
Tuyên bố chung của ASEAN, USAID và UN Women cho hay, kế hoạch hành động này sẽ thúc đẩy cam kết đối với chương trình nghị sự về an ninh và hòa bình của phụ nữ, đặc biệt là sẽ cam kết thành hành động. Tuyên bố chung cũng kêu gọi các nước ASEAN cam kết thực hiện kế hoạch.
Bộ trưởng Bộ Các vấn đề phụ nữ của Campuchia Kantha Phavi nhìn nhận, đây là một bước tiến quan trọng để thực hiện tầm nhìn ASEAN trong việc đạt được bình đẳng giới. Kế hoạch hành động này cũng thúc đẩy vai trò và sự tham gia của phụ nữ trên tất cả các lĩnh vực hòa bình và an ninh. Có thể thấy, kế hoạch bao trùm từ nỗ lực ngăn ngừa xung đột, xây dựng hòa bình, ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan bạo lực đến giải quyết các rủi ro an ninh mới nổi như thảm họa, thiên tai và đại dịch trong khu vực. “Đây là điều bắt buộc phải thực hiện để đạt được mục tiêu của chúng ta trở thành cộng đồng bao trùm và tập trung vào người dân”, bà Phavi nói và nhấn mạnh thêm, nội dung kế hoạch cũng bao trùm mục tiêu xây dựng một cộng đồng toàn diện lấy người dân làm trung tâm. Trong đó, ASEAN cam kết tiếp tục thúc đẩy các chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh.
Bình luận về kế hoạch hành động này, giới chuyên gia chính trị quốc tế đánh giá, kế hoạch là một bước đi quan trọng hướng tới các nỗ lực của ASEAN nhằm đảm bảo 10 quốc gia thành viên đều công nhận và thúc đẩy sự tham gia, cũng như lãnh đạo của phụ nữ trong việc ngăn chặn xung đột, xây dựng và duy trì hòa bình trong khu vực.
Theo giới chuyên gia, kế hoạch hành động này kế thừa những nỗ lực trước đây, gồm: Tuyên bố chung về thúc đẩy phụ nữ, hòa bình và an ninh năm 2017; Sổ đăng ký phụ nữ vì hòa bình ASEAN năm 2018; Nghiên cứu khu vực ASEAN về phụ nữ, hòa bình và an ninh năm 2021. Cả ba cột mốc này đều được USAID và UN Women hỗ trợ.
Cột mốc quan trọng
Làm rõ hơn ý chí hiện thực hóa kế hoạch, Đại sứ Mỹ tại ASEAN Yohannes A. Abraham khẳng định, Chính phủ Mỹ mong muốn tiếp tục hợp tác với ASEAN các đối tác đối thoại khác và các đối tác phát triển để thúc đẩy và tăng cường vai trò quan trọng của sự tham gia của phụ nữ trong việc thúc đẩy hòa bình và an ninh khu vực.
Ông Abraham cũng cho biết, dưới sự phối hợp của USAID đồng chủ trì cuộc họp khai mạc Hội nghị Bộ trưởng ASEAN - Mỹ về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, quan hệ đối tác của chúng tôi với ASEAN ngày càng sâu sắc với Kế hoạch Hành động khu vực về phụ nữ, hòa bình và an ninh.
“Kế hoạch đại diện cho một cột mốc quan trọng để đảm bảo phụ nữ là nhân tố chính của sự thay đổi nhằm thúc đẩy xây dựng hòa bình, ngăn ngừa xung đột và phục hồi trong khu vực. Đồng thời đánh dấu một bước cần thiết để thực hiện các kế hoạch hành động cấp quốc gia nhằm mở rộng và tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào hoạch định chính sách cho các vấn đề hòa bình và an ninh” - ông Abraham nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, bà Sarah Knibbs - Giám đốc khu vực châu Á và Thái Bình Dương của UN Women cho biết, Chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh được thành lập với một ý tưởng đơn giản nhưng nhằm mục đích đưa hòa bình về cơ bản gắn liền với sự bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới.
“Kế hoạch đưa ra một khuôn khổ quan trọng cho việc thực hiện hòa bình toàn diện và bền vững hơn trong khu vực”, bà Knibbs nói và cho biết thêm, kế hoạch sẽ tạo ra một khuôn khổ quan trọng để hiện thực hóa hòa bình toàn diện và bền vững hơn trong khu vực ASEAN và là điểm khởi đầu để lồng ghép vào quá trình ra quyết định về hòa bình và an ninh trong khu vực, bao gồm các hoạt động gìn giữ hòa bình và tăng cường an ninh phi truyền thống, cũng như những mối đe dọa có nguy cơ phá hoại hòa bình và an ninh trong khu vực.
Theo bà Vicky Singmin - Đại biện lâm thời của Canada tại ASEAN, chương trình nghị sự vừa được công bố là ưu tiên chung của Canada và ASEAN. Kế hoạch là yếu tố cốt lõi trong chính sách hỗ trợ quốc tế về nữ quyền của Canada nhằm đạt được mục tiêu bền vững toàn cầu, hòa bình và giảm bất bình đẳng.
Bà Singmin khẳng định, Canada rất vui vì sự hỗ trợ của nước này đã góp phần xây dựng kế hoạch hành động khu vực mang tính lịch sử. Nỗ lực này cũng sẽ mở ra cánh cửa cho những người phụ nữ xây dựng hòa bình trong khu vực. Cũng theo bà Singmin, Canada sẽ tổ chức một loạt hội nghị đối thoại phụ nữ, hòa bình và an ninh với ASEAN vào năm 2023 với mong muốn tạo nền tảng cho các cuộc thảo luận về việc thực hiện chương trình nghị sự và các ưu tiên khác như nâng cao vai trò của phụ nữ trong lãnh đạo chính trị.
Nhiều năm qua, Việt Nam luôn được cộng đồng quốc tế và giới chuyên gia khẳng định là lá cờ tiên phong trong các nỗ lực tiến bộ của ASEAN. Từ thực tế cho thấy, Việt Nam luôn coi trọng vai trò của phụ nữ trong xây dựng, củng cố hòa bình và an ninh. Điều này thể hiện ở các nỗ lực của Việt Nam trong việc hình thành và hiện thực hóa các biện pháp bảo đảm quyền phụ nữ, tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia vào các quá trình ra quyết định, phát huy vai trò trong xử lý các rủi ro và thách thức đe dọa đến hòa bình bền vững của khu vực.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/hoa-binh-gan-lien-voi-binh-dang-gioi-post457105.html