Hòa bình - Khát vọng thiêng liêng của nhân loại

Trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại, hòa bình luôn là khát vọng thiêng liêng và bất tận. Đó không chỉ là trạng thái không có chiến tranh, mà còn là điều kiện tiên quyết để mọi dân tộc phát triển bền vững, để con người có thể sống, học tập, lao động và yêu thương...

Trải qua bao thăng trầm, nhất là trong thế kỷ XX đầy biến động với hai cuộc chiến tranh thế giới và hàng loạt cuộc xung đột khu vực, nhân loại đã rút ra một chân lý không thể chối cãi: chiến tranh chưa bao giờ là lối thoát - hòa bình mới là đích đến.

Trong thời khắc đất nước kỷ niệm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta không chỉ tưởng nhớ quá khứ với niềm tự hào, mà còn chiêm nghiệm sâu sắc về con đường mà dân tộc đã đi qua để giành lại hòa bình - một hành trình đẫm máu, nhưng cũng đầy bản lĩnh, nghị lực và khát vọng sống.

Trong những năm qua, lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực, được LHQ và bạn bè quốc tế công nhận và đánh giá cao.

Trong những năm qua, lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực, được LHQ và bạn bè quốc tế công nhận và đánh giá cao.

Thực tế đã cho thấy, chiến tranh, dưới bất kỳ hình thức nào, luôn đi kèm với những hệ lụy khôn lường. Không chỉ tàn phá cơ sở vật chất, chiến tranh còn để lại những vết thương tinh thần kéo dài qua nhiều thế hệ.

Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), năm 2024, tổng chi tiêu quân sự toàn cầu vượt mức 2.300 tỷ USD - con số đủ để giải quyết nạn đói trên toàn thế giới hàng chục lần. Nhưng thay vì được đầu tư cho y tế, giáo dục hay môi trường, những nguồn lực đó đang bị cuốn vào vòng xoáy chạy đua vũ trang và can thiệp quân sự. Trong bức tranh đầy biến động đó, không khó để nhận ra những mảnh đời bị cuốn trôi giữa dòng xoáy bạo lực. Từ những thành phố đổ nát ở Ukraine, Dải Gaza, Sudan đến Yemen, Lebanon, Myanma…, hàng chục triệu người đã buộc phải rời bỏ nhà cửa, trở thành nạn nhân của các cuộc chiến mà họ không hề lựa chọn.

Báo cáo mới nhất của Cao ủy Liên hợp quốc (LHQ) về người tị nạn (UNHCR) cho biết, thế giới hiện có hơn 114 triệu người phải di tản - con số cao nhất trong lịch sử hiện đại. Trong các cuộc xung đột này, thường dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, luôn là những người chịu thiệt thòi nhất.
Với Việt Nam, trải nghiệm quá khứ càng làm sâu sắc thêm nhận thức về hòa bình. Một đất nước từng trải qua gần ba thập niên chiến tranh liên miên, với hàng triệu sinh mạng bị cướp đi, hàng triệu hecta đất đai bị tàn phá và hậu quả chiến tranh vẫn còn dai dẳng đến ngày hôm nay. Nhưng cũng chính từ những mất mát ấy, dân tộc Việt Nam đã xây dựng nên một nền văn hóa hòa bình - coi hòa giải, bao dung và hợp tác là nền tảng phát triển.

Trẻ em ở phía Nam Dải Gaza bỏ chạy sau một cuộc không kích của Israel.

Trẻ em ở phía Nam Dải Gaza bỏ chạy sau một cuộc không kích của Israel.

Sau ngày 30/4/1975, Việt Nam bước vào một chặng đường mới với vô vàn khó khăn. Nhưng bằng ý chí độc lập tự chủ và chính sách đối ngoại hòa bình, Việt Nam đã từng bước khẳng định vị thế là một đối tác tin cậy, là thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế. Không phải ngẫu nhiên mà trong gần một thập niên qua, Việt Nam đã tham gia Phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ tại Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi; đã nhiều lần đóng vai trò nước chủ nhà cho các hội nghị quốc tế, là điểm đến cho đối thoại thay vì đối đầu. Từ APEC, WEF ASEAN, tới Thượng đỉnh Mỹ - Triều 2019, Việt Nam cho thấy hình ảnh một quốc gia không chỉ khao khát hòa bình mà còn thực sự hành động vì hòa bình.

Trong bối cảnh đó, thông điệp “hòa bình là đích đến” càng trở nên có ý nghĩa. Bởi lẽ, trong thế giới ngày nay, hòa bình không còn là điều hiển nhiên - mà là một lựa chọn có ý thức. Khi cạnh tranh nước lớn ngày càng gay gắt, khi chủ nghĩa dân tộc, biệt lập, chủ nghĩa cường quyền trỗi dậy, thì việc giữ gìn hòa bình đòi hỏi nhiều hơn những lời hô hào. Nó cần bản lĩnh chính trị, sự bao dung về đạo lý và một tầm nhìn chiến lược lâu dài.

Nhiều nhà nghiên cứu chính trị quốc tế cho rằng, sự bất ổn hiện nay một phần đến từ khủng hoảng lòng tin giữa các quốc gia, sự suy yếu của các thiết chế đa phương và sự gia tăng những hành động đơn phương vi phạm luật pháp quốc tế.

Trong bối cảnh đó, việc giữ gìn hòa bình đòi hỏi phải phục hồi vai trò của LHQ, củng cố luật pháp quốc tế và thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao chân thành, dựa trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau. Đối thoại thay vì đối đầu, hợp tác thay vì cạnh tranh vị kỷ - đó là con đường duy nhất để thoát khỏi vòng xoáy bạo lực.

Và cũng cần nhấn mạnh rằng, gìn giữ hòa bình không thể chỉ là nhiệm vụ của các nguyên thủ quốc gia hay những nhà ngoại giao chuyên nghiệp. Đó còn là trách nhiệm của mỗi người dân - từ hành vi ứng xử trong đời sống thường nhật, đến thái độ trước các vấn đề xã hội. Một xã hội nuôi dưỡng lòng khoan dung, đề cao đối thoại và nhân văn chính là nền tảng vững chắc cho một nền hòa bình dài lâu.

Trẻ em nhận thức ăn từ các tổ chức phi chính phủ và tổ chức xã hội sau vụ hỏa hoạn tại một trại tị nạn ở Ukhia, Cox’s Bazar, Bangladesh ngày 24/3/2021 - Ảnh: Getty Images

Trẻ em nhận thức ăn từ các tổ chức phi chính phủ và tổ chức xã hội sau vụ hỏa hoạn tại một trại tị nạn ở Ukhia, Cox’s Bazar, Bangladesh ngày 24/3/2021 - Ảnh: Getty Images

Với các quốc gia nhỏ và đang phát triển như Việt Nam, hòa bình càng là điều kiện tiên quyết để không bị cuốn vào vòng xoáy địa chính trị hay bị biến thành “chiến địa” của các cường quốc. Đó là lý do vì sao việc kiên trì chính sách quốc phòng “bốn không” - không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống nước kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực - trở nên ngày càng thiết yếu. Đây không chỉ là một cam kết chiến lược mà còn là biểu hiện sinh động cho bản lĩnh giữ vững độc lập, tự chủ và chủ quyền quốc gia.

Nhìn rộng ra, hơn bao giờ hết, thế giới cần một “nền văn hóa hòa bình” - như tuyên bố của Đại hội đồng LHQ năm 1999 - trong đó giáo dục, truyền thông, phát triển bền vững, quyền con người và bình đẳng giới là những trụ cột không thể thiếu. Trong thế giới ấy, hòa bình không chỉ là sự vắng mặt của chiến tranh, mà còn là môi trường sống công bằng, nhân ái và ổn định cho các thế hệ tương lai.

Trong ngày 30/4 - ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, mỗi người dân Việt Nam càng có thêm trân trọng giá trị hòa bình. Đó không chỉ là thành quả thiêng liêng của bao thế hệ đã ngã xuống, mà còn là cam kết liên thế hệ mà chúng ta phải tiếp nối. Bởi nếu chiến tranh là bài học cay đắng, thì hòa bình chính là lời thề chung, là đích đến mà nhân loại không thể chối từ.

Khổng Hà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/van-de-hom-nay-thoi-su/hoa-binh-khat-vong-thieng-lieng-cua-nhan-loai-i766713/