Hòa Bình: Nhiều diện tích lúa, hoa màu và vật nuôi bị thiệt hại do mưa lũ
Mưa lũ khiến hàng trăm diện tích lúa, hoa màu cùng hàng nghìn con vật nuôi tại tỉnh Hòa Bình bị thiệt hại.
Do ảnh hưởng của cơn bão số 2, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình từ 20h ngày 22/7 đến 15h ngày 24/7, lượng mưa từ các trạm đo mưa tự động đo được dao động từ 25 - 271mm (điểm mưa lớn nhất tại Cao Răm, huyện Lương Sơn đo được là 271mm) gây ngập lụt cục bộ một vài nơi.
Theo thống kê, mưa lớn làm sạt lở và ngập hơn 200 ngôi nhà, trong đó có gần 50 ngôi nhà tại TP Hòa Bình và huyện Mai Châu bị sạt lở; hơn 160 ngôi nhà tại huyện Lương Sơn bị ngập.
Mưa lớn cũng làm ngập hơn 600 ha lúa và hoa màu của người dân tại các huyện Đà Bắc, Mai Châu, Lương Sơn và TP Hòa Bình.
Ngoài ra, mưa lũ còn làm chết 3.400 con gia cầm, gia súc và hơn 3 tấn cá của người dân hai huyện Mai Châu và Lương Sơn. Mưa lũ cũng làm sạt lở hàng nghìn khối đất đá, ngập lụt tại các tuyến đường tỉnh lộ, đường liên xã, thôn tại các huyện Đà Bắc, Mai Châu, Lương Sơn và TP. Hòa Bình.
Để tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai do ảnh hưởng của bão số 2 và mưa lũ sạt lở đất trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình yêu cầu các huyện, thành phố theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến của mưa lũ, các bản tin dự báo, cảnh báo của các cơ quan chuyên môn..., kịp thời hướng dẫn, thông tin đến các cấp chính quyền, người dân, khách du lịch để chủ động các biện pháp phòng, tránh phù hợp.
Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp chủ động phòng ngừa, hạn chế thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất. Huy động lực lượng xung kích phòng chống thiên tai, lực lượng tham gia bảo vệ trật tự ở cơ sở phối hợp với chính quyền cơ sở tổ chức rà soát, đánh giá lại các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, đá, lũ quét để có phương án chủ động sơ tán, kịp thời di dời người và tài sản đến nơi an toàn.
Đặc biệt, tổ chức lực lượng kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện qua các ngầm tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn.
Bên cạnh đó, chủ động triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm "bốn tại chỗ" để ứng phó với mọi tình huống; rà soát, kiểm tra, đảm bảo an toàn đối với các hầm mỏ, khu khai thác khoáng sản, hệ thống lưới điện không để xảy ra sự cố gây thiệt hại về người khi có mưa lớn.
Ngoài ra, phối hợp với các địa phương hướng dẫn công tác phục hồi sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi sau mưa lũ, đảm bảo ổn định sản xuất cho nhân dân; tổ chức trực ban nghiêm túc 24/7 để theo dõi sát tình hình, diễn biến thiên tai, chủ động tham mưu cho UBND tỉnh triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai.