Hòa Bình: Nhiều giải pháp nhằm tăng thu nội địa ngay từ đầu năm
Theo ông Vũ Hồng Long - Cục trưởng Cục Thuế Hòa Bình, tổng thu nội địa năm 2023 trên địa bàn tỉnh được 4.770 tỷ đồng, đạt 97% dự toán pháp lệnh, bằng 97,3% so với cùng kỳ. Để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách năm 2024, cục thuế tăng cường nhiều giải pháp nhằm tăng thu ngân sách ngay từ đầu năm.
9 khoản thu hoàn thành và vượt dự toán
Đánh giá kết quả thu nội địa, lãnh đạo Cục Thuế Hòa Bình cho biết, có 9/17 khoản thu hoàn thành và vượt dự toán. Cụ thể, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đạt 265,1% dự toán; thu cố định tại xã đạt 288,7%; thu khác ngân sách đạt 271,9%; thuê mặt đất, mặt nước đạt 191,1%; thu xổ số kiến thiết đạt 178%; đầu tư nước ngoài đạt 139,7; thuế công thương nghiệp ngoài quốc doanh đạt 133%; thu cấp quyền khai thác khoáng sản, khai thác tài nguyên nước đạt 124,3%; phí và lệ phí đạt 118%.
Có 8/17 khoản thu không hoàn thành dự toán: Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trung ương đạt 95,3%; thuế thu nhập cá nhân đạt 95,6%; DNNN địa phương đạt 94,7%; thuế bảo vệ môi trường đạt 75,9%; lệ phí trước bạ đạt 76,3%; thu cổ tức đạt 66,3%; thu tiền thuê và bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước 0%; thu tiền sử dụng đất đạt 74,5%.
Cục trưởng Cục Thuế Hòa Bình cho hay, năm 2023, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Tổng số giảm thu do ảnh hưởng của các cơ chế chính sách ban hành khoảng 499 tỷ đồng.
Theo ông Long, bên cạnh kết quả đạt được, công tác quản lý đối tượng, đánh giá nguồn thu, dự báo khả năng thu; dự báo số thuế phát sinh nộp NSNN của một số đơn vị chưa sát thực tế, đã ảnh hưởng tới việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành chung.
Công tác triển khai, thực hiện các dự án thu tiền sử dụng đất trên địa bàn gặp nhiều khó khăn; thị trường bất động sản trên địa bàn trầm lắng, nhu cầu giao dịch chuyển nhượng động sản hầu như không phát sinh; các doanh nghiệp kinh doanh động sản khó khăn về tài chính... nên chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với NSNN; công tác quản lý thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh, hoạt động thương mại điện tử còn nhiều hạn chế, vẫn còn một số ít đơn vị chưa quản lý đầy đủ số hộ kinh doanh, số thuế phát sinh, chưa kịp thời điều chỉnh mức doanh thu và thuế khoán sát với thực tế…
Trong đó, nguyên nhân chủ yếu giá cả đầu vào cho sản xuất kinh doanh tăng cao, nhất là giá nhiên liệu và vật liệu xây dựng cùng với thị trường tiêu thụ, xuất khẩu khó khăn nên đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Hỗ trợ người nộp thuế nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh
Để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2024, ông Long cho biết, cục thuế tiếp tục tập trung, triển khai công tác hỗ trợ người nộp thuế (NNT) nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh, đồng thời tăng cường quản lý ngân sách ngay từ tháng đầu, quý đầu.
Cùng với đó, thực hiện tốt các giải pháp nhằm tăng thu ngân sách; tập trung huy động các nguồn thu từ thuế, phí, đặc biệt quan tâm và đôn đốc thu nợ đọng thuế; thanh tra, kiểm tra chống thất thu ngân sách; chú trọng các nguồn thu từ đất và khai thác các nguồn thu từ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn.
Tiếp tục thực hiện các giải pháp về hiện đại hóa công tác quản lý thuế gắn với cải cách thủ tục hành chính để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ, tư vấn pháp luật về thuế cho cộng đồng doanh nghiệp và NNT.
Theo lãnh đạo Cục Thuế Hòa Bình, cục thuế tăng cường quản lý thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh, kiểm soát chống thất thu để quản lý đầy đủ về số hộ kinh doanh và số thuế nộp ngân sách; tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số; hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản; thu thuế xây dựng cơ bản tư nhân, triển khai chức năng Bản đồ số hộ kinh doanh theo kế hoạch của Tổng cục Thuế.
Đồng thời, nắm chắc diễn biến tình hình kinh tế-xã hội, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các NNT trên địa bàn để kịp thời tham mưu đề xuất các giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho NNT, hỗ trợ, tạo điều kiện để NNT khôi phục sản xuất kinh doanh trong tình hình mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu bền vững cho NSNN.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ NNT ở tất cả các khâu, các bộ phận, các lĩnh vực thông qua việc đổi mới phương thức, phát triển đa dạng, phong phú các hình thức tuyên truyền để nhiều nhóm đối tượng là NNT, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp, các doanh nghiệp siêu nhỏ, các hộ kinh doanh có điều kiện nắm bắt đầy đủ và thực hiện tốt các chính sách pháp luật thuế.
Tập trung vào các đối tượng có rủi ro cao về thuế
Theo ông Vũ Hồng Long, năm 2024, cục thuế tăng cường công tác kiểm tra, rà soát tính trung thực, chính xác của hồ sơ khai thuế nhằm phát hiện và yêu cầu giải trình đối với những hồ sơ có nghi vấn, trong đó tập trung vào các đối tượng có rủi ro cao về thuế như: doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, thương mại điện tử, khai thác khoáng sản, doanh nghiệp có giao dịch liên kết...