Hòa Bình: Phát huy vai trò 'nhạc trưởng' nâng cao chất lượng kỳ họp HĐND
Thành công của mỗi kỳ họp HĐND tỉnh Hòa Bình Khóa XVII phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: Công tác chuẩn bị các văn bản tài liệu, điều kiện cơ sở vật chất, hoạt động thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn, chất lượng dự thảo nghị quyết HĐND. Tuy nhiên, tất cả các yếu tố này chỉ phát huy được hiệu quả cao nhất khi có sự điều hành khoa học, sáng tạo, linh hoạt của Chủ tọa kỳ họp.
Kỳ họp HĐND là hoạt động chủ yếu để HĐND tỉnh thực hiện chức năng quyết định - một trong những chức năng quan trọng nhất của HĐND. Trên cơ sở xem xét kết quả thực hiện nhiệm vụ của hệ thống chính quyền, HĐND tỉnh sẽ bàn các giải pháp và quyết định các chủ trương nhằm phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng của địa phương.
Các chủ trương được cụ thể hóa bằng các nghị quyết HĐND tỉnh, như: nghị quyết chung về phát triển kinh tế - xã hội; nghị quyết về thu - chi ngân sách hoặc các nghị quyết chuyên đề về từng lĩnh vực cụ thể. Các nghị quyết HĐND là cơ sở pháp lý để UBND tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của địa phương. Chính vì vậy, kỳ họp HĐND tỉnh có ý nghĩa quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh.
Từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay, HĐND tỉnh Hòa Bình đã tổ chức thành công 18 kỳ họp. Tại các kỳ họp, công tác điều hành của Chủ tọa được thực hiện linh hoạt, khoa học, sắp xếp, bố trí thời gian hợp lý trong phiên chất vấn và thảo luận tại hội trường.
Chủ tọa kỳ họp đã thể hiện được vai trò định hướng, “dẫn dắt” để đại biểu thảo luận, chất vấn đúng trọng tâm, trọng điểm, đi sâu vào các vấn đề còn ý kiến khác nhau và những vấn đề được đông đảo cử tri và Nhân dân quan tâm. Vì vậy, hoạt động chất vấn và thông qua các nghị quyết tại kỳ họp đã được nâng cao, góp phần quan trọng vào thành công của kỳ họp.
Từ thực tiễn hoạt động nhận thấy, để các kỳ họp HĐND tỉnh thật sự có chất lượng thì việc điều hành của Chủ tọa kỳ họp phải tuân thủ một số nguyên tắc cơ bản, tập trung vào công tác chuẩn bị kỳ họp, cũng như việc tổ chức có hiệu quả phiên thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn.
Để hoạt động thảo luận của đại biểu tại kỳ họp có chất lượng, Chủ tọa kỳ họp đã có sự định hướng rõ ràng, gợi ý nội dung cần thảo luận tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm của địa phương, những vấn đề cử tri đang quan tâm, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để đại biểu tập trung thảo luận có trọng tâm, trọng điểm. Nhờ đó, các đại biểu đã phát huy được trí tuệ tập thể, đóng góp vào những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của chính quyền địa phương, từ đó đề xuất các giải pháp khắc phục.
Mặt khác, trong điều hành của Chủ tọa kỳ họp, phải luôn duy trì được không khí thoải mái, chân tình trong suốt phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Khi có những vấn đề phát sinh mới tại kỳ họp như: chất vấn không đúng trọng tâm, nói quá thời gian quy định, trả lời chất vấn thiếu trách nhiệm…
Chủ tọa kỳ họp đã xử lý linh hoạt, kịp thời, mềm mại nhưng kiên quyết để tất cả đại biểu dự họp bắt buộc phải tuân theo nội quy và chương trình kỳ họp đã được đại biểu HĐND nhất trí thông qua. Cùng với đó, yêu cầu người trả lời chất vấn phải trả lời thẳng vào nội dung đại biểu nêu với thái độ cầu thị, chân thành, không trả lời vòng vo, đổ lỗi cho điều kiện khách quan, chủ quan hoặc đùn đẩy trách nhiệm, cũng không nên trả lời một cách chung chung mà không đưa ra được các giải pháp thực hiện.
Điều quan trọng nữa là sau mỗi phiên họp, Chủ tọa đã nắm bắt, tổng hợp đầy đủ, kịp thời các ý kiến thảo luận, chất vấn của đại biểu. Từ đó, điều chỉnh các chỉ tiêu, giải pháp cụ thể phù hợp với tình hình thực tế của địa phương trong từng giai đoạn, để các đại biểu HĐND tỉnh có cơ sở thông qua nghị quyết HĐND tỉnh. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh tích cực chỉ đạo giải quyết dứt điểm, bảo đảm quyền lợi của cử tri và Nhân dân; các đại biểu HĐND tổ chức tốt hoạt động tiếp xúc cử tri, thông báo kết quả kỳ họp; thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ, lắng nghe ý kiến và nguyện vọng của cử tri. Ngoài ra, tích cực giám sát việc tổ chức, thi hành Hiến pháp và pháp luật, nắm bắt thực tiễn đời sống xã hội để kịp thời phản ánh, kiến nghị đến HĐND, UBND tỉnh và các cơ quan liên quan.