Hòa Bình trên hành trình hội nhập
Sau 30 năm tái lập, tỉnh Hòa Bình đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng trong công cuộc đổi mới, trong đó phải kể đến dấu ấn công tác đối ngoại với chủ trương: Tăng cường mối quan hệ với nước ngoài, tổ chức quốc tế, các tỉnh bạn và các hoạt động ngoại giao nhân dân… để tranh thủ nguồn lực bên ngoài cho đầu tư phát triển. Đa dạng hóa các hình thức thông tin tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh và định hướng phát triển của tỉnh đến bạn bè trong và ngoài nước... Từ chủ trương, định hướng cụ thể được thực hiện đã góp phần tạo môi trường thuận lợi để tỉnh phát triển.
Your browser does not support the audio element.
Điểm sáng trong công tác đối ngoại của tỉnh chính là chủ động hội nhập kinh tế quốc tế (HNKTQT). BTV Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, cơ quan chuyên môn tham mưu xây dựng, ban hành các văn bản liên quan và các cam kết HNKTQT mà Việt Nam ký kết và tham gia. Đến nay, đã ban hành các chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện các hiệp định thương mại tự do trên địa bàn tỉnh liên quan đến Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định Thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA)... Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo HNKTQT tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các nội dung, chương trình, chính sách lớn về HNKTQT; cập nhật các nội dung liên quan như: Các cam kết, lộ trình thực hiện các cam kết quốc tế có ảnh hưởng lớn đến phát triển KT – XH của tỉnh; theo dõi, đôn đốc các ngành thành viên trong phổ biến, tuyên truyền về HNKTQT…
Theo đó, tỉnh đã và đang thực hiện tốt các cam kết, thỏa thuận quốc tế đã ký với các tổ chức, cơ quan, tỉnh bạn như các tổ chức: World Vision, ChildFund, AOP, AEA, Ngân hàng Tái thiết Đức, Quỹ phát triển Kinh tế Ả rập, Công ty TNHH Tư vấn KV, Công ty TNHH Xây dựng Hanbaek, 2 tỉnh Luông Pha Bang, Hủa Phăn (Lào), tỉnh TUV (Mông Cổ), tỉnh Jeollabuk, quận Ulju- thành phố Ulsan (Hàn Quốc). Đồng thời, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện nghiêm túc các cam kết, đúng quy định của pháp luật về ký kết và thực hiện các thỏa thuận quốc tế, tạo được mối quan hệ tốt với đối tác nhằm thu hút đầu tư, tăng cường thêm viện trợ. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần 50 chương trình, dự án với tổng giá trị cam kết viện trợ 15,8 triệu USD. Các tổ chức phi chính phủ hoạt động tại 10/10 huyện, thành phố, chủ yếu ở các vùng có điều kiện KT – XH còn nhiều khó khăn, góp phần tạo lực đẩy phát triển.
Những năm qua, tỉnh luôn coi trọng cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính; ưu tiên nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại; phát triển nguồn nhân lực... để thu hút đầu tư, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập. Trong tỉnh hiện có 49 doanh nghiệp (DN) hoạt động xuất, nhập khẩu, trong đó có 26 DN vốn đầu tư nước ngoài, chiếm 53%. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của DN có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng chủ yếu trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh với hơn 80%.
Sau gần 10 năm đi vào hoạt động, Công ty TNHH Nissin Manufacturing Việt Nam (KCN Lương Sơn) 100% vốn của Nhật Bản trở thành một trong những DN nước ngoài tiêu biểu trên địa bàn tỉnh. Công ty chuyên sản xuất linh kiện cho động cơ xe máy, giải quyết việc làm cho gần 200 lao động. Tổng Giám đốc Hideki Wada chia sẻ: Quan điểm của nhà sáng lập Tập đoàn Nissin là: Góp phần làm giàu cho xã hội bằng những ngành nghề mới, hướng đến một DN được xã hội tin tưởng, niềm vui với công việc và lòng biết ơn cuộc sống. Suốt những năm qua, chúng tôi luôn nhận được sự hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành trong hoạt động SX-KD để phát triển. Chúng tôi sẽ tiếp tục phấn đấu để trở thành DN tiêu biểu, đóng góp vào sự phát triển của tỉnh Hòa Bình.
Với việc mở cửa đón làn sóng đầu tư, nhất là vốn đầu tư nước ngoài đã tạo sức bật cho nền kinh tế. Giai đoạn 2016-2020, kim ngạch xuất, nhập khẩu của tỉnh tăng trưởng trung bình 28,5%/năm. Nếu như năm 2016, kim ngạch xuất khẩu mới đạt 340 triệu USD, đến năm 2020 đã tăng lên 1.032 triệu USD và 8 tháng năm 2021 ước đạt 716,363 triệu USD, tăng 12,85% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 618,917 triệu USD, tăng 8,48% so với cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu tập trung chủ yếu vào những thị trường truyền thống như: Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... Các DN đã mở rộng thêm một số thị trường mới mà Việt Nam tham gia hiệp định thương mại tự do như: Các nước thành viên của Hiệp định CPTPP; Hiệp định EU, thị trường Canada, Ấn Độ...
Mới đây, báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 5/11/2016 của BCH T.Ư Đảng khóa XII về thực hiện có hiệu quả tiến trình HNKTQT, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Tỉnh ủy đánh giá: Việc HNKTQT một cách chủ động, sâu rộng và toàn diện đã tạo ra cơ hội và sức bật cho phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia, từng bước cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế được tăng cường, nguồn nhân lực để cung ứng cho phát triển KT-XH ngày càng phát triển; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, minh bạch, bình đẳng hơn; tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân; ANCT-TTATXH trên địa bàn tỉnh được giữ vững...
Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/157567/hoa-binh-tren-hanh-trinh-hoi-nhap.htm