Hòa Bình: Triển vọng kinh tế từ trồng cây trám đen

Những năm gần đây, người dân xã Hòa Bình, huyện Chi Lăng đã chuyển đổi một số diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang trồng cây trám đen. Mô hình bước đầu đã đem lại hiệu quả, mở ra triển vọng phát triển kinh tế cho người dân.

Người dân thôn Thống Nhất, xã Hòa Bình chăm sóc cây trám đen

Người dân thôn Thống Nhất, xã Hòa Bình chăm sóc cây trám đen

Là hộ tiên phong trồng cây trám đen, ông Nông Văn Đại, thôn Thống Nhất, xã Hòa Bình cho biết: Năm 2018, gia đình tôi đã đầu tư mua 100 cây trám đen từ vườn ươm cây giống ở Hải Phòng về trồng. Đồng thời, gia đình cũng trồng mới, mở rộng diện tích theo từng năm. Đến nay, gia đình tôi có khoảng 1.000 cây trám đen, trong đó có hơn 200 cây đã cho thu hoạch. Năm 2023, gia đình tôi thu được trên 2 tấn quả, với giá bán thương lái thu mua tại vườn dao động từ 70.000 đến 80.000 đồng/kg, mang lại doanh thu trên 140 triệu đồng. Dự kiến tháng 9 năm nay cây trám sẽ cho thu hoạch vụ mới, sản lượng ước đạt khoảng 6 tấn quả.

Tương tự như gia đình ông Đại, gia đình ông Vi Văn Tình, thôn Làng Càng 1, xã Hòa Bình cũng phát triển mô hình trồng trám. Ông Tình cho biết: Năm 2019, khi nhận thấy quả trám đen có giá trị kinh tế cao, gia đình tôi quyết định đầu tư trồng khoảng 100 cây. Năm 2023, một số cây trám bắt đầu cho thu hoạch, mặc dù năm đầu cây cho quả chưa đều nhưng gia đình tôi thu được trên 3 tạ quả, đem lại thu nhập trên 20 triệu đồng.

Không chỉ 2 hộ gia đình trên, nhiều người dân trên địa bàn xã đã chủ động đầu tư, phát triển mô hình trồng cây trám đen. Theo đó, hiện nay, toàn xã có trên 10 ha trám đen, trong đó có khoảng 7 ha đã cho thu hoạch, với 20 hộ trồng, tập trung chủ yếu ở các thôn: Thống Nhất, Hoa Tâm... Đây cũng là xã có diện tích trồng trám đen lớn nhất trên địa bàn huyện Chi Lăng. Năm 2023, sản lượng quả trám tươi của xã đạt khoảng 20 tấn, tổng giá trị đem lại đạt trên 1,4 tỷ đồng. Từ trồng cây trám đen, một số hộ gia đình đã có thu nhập từ 20 đến 100 triệu đồng/năm.

Bên cạnh sự chủ động của người dân, hằng năm, chính quyền xã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức từ 3 đến 5 lớp tập huấn về trồng trọt (trong đó lồng ghép các kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trám đen); tuyên truyền, hướng dẫn người dân lựa chọn cây giống đảm bảo chất lượng. Đồng thời, chính quyền xã cử nhân viên khuyến nông thường xuyên theo dõi, bám nắm tình hình sản xuất của bà con để kịp thời khuyến cáo, hướng dẫn người dân phòng trừ các loại sâu bệnh, hạn chế ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cây trồng.

Ông Vi Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bình cho biết: Hiện nay, mô hình trồng cây trám đen trên địa bàn xã đã bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Để tiếp tục hỗ trợ người dân phát triển mô hình, thời gian tới, chính quyền xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang trồng cây trám đen. Cùng đó, chính quyền xã sẽ ưu tiên sử dụng nguồn vốn từ các chương trình để hỗ trợ giống, phân bón cho người dân; vận động các hộ trồng cây trám đen thành lập tổ hợp tác để hỗ trợ nhau cùng phát triển, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng quả. Đồng thời, UBND xã chủ động tìm kiếm, kết nối, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, hợp tác xã đến thu mua, hướng đến liên kết bao tiêu sản phẩm, tạo đầu ra ổn định cho người dân.

Có thể thấy, mô hình trồng cây trám đen bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho người dân trên địa bàn xã Hòa Bình. Với sự định hướng, hỗ trợ của chính quyền xã và sự chủ động của mỗi hộ dân, trong thời gian tới cây trám đen có thể sẽ trở thành cây trồng mũi nhọn, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của xã Hòa Bình nói riêng và huyện Chi Lăng nói chung.

KIM CHI

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/hoa-binh-trien-vong-kinh-te-tu-trong-cay-tram-den-5014327.html