Hòa Bình: Tuyệt đối không để chậm, thiếu sách giáo khoa
Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình yêu cầu các Phòng GDĐT tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chậm, thiếu sách giáo khoa trên địa bàn.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình vừa có văn bản chỉ đạo về việc sử dụng sách giáo khoa lớp 4 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong các cơ sở giáo dục phổ thông từ năm học 2023-2024.
Căn cứ Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Chương trình giáo dục phổ thông;
Quyết định số 590/QĐ-UBND ngày 29/3/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình về việc phê duyệt Danh mục sách giáo khoa lớp 4 sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Hòa Bình từ năm học 2023-2024;
Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố, trường phổ thông liên cấp Sao Mai tổ chức tuyên truyền, phổ biến tới nhân dân, cán bộ, giáo viên và học sinh Quyết định số 590/QĐ-UBND ngày 29/3/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình về việc phê duyệt Danh mục sách giáo khoa lớp 4, sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Hòa Bình từ năm học 2023-2024.
Tuyên truyền về việc thực hiện sách giáo khoa lớp 4 và các điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để xã hội hiểu và chia sẻ, đồng thuận với các chủ trương đổi mới giáo dục; kịp thời cung cấp thông tin với cơ quan truyền thông của địa phương để định hướng dư luận, tạo niềm tin của xã hội.
Chỉ đạo các trường khai thác sách giáo khoa một cách hiệu quả. Yêu cầu mỗi trường có đủ các bộ sách giáo khoa đối với lớp 4 và các bộ sách tiếng Anh, Tin học để giáo viên tham khảo, mở rộng ngữ liệu trong dạy học và kiểm tra đánh giá, chọn lọc phát huy những điểm mạnh của mỗi bộ sách, áp dụng thực tế vào bài giảng khi lên lớp.
Chủ động nắm bắt thông tin phản ánh từ các nhà trường, giáo viên và cha mẹ học sinh về sách giáo khoa để trao đổi, giải đáp kịp thời và tổng hợp các ý kiến báo cáo về Sở.
Chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch giáo dục thực hiện chương trình lớp 4 theo Công văn 2345/BGDĐT-GDTH ngày 07/6/2021của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường cấp Tiểu học. Trên cơ sở khung chương trình dạy học và thời lượng từng môn học, giáo viên chủ động xây dựng kế hoạch bài dạy phù hợp với lớp học đảm bảo cuối năm học, học sinh đạt được chuẩn đầu ra theo quy định của chương trình môn học đối với từng khối lớp.
Khi sử dụng sách giáo khoa trong quá trình dạy học, đối với một số ngữ liệu chưa phù hợp với địa phương, vùng miền, giáo viên thông qua sinh hoạt chuyên môn có thể cùng trao đổi để lựa chọn những ngữ liệu tương đương, quen thuộc, gần gũi với đời sống của học sinh, từ đó đưa ra phương án điều chỉnh phù hợp trong quá trình dạy học.
Việc lựa chọn ngữ liệu cần đảm bảo yêu cầu giáo dục toàn diện. Để chuẩn bị kế hoạch dạy học (giáo án), giáo viên cần căn cứ yêu cầu cần đạt quy định trong chương trình môn học, xác định trọng tâm kiến thức, kỹ năng cốt lõi để thiết kế bài giảng phù hợp với khả năng tiếp thu của học sinh.
Tiếp tục thực hiện nội dung giáo dục địa phương cấp tiểu học theo hướng dẫn tại Công văn số 3739/SGD&ĐT- GDTH ngày 16/12/2022 của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc cung cấp tài liệu và hướng dẫn sử dụng tài liệu giáo dục địa phương cấp tiểu học, đảm bảo theo quy định của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với cấp Tiểu học.
Yêu cầu các trường xây dựng kế hoạch sinh hoạt chuyên môn tổ chức cho giáo viên nghiên cứu danh mục sách giáo lớp 4 được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, hướng dẫn giáo viên soạn bài, dạy thực hành ứng dụng các bộ sách thông qua các buổi sinh hoạt chuyên môn.
Tổng hợp, báo cáo danh mục sách giáo khoa, tài liệu giáo dục địa phương lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4 sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông năm học 2023-2024.
"Chủ động đăng kí số liệu với đơn vị cung ứng kịp thời, đảm bảo việc cung ứng sách giáo khoa đến phụ huynh, học sinh, giáo viên trước ngày 15/8/2023. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chậm, thiếu sách giáo khoa trên địa bàn", Sở Giáo dục thông tin.