Hòa Bình - Vùng đất tiềm năng của bất động sản nghỉ dưỡng
Hạ tầng giao thông đồng bộ, cảnh sắc thiên nhiên cùng bản sắc văn hóa bản địa, ẩm thực phong phú và con người thân thiện…, Hòa Bình đang là điểm đến của các nhà đầu tư bất động sản.
Miền đất tiềm năng
Hòa Bình đang được đánh giá là miền đất tiềm năng đối với những nhà đầu tư bất động sản có tâm và có tầm, nhất là hàng loạt những ưu đãi sẽ được dành cho việc phát triển cơ sở hạ tầng cho tuyến đường từ Hà Nội dẫn đến khu vực phía Tây Hà Nội. Đại lộ Thăng Long đã được mở rộng và kéo dài đến TP Hòa Bình. Quốc lộ 6, nối từ trung tâm Hà Nội cũng sẽ được mở rộng đến 8 làn đường xe chạy. Hòa Bình đang được quy hoạch làm khu du lịch thuộc vùng ven đô.
Năm 2018, tổng khách du lịch đến tỉnh Hòa Bình ước đạt hơn 2,5 triệu lượt khách. Năm 2019, Hòa Bình phấn đấu đón 3 triệu lượt khách (trong đó khách quốc tế đạt 403.000 lượt người); doanh thu từ du lịch đạt 2.000 tỷ đồng. Hòa Bình cũng đề ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ đón được 6,3 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm 10%, số ngày lưu trú bình quân của khách đạt 1,5 ngày; đến năm 2030 số lượt khách du lịch đến với Hòa Bình sẽ tăng gấp đôi so với năm 2020. Đến năm 2020, khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình cũng sẽ được quy hoạch trở thành trung tâm du lịch lớn nhất của tỉnh.
4 mũi nhọn kinh tế của Hòa Bình cũng từng được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra. Đó là, xây dựng Hòa Bình thành tỉnh du lịch. Hai là, phát triển nông lâm nghiệp chế biến, ứng dụng công nghệ cao. Ba là, phát triển công nghiệp địa phương trong những lĩnh vực giàu tiềm năng. Thủ tướng cho biết, Hòa Bình đã được Chính phủ cho phép triển khai 8 khu công nghiệp. Hòa Bình cần hướng vào các ngành chế biến chế tạo nhằm giải quyết việc làm và không ảnh hưởng đến môi trường. Bốn là, phát triển đô thị là một động lực phát triển của Hòa Bình với những khu đô thị xanh, sinh thái, hiện đại, bảo đảm môi trường sống tốt nhất.
Để hướng vào các mũi nhọn kinh tế trên, Thủ tướng gợi ý, Hòa Bình cần phát huy lợi thế về địa chiến lược của Vùng Thủ đô, tuyến cao tốc Láng - Hòa lạc được ví như “hành lang kinh tế Đông - Tây” nối Hà Nội - Hòa Bình. Tuyến Láng - Hòa Lạc - Hòa Bình sẽ tạo ra động lực tăng trưởng mới, sức bật mới không chỉ cho Hòa Bình, mà cả các tỉnh Tây Bắc.
Hút nhà đầu tư
Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư đã lựa chọn Hòa Bình để làm nơi đầu tư dự án bất động sản nghỉ dưỡng. Như Công ty Cổ phần đầu tư du lịch Sunset Hòa Bình đã được trao chủ trương làm chủ đầu tư Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng
Sunset. Mục tiêu của dự án là đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp, hiện đại gần gũi với thiên nhiên với chất lượng các dịch vụ lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí, tổ chức sự kiện… đạt tiêu chuẩn nhằm đáp ứng nhu cầu của khách trong và ngoài nước. Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Sunset nằm tại xóm Cời, xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, có tổng diện tích 11ha, trong đó công trình thương mại dịch vụ là 0,95ha; công trình bungalow lưu trú hơn 2,8ha; công trình trên đất cây xanh hơn 6,2ha… ngoài ra còn có công trình hạ tầng, đường giao thông.
Cảnh sắc thiên nhiên cùng bản sắc văn hóa bản địa của Hòa Bình luôn có sức hút lớn đối với du lịch nghỉ dưỡng
Cũng trong đầu năm 2019, theo Quyết định chủ trương đầu tư số 15/QĐ-UBND ngày 19/2/2019, UBND tỉnh Hòa Bình đã chấp thuận Công ty Cổ phần phát triển nghỉ dưỡng Ngoại ô thực hiện dự án đầu tư Khu du lịch nghỉ dưỡng Hồ Dụ tại Kỳ Sơn, Hòa Bình. Khu du lịch nghỉ dưỡng Hồ Dụ có mục tiêu kinh doanh lưu trú ngắn ngày, nhà hàng và các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động, cung cấp dịch vụ ăn uống theo hợp đồng không thường xuyên với khách hàng, dịch vụ đồ uống, nhằm tăng thu nhập cho doanh nghiệp; tạo việc làm cho người lao động; góp phần tăng thu cho ngân sách Nhà nước.
Địa điểm của dự án tại xã Dân Hòa, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình với tổng diện tích 12,1ha. Trong đó, đất xây dựng các công trình điều hành kết hợp dịch vụ là 0,7ha; đất xây dựng các công trình thương mại, dịch vụ là gần 1,7ha; đất xây dựng các công trình bungalow lưu trú là hơn 3,8ha; đất hạ tầng kỹ thuật 0,13ha; đất cây xanh hơn 3,4ha và đất giao thông là gần 2,2ha.
Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển nghỉ dưỡng Ngoại ô cho biết, hiện công ty đang thực hiện triển khai các bước tiếp theo của dự án theo đúng quy định của pháp luật. Công ty cũng định hướng phát triển dự án Hồ Dụ gắn với thiên nhiên bản địa, đảm bảo tài nguyên môi trường và tạo lập nên những giá trị bền vững.
Huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình với địa hình núi non trùng điệp, rừng quốc gia đan xen rừng nguyên sinh kết hợp các rặng núi đá vôi, sông Đà, suối hồ, hệ thống hang động như suối Bùi, hồ Đồng Bến, Hồ Dụ, hồ Rợn… là điều kiện thuận lợi phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, giải trí cuối tuần… Ưu đãi từ thiên nhiên cộng với sự đầu tư bài bản sẽ giúp Hòa Bình trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách và các nhà đầu tư.