Hòa Bình: Xử lý tài sản, tài chính, ngân sách nhà nước khi tổ chức lại đơn vị hành chính
UBND tỉnh Hòa Bình vừa có Công văn số 617/UBND-KTTH hướng dẫn các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố; chủ đầu tư xử lý tài sản, tài chính, ngân sách nhà nước khi tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Phải tổ chức kiểm kê tài sản, tài chính, ngân sách nhà nước theo quy định
Tại công văn, UBND tỉnh Hòa Bình đã yêu cầu các huyện, thành phố căn cứ Đề án tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp ở địa phương (Đề án) hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị dự toán trực thuộc và chính quyền cấp xã xây dựng phương án bàn giao nguồn tài chính, NSNN để thực hiện bàn giao chính thức khi được cấp có thẩm quyền quyết định.

Tỉnh Hòa Bình hướng dẫn xử lý tài sản, tài chính, ngân sách nhà nước khi tổ chức lại đơn vị hành chính. Ảnh minh họa
Căn cứ Đề án được cấp có thẩm quyền quyết định, các sở, ban, ngành và chính quyền cấp huyện, cấp xã chỉ đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc bàn giao, tiếp nhận nguyên trạng tài sản, tài chính, ngân sách nhà nước (NSNN.
UBND tỉnh Hòa Bình yêu cầu các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc diện sắp xếp có trách nhiệm: Hoàn thành việc thanh toán, đối chiếu số liệu và thực hiện tất toán tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo đúng quy định; phải xử lý dứt điểm các khoản thu nộp NSNN và các kiến nghị, kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước và các cơ quan chức năng tính từ thời điểm thực hiện sắp xếp, tinh gộn tổ chức bộ máy trở về trước (nếu có.
Chịu trách nhiệm toàn diện đối với các vấn đề về tài sản, tài chính, NSNN được giao quản lý và sử dụng, công tác theo dõi, hạch toán trên hệ thống sổ sách kế toán tính từ thời điểm thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy trở về trước.
Phương án bàn giao, tiếp nhận tài sản, tài chính, NSNN phải được bàn bạc tập thể, thống nhất phương thức thực hiện để sau khi sắp xếp mọi hoạt động của các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc diện sắp xếp được thực hiện thông suốt, ổn định, hiệu quả.
Đặc biệt, UBND tỉnh Hòa Bình yêu cầu từng cơ quan, tổ chức hành chính thuộc diện sắp xếp theo chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc tổ chức thực hiện việc kiểm kê tài sản, tài chính, NSNN theo chế độ quy định. Lập đầy đủ hồ sơ về tài sản, tài chính, NSNN trước khi sắp xếp; đối chiếu với kết quả đã kiểm kê tại thời điểm gần nhất trước đó, đối chiếu kinh phí đã chi, số dư còn lại để xác định tài sản, tài chính, NSNN thừa thiếu và xác định trách nhiệm để xử lý dứt điểm trước thời điểm sắp xếp.
Khi bàn giao, tiếp nhận giữa các bên phải lập biên bản bàn giao, tiếp nhận theo đúng quy định, Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thất thoát tài sản, tài chính, NSNN khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Hướng dẫn cụ thể việc bàn giao, tiếp nhận
Tại công văn, UBND tỉnh Hòa Bình cũng hướng dẫn cụ thể một số nội dung về xử lý, bàn giao, tiếp nhận tài sản, tài chính, NSNN: Quyết toán thu, chi NSNN năm 2024; quyết toán dự án hoàn thành; quản lý tài sản công; rà soát việc triển khai kế hoạch đầu tư công; dự toán thu, chi NSNN năm 2025.

Tỉnh Hòa Bình hướng dẫn cụ thể việc quyết toán NSNN năm 2024 và điều chỉnh dự toán năm 2025 sau sáp nhập. Ảnh minh họa
Đơn cử như quyết toán thu, chi NSNN năm 2024, để đảm bảo lộ trình thực hiện Đề án theo dự kiến, UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo cơ quan tài chính các cấp chủ trì, phối hợp với các đơn vị sử dụng ngân sách tổng hợp quyết toán của từng cấp ngân sách, tham mưu báo cáo UBND các cấp trình HĐND cùng cấp phê chuẩn quyết toán NSNN từng cấp như sau: Đối với quyết toán ngân sách cấp xã trước ngày 30/4/2025; quyết toán ngân sách cấp huyện trước ngày 31/5/2025; quyết toán ngân sách cấp tỉnh trước ngày 30/6/2025.
UBND tỉnh Hòa Bình yêu cầu các cơ quan, đơn vị cấp huyện phải xử lý dứt điểm các khoản thu nộp NSNN và các kiến nghị, kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước; xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản, nợ Quỹ Đầu tư phát triển, Quỹ phát triển đất (nếu có).
Chịu trách nhiệm toàn diện đối với các vấn đề về tài sản, tài chính, NSNN được giao quản lý và sử dụng, công tác theo dõi, hạch toán trên hệ thống sổ sách kế toán tính từ thời điểm kết thúc hoạt động của chính quyền cấp huyện được cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Về quản lý tài sản công, UBND tỉnh Hòa Bình yêu cầu các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố tạm dừng việc đầu tư, mua sắm, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo, thuê mới tài sản (kể cả mua sắm xe ô tô theo tiêu chuẩn, định mức hiện hành) cho đến khi hoàn thành Đề án.
Chỉ tiến hành mua sắm máy móc, trang thiết bị làm việc trong trường hợp thực sự cần thiết để duy trì hoạt động của cơ quan, đơn vị. Trường hợp chưa thực sự cần thiết và cấp bách thì tạm dừng việc mua sắm.
Đặc biệt, tỉnh Hòa Bình yêu cầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc tỉnh và UBND các huyện, thành phố khẩn trương chỉ đạo rà soát, tham mưu xử lý dứt điểm các công trình, trụ sở không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả thuộc phạm vi quản lý và báo cáo kết quả xử lý gửi Sở Tài chính để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh theo quy định.
Khẩn trương rà soát, thống kê, xây dựng phương án xử lý tài sản đảm bảo theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của các bộ, ngành trung ương cũng như của tỉnh. Rà soát, bố trí sử dụng trụ sở, tài sản công, phương tiện phục vụ hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp huyện sau khi không tổ chức cấp huyện; cấp xã sau khi sáp nhập…
Đối với việc điều chỉnh dự toán thu, chi NSNN năm 2025 sau sáp nhập, công văn của UBND tỉnh Hòa Bình nêu rõ, sau khi tổng hợp toàn bộ số liệu trên cơ sở bàn giao, Sở Tài chính có trách nhiệm xây dựng lại dự toán thu, chi NSNN của tỉnh, tham mưu báo báo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua dự toán thu, chi NSNN năm 2025 theo nguyên tắc dự toán thu, chi NSNN năm 2025 của tỉnh sau khi thực hiện Đề án đảm bảo khớp đúng về tổng mức, lĩnh vực thu, chi NSNN đã được HĐND các cấp quyết định và UBND các cấp giao trước khi sắp xếp.
Trong quá trình thực hiện điều chỉnh dự toán, các cơ quan, đơn vị sau sáp nhập dừng tất cả các khoản chi ngân sách cho đến khi được cơ quan có thẩm quyền quyết định điều chỉnh dự toán. Trường hợp phát sinh các nhiệm vụ chi cấp bách, quan trọng, không thể trì hoãn, chi tiền lương, các khoản thanh toán cho cá nhân, thủ trưởng cơ quan, đơn vị sau sáp nhập quyết định sử dụng kinh phí được giao từ đầu năm để thực hiện phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về quyết định của mình.