Hoa cây cảnh giảm giá trước Tết, nhiều nhà vườn chuyển hướng bán online
So với năm trước, giá các loại hoa cây cảnh năm nay giảm từ 10- 15% để phù hợp với túi tiền của người dân sau 1 năm dịch bệnh, nhiều nhà vườn tổ chức bán hàng online tạo thuận lợi cho khách.
Còn mấy ngày nữa là tới tết Nguyên đán Nhâm Dần, hiện một lượng lớn hoa đào, quất bonsai, bưởi cảnh,… đã được các nhà vườn, tiểu thương ở nhiều địa phương đưa tới bày bán tại TP.HCM. Nhìn chung, giá các loại cây, hoa chưng Tết có xu hướng giảm nhẹ so với những năm trước.
Giảm giá hoa, cây cảnh chưng Tết để kích cầu
Ghi nhận tại một số công viên ở TP.HCM như Gia Định (quận Gò Vấp); Lê Văn Tám, 23/9 (Quận 1),… từ ngày 20 tháng Chạp, các mặt hàng hoa, cây cảnh đã được người bán chuyển tới để phục vụ người dân trong dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Mới đây, anh Lê Văn Chuyên, ngụ Hải Dương đã đưa 2.000 gốc đào phai, bích đào, đào mini tới công viên Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình) bán cho khách chưng Tết sớm. Theo anh Chuyên, giá đào dao động từ 300.000 đồng đến 7 triệu đồng tùy loại và kích thước cây. So với năm trước, mức giá này giảm từ 10- 15% để phù hợp với túi tiền của người dân sau một năm dịch bệnh. Đến nay, anh Chuyên đã bán được khoảng 300 gốc đào các loại. Đặc biệt, đào mini giá rẻ được khách hàng ưa chuộng hơn hẳn.
“Số lượng đào mini khoảng 500 gốc tiêu thụ cũng tương đối. Tôi đã bán được hơn 100 gốc. Đào năm nay đẹp, nếu nhu cầu của người dân vẫn như mọi năm thì anh em cũng có tiền để về quê ăn Tết”, anh Chuyên cho biết.
Ngoài đào tết, các loại hoa tươi từ Đà Lạt, Nha Trang; quất, bonsai từ các tỉnh miền Trung và Tây Nam bộ cũng “cập bến” TP.HCM. Tuy nhiên, các loại hoa, cây cảnh mini không còn đa dạng như những năm trước do nhiều nhà vườn lo ngại dịch bệnh, khó tiêu thụ nên hạn chế xuống giống, một số loại lan kiểng cũng thiếu nguồn cung từ Trung Quốc.
Anh Hoàng Hiền, quê Nha Trang đang bán cúc vạn thọ, cúc đại đóa tại chợ hoa tết quận Tân Bình cho biết, gia đình đã chuyển 1.000 chậu cúc với đường kính từ 50- 60cm vào TP.HCM từ ngày 20 tháng Chạp. Năm qua, nhà vườn của anh Hiền gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh nên chỉ trông chờ dịp cuối năm bán buôn tốt để có thu nhập và xoay vốn cho đợt xuống giống hoa sau Tết. Đến nay, anh Hiền đã bán được 300 chậu cúc các loại cho khách quen, các công ty mua chưng sớm. Với sức mua hiện nay, người chủ vườn này cũng lo rằng, một lượng lớn hoa sẽ bị bỏ lại hoặc phải bán giá rẻ để thu hồi một phần vốn.
“Sức mua năm hoa cảnh nay chậm hơn năm ngoái, giá bán không tăng trong khi giá phân bón, thuốc trừ sâu, chi phí nhân công lại cao. Hi vọng sắp tới người dân TP.HCM mua ủng hộ để chúng tôi nhanh được về quê và có tinh thần năm sau tiếp tục trồng để cung ứng hoa cho thành phố”, anh Hiền nói.
Xây dựng kênh online bán quất cảnh, bonsai Tết
Năm nay, nhà vườn cây cảnh, bưởi cảnh, quất, bonsai của chị Phương Thảo - chủ nhà vườn tại huyện Củ Chi chỉ chuyển 20% lượng hàng tới các công viên, hội chợ hoa thay vì 100% như năm trước, phần còn lại bán trực tiếp tại vườn và bán qua kênh bán online.
Chị Thảo chia sẻ, phương án bán cây cảnh online được lên kế hoạch từ khi dịch Covid-19 bùng phát với hi vọng đây là hướng đi mới để tiêu thụ các loại cây chưng Tết. Năm nay, thời tiết thuận lợi, các loại cây cảnh đều phát triển tốt, nhiều hoa, trái, tán đẹp nên khi chụp hình bán online cũng thu hút khách hàng. Chị Thảo cũng hi vọng, các mặt hàng hoa, cây cảnh chưng Tết sẽ được “số hóa” để tiểu thương, chủ nhà vườn không còn lo lắng khi Tết đến.
“50% doanh thu năm nay đến từ kênh online. Khách hàng rất thích vì thao tác mua hàng rất đơn giản, nhanh, không cần đi nắng khi mua trực tiếp. Tôi nghĩ sẽ mất khoảng 2- 3 năm để người dân hình thành thói quen mới và khi đã quen thì việc mua cây cảnh online để trang trí là điều rất bình thường”, chị Thảo chia sẻ.
Ngoài hạ giá bán, nhiều tiểu thương bán hoa, cây cảnh Tết vẫn đang thăm dò thị trường trước khi quyết định chuyển thêm hàng vào TP.HCM. Một số người bán cũng lạc quan cho rằng, lượng hàng bán ra sẽ ổn định bởi ai cũng muốn trang hoàng nhà cửa, đón năm mới với nhiều điều tốt đẹp hơn sau một thời gian dài khó khăn, mất mát do dịch bệnh./.