Hoa, cây kiểng phập phồng, lo mất Tết
Hơn tháng nay, mặn đến sớm và xâm nhập sâu vào nội đồng khiến người dân ÐBSCL gặp khó khăn trong sản xuất, đặc biệt là phục vụ Tết Nguyên đán sắp tới.
Cách nay hơn tháng, mặn đã xâm nhập sâu vào nội đồng, thậm chí ảnh hưởng đến vựa hoa kiểng nổi tiếng Cái Mơn (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre).
Hoa kiểng phập phồng
So với năm trước thời tiết thất thường, mưa nhiều thì vụ hoa tết năm nay đối với bà con xứ hoa kiểng huyện Chợ Lách lại khá thuận lợi. Quá trình sinh trưởng của cây đúng thời điểm, khiến các nhà vườn rất phấn khởi và mong chờ vụ mùa thắng lợi. Thế nhưng hạn mặn lại bất ngờ đến sớm hơn dự kiến. Một trong những gia đình có truyền thống trồng hoa kiểng lâu đời, ông Nguyễn Văn Nghĩa (66 tuổi, ngụ xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách) lo lắng nói: “Cũng như mọi năm, Tết này tôi xuống giống khoảng 3 ngàn chậu cúc mâm xôi, cúc Hà Lan là 2 giống hoa rất được ưa chuộng nhưng lại rất nhạy cảm, mưa thì nở sớm, nắng thì nở chậm. Tuy nhiên, năm nay thời tiết rất thuận, hoa phát triển tốt lắm, mà khó một nỗi là nước mặn vô sớm quá, lỡ tưới nhầm vô thì coi như bỏ hết”.
Bà Nguyễn Hoàng Yến (50 tuổi, xã Long Thới, huyện Chợ Lách) cho biết, ngoài việc trồng cây giống, năm nào gia đình bà cũng trồng thêm cúc vạn thọ để bán, kiếm tiền ăn Tết. Theo bà Yến, từ trước đến nay, xứ hoa kiểng này chỉ có nước ngọt quanh năm. Nhưng vài năm gần đây, mặn xâm nhập, khiến nguồn nước tưới tiêu hạn chế.
“Năm mặn lên nhiều nhất là 2016 nhưng qua Tết mặn mới lên, rồi 2 năm gần đây hầu như ở đây không có. Nhưng năm nay nó bất ngờ lên lại, mà còn rất sớm. Nhiều gia đình không hay nên đã tưới nhầm nước mặn làm “cháy” hết, phải đem bỏ, chứ nó đâu có phát triển gì được nữa. 2 ngàn chậu vạn thọ của tôi giờ tốt lắm rồi, chỉ trông cho đủ nước ngọt tưới thì mới có hy vọng bán được”, bà Yến nói.
Để chủ động nguồn nước tưới, các hộ dân ở Chợ Lách đã thực hiện hàng loạt giải pháp ứng phó. “Nước mặn đang lên nên mình phải dự trữ nước tưới bằng cách làm nắp đóng mặt cống giữ nước ngọt. Ngoài ra, gia đình tôi còn đo độ mặn nước dưới sông, rồi đào ao lót cao su phía dưới để bơm nước lên trữ hoặc trữ thêm vào các thùng phuy dùng tưới dần”, bà Yến nói.
Ở vùng mặn nhiều, bà con dùng xe, ghe hoặc hợp đồng với các sà lan để vận chuyển nước ngọt từ nơi khác đem về tưới cho cây trồng. Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách, cho biết, toàn huyện sản xuất hơn 11 triệu sản phẩm hoa kiểng phục vụ Tết Canh Tý 2020, trong đó, có khoảng 10 - 20% hoa kiểng bị ảnh hưởng là do nhà vườn tưới nhầm nước mặn.
“Huyện đã có kế hoạch triển khai và đưa ra nhiều tình huống và giải pháp để đối phó với hạn mặn. Giả dụ, tình huống xấu nhất là toàn huyện Chợ Lách xâm nhập mặn với độ mặn cao trên 4/1000 thì chúng tôi sẽ khắc phục bằng cách thu hẹp sản xuất, đặc biệt là cây giống, hoa kiểng; dịch chuyển cây giống về những nơi có nước ngọt để giữ an toàn, hạn chế thiệt hại xảy ra”, ông Liêm nói.
Lo mất Tết
Đầu tháng 12/2019, ở các cửa sông Cửu Long (sông Hàm Luông), mặn xâm nhập sâu đến 57 km, xa hơn cùng kỳ năm 2015 là 17 km. Đến nay, hầu như mặn đã bao trùm khắp các tỉnh ĐBSCL (10/13 tỉnh).
Ông Nguyễn Văn Mười (xã Nhơn Mỹ, Kế Sách, Sóc Trăng) có 0,5 ha trồng xoài Đài Loan chuẩn bị Tết thu hoạch đang lo lắng không có nước tưới. “Năm nay mặn đến sớm hơn cả tháng, nước sông mặn đắng làm sao dám lấy nước tưới cây được. Mấy ngày nay bớt mặn tí nhưng giờ gió bấc bắt đầu thổi mạnh vào sẽ đẩy mặn về. Cả gia đình tôi có mấy công xoài để bán ăn Tết nhưng lo lắng vì sợ không đủ nước tưới”, ông Mười than thở.
Huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) nằm giữa sông Hậu, giáp biển Đông nên mặn hầu như bao trùm cả vùng đất đầy phù sa và trù phú này. Ông Đồ Văn Thừa, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Cù Lao Dung, cho biết, mặn xâm nhập cách nay 1,5 tháng. Ngày 2/1, độ mặn cao nhất trên địa bàn huyện tại xã An Thạnh Nam là 12 phần nghìn, trong khi cùng thời gian này của tháng trước là 18 phần nghìn.
Bà Lê Thị Lan (ở thị trấn Cù Lao Dung) có 0,3 ha trồng mía để bán ép nước. Ruộng đang khô cằn nhưng không dám tưới. Hơn tháng nay, ngoài sông Hậu, trong kênh rạch, mương vườn nước mặn nên không dám tưới, cây mía ốm tong teo đang chờ thương lái bán nhưng chưa có ai mua. “Tôi trồng đã gần 11 tháng, giờ đến thu hoạch nên muốn bán sớm, nếu để lâu trong tình trạng mặn kéo dài thì cây sẽ héo và càng khó bán”, bà Lan thở dài.
Trước đây, gia đình bà trồng mía nguyên liệu bán cho nhà máy đường Sóc Trăng nhưng hầu như năm nào cũng thua lỗ nên không chỉ gia đình bà mà nhiều nông dân khác đã chuyển sang cây ăn trái, hoa màu. Bà chuyển sang trồng mía bán ép nước. “Tôi trồng mía thì còn đỡ chứ nhiều người trồng hoa màu, gần tới ngày thu hoạch tưới nước mặn nên hư hại nhiều, thậm chí có người mất trắng, điển hình như ông Tư Yến ở gần nhà”, bà Lan nói.
Ông Nguyễn Hữu Lập, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết, đầu tháng 12/2019, bốn cửa sông lớn đã đưa nước mặn vào sâu gần 60 km, ảnh hưởng đời sống người dân, ngành chăn nuôi, sản xuất hoa kiểng, doanh nghiệp chế biến...
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/hoa-cay-kieng-phap-phong-lo-mat-tet-1505925.tpo