Hóa chất cực độc có trong 3.000 tấn giá đỗ ở Đắk Lắk là gì, làm sao để tránh?

Theo chuyên gia, hóa chất có trong giá đỗ ủ trong vụ 3000 tấn giá ở Đắk Lắk là chất kích thích sinh trưởng, cực nguy hiểm cho con người.

Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Đắk Lắk đồng loạt kiểm tra 6 cơ sở phát hiện ngoài vật liệu làm giá đỗ thông thường, các cơ sở này còn sử dụng một loại "nước kẹo" không màu.

Theo kết quả giám định đây là hoạt chất 6-Benzylaminopurine không thuộc danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm và danh mục thuốc được phép sử dụng tại Việt Nam để ngâm ủ giá.

Quá trình kiểm tra, cảnh sát đã phát hiện, thu giữ gần 20.400kg giá đỗ mà nhóm này đã ngâm hóa chất, với giá bán ra khoảng 400 triệu đồng. Ngoài ra, còn có 37 can đựng 135 lít chất cấm có thể sản xuất 675 tấn giá thành phẩm, bán được khoảng 18,7 tỷ đồng.

Kết quả điều tra làm rõ, trong năm 2024, nhóm này đã bán ra thị trường khoảng 2.900 tấn giá đỗ có ngâm hóa chất 6-Benzylaminopurine, trung bình mỗi ngày 8-10 tấn.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên Giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, cho biết, chất 6-Benzylaminopurine (BAP) là chất kích thích sinh trưởng.

Dù hợp chất này được Bộ NN và PTNT cho phép dùng trong nông nghiệp, cho cây mọc rễ nhanh, ra hoa, trái nhanh, nhưng sử dụng trong sản xuất giá đỗ là vi phạm pháp luật.

PGS Thịnh cho biết, vì đây là chất kích thích sinh trưởng nên rất nguy hiểm cho con người. Hóa chất này gây rối loạn các quá trình sinh trưởng phát triển của cơ thể, các tế bào phát triển không bình thường, nhất là các tế bào thần kinh, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người.

Giá đỗ ngâm hóa chất trong một cơ sở chuẩn bị tuồn ra thị trường

Giá đỗ ngâm hóa chất trong một cơ sở chuẩn bị tuồn ra thị trường

Cảnh sát cũng xác định đây là chất kích thích tăng trưởng tế bào (cytokinin), nếu hít hoặc tiếp xúc qua da lâu dài có thể làm thai nhẹ ký, não úng thủy và các dị tật bẩm sinh; thậm chí ăn vào lượng lớn có thể gây tử vong.

Ngày 26/12, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Đắk Lắk đã bắt 4 đối tượng trong 6 cơ sở sản xuất giá đỗ để điều tra tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm

Làm sao để nhận biết giá sạch?

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, giá đỗ khi dùng hóa chất 6-Benzylaminopurine sẽ làm ra rễ nhanh, cây mập mạp, trắng trẻo hơn bình thường.

Một lần làm giá theo cách truyền thống phải mất ít nhất 4-5 ngày, tuy nhiên giá truyền thống chỉ mất 1 ngày là có. Vì vậy, giá đỗ nhiễm hóa chất thường trắng, đẹp, cọng dài, rễ ngắn. Còn giá đỗ truyền thống có màu vàng tự nhiên, không có màu trắng như các loại giá ngâm hóa chất. Đặc biệt, giá truyền thống sẽ không mập, rễ dài, độ dài vừa phải.

Người tiêu dùng, khi mua cần quan sát kỹ vì có thể quan sát bằng mắt thường, thấy giá đỗ bất thường, hơi khác thường thì không nên mua.

Bên cạnh đó, Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cảnh giác với loại giá đỗ được dùng hóa chất và thuốc kích thích.

Ngoài hóa chất trên, nắm được tâm lý người tiêu dùng thích loại mầm giá to, trắng, giòn và ít rễ, người sản xuất còn dùng phân bón lá trộn với các loại thuốc trừ cỏ có tính hướng gốc (để diệt phần rễ cây mà phần mầm cây không bị ảnh hưởng) pha loãng, sau đó tưới lên giá đỗ và ủ lại. Khi đem những loại giá này làm nộm hoặc xào tái, sẽ thấy nước màu đục từ giá đỗ chảy ra.

Trọng Nghĩa

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/sac-mau-cuoc-song/hoa-chat-cuc-doc-trong-3-000-tan-gia-do-o-dak-lak-la-gi-lam-sao-tranh-202412272004325783.html