Hóa chất Đức Giang (DGC): Đơn hàng phốt pho tăng trở lại, nhu cầu sẽ tăng tốc từ cuối năm nay
Ban lãnh đạo Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (mã cổ phiếu DGC) cho biết nhu cầu phốt pho đang dần phục hồi, riêng trong quý 1/2024, đơn hàng đã tăng 8% so với cuối năm 2023. Đồng thời, nhu cầu dự kiến sẽ tăng tốc rõ rệt kể từ cuối năm nay.
Kể từ năm 2022, Việt Nam đã lọt nhóm quốc gia top đầu thế giới về hoạt động xuất khẩu các sản phẩm liên quan đến phốt pho. Đối với sản phẩm phốt pho vàng, theo dữ liệu mới nhất của hãng nghiên cứu thị trường HDIN Research (Trung Quốc), Việt Nam đang đứng thứ 04 về công suất sản xuất sản phẩm này trên thế giới với tổng công suất tương ứng 4,6% công suất toàn cầu, chỉ đứng sau Trung Quốc (1,5 triệu tấn sản phẩm/năm), Hoa Kỳ (200.000 tấn/năm), và Kazahstan (120.000 tấn/năm).
Trong đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (mã cổ phiếu DGC - sàn HoSE) hiện đang đứng đầu Việt Nam với công suất sản xuất phốt pho vàng lên tới 80.000 tấn sản phẩm/năm, chiếm khoảng 80% tổng công suất cả nước (tính đến cuối năm 2023). Đồng thời, tập đoàn này chiếm khoảng 1/3 giá trị xuất khẩu phốt pho vàng toàn cầu.
Trung Quốc từng là quốc gia đi đầu trong thị trường xuất khẩu về các mặt hàng phốt pho, nhưng sản lượng và giá trị xuất khẩu của nước này đã giảm mạnh từ khoảng 113.000 tấn vào năm 2004 xuống dưới 1.000 tấn vào năm 2023, chủ yếu do nước này hạn chế xuất khẩu khoáng sản thô và tăng cường sử dụng trong nội địa.
Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các sản phẩm phốt pho Việt Nam nói chung, sản phẩm của Hóa chất Đức Giang chiếm lĩnh thị trường. Khách hàng chính của Hóa chất Đức Giang hiện gồm Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, và Đài Loan (Trung Quốc).
Sau giai đoạn suy giảm cả giá lẫn sản lượng xuất khẩu phốt pho trong năm 2023 do nhu cầu yếu, ban lãnh đạo Hóa chất Đức Giang cho biết nhu cầu trên thị trường đã có tín hiệu phục hồi tích cực. Đơn hàng trong quý 1/2024 của tập đoàn đã tăng khoảng 8% so với cuối năm 2023, nhờ nhu cầu tại Hoa Kỳ và khu vực Đông Á tăng lên.
Hiện khoảng 20% nhu cầu phốt pho trên toàn cầu được sử dụng cho ngành bán dẫn và 30% doanh thu các sản phẩm của Hóa chất Đức Giang đang phục vụ cho ngành công nghiệp này.
Dấu hiệu phục hồi đã xuất hiện trong ngành bán dẫn khi hai nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới là TSMC và Intel cho thấy kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh trong quý 4/2023 và quý 1/2024. Hiện lãnh đạo TSMC dự báo doanh thu quý 2/2024 của hãng này có thể đạt tới 20,6 tỷ USD, tăng gần 27% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổ chức Thống kê Thương mại Chất bán dẫn Thế giới (WSTS dự báo tăng trưởng ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu trong năm nay ước đạt 11,8%. Trong khi đó tại thị trường Nhật Bản - một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Hóa chất Đức Giang, Hiệp hội thiết bị bán dẫn Nhật Bản (SEAJ) dự phóng doanh số các thiết bị bán dẫn sẽ tăng trưởng 27% trong năm nay.
Ban lãnh đạo Hóa chất Đức Giang cũng cho biết, nhu cầu của các khách hàng quốc tế đối với phốt pho Việt Nam sẽ tăng dần kể từ cuối năm 2024 khi loạt nhà máy pin xe điện và vi mạch tại khu vực Đông Á và Bắc Mỹ đẩy mạnh chiến lược “Trung Quốc + 1”, tìm kiếm nhà cung cấp ngoài Trung Quốc để giảm thiểu các rủi ro kinh doanh, nhất là khi căng thẳng thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc có tín hiệu tăng nhiệt trở lại.
Bên cạnh đó, đã có một số nhà sản xuất pin xe điện đang xây dựng tại Nhật Bản và Hàn Quốc bày tỏ sự quan tâm đến việc mua phốt pho vàng từ tập đoàn, ban lãnh Hóa chất Đức Giang tiết lộ.
Theo đó, giá phốt pho vàng năm nay dự báo có thể tăng 6,8% đạt 103 triệu đồng/tấn và tiếp tục tăng thêm 6,4% trong năm 2025 lên mức 110 triệu đồng/tấn.
Ngoài yếu tố nhu cầu phục hồi, kết quả kinh doanh của Hóa chất Đức Giang còn được hỗ trợ nhờ việc tăng cường tự chủ nguồn cung apatit - nguyên liệu đầu vào chính. Trong năm 2023, tập đoàn này đã có thể tự cung tự cấp được 80% sản lượng quặng apatit cần dùng.
Quặng apatit chiếm khoảng 50% tổng chi phí nguyên liệu sản xuất, tương đương 25% chi phí giá vốn hàng bán của Hóa chất Đức Giang. Động thái trên sẽ giúp tập đoàn này tối ưu thêm chi phí sản xuất trong thời gian tới, khi trong năm 2023 tỷ lệ đóng góp của chi phí nguyên liệu chính / tổng giá vốn hàng bán đã giảm xuống còn 52% so với 60% trong năm 2022.
Ban lãnh đạo Hóa chất Đức Giang cũng cho biết đang tiếp tục tìm kiếm các mỏ mới và doanh nghiệp sở hữu mỏ để thực hiện M&A nhằm gia tăng khả năng tự chủ nguồn cung apatit.
Dựa trên các yếu tố thị trường hiện tại, hãng chứng khoán Phú Hưng Securities dự phóng doanh thu thuần năm nay của Hóa chất Đức Giang tăng 7% so với năm 2023, đạt 10.443 tỷ đồng, và lợi nhuận trước thuế tăng 10% đạt 3.809 tỷ đồng.