Hóa chất được sử dụng để sản xuất 3.500 tấn giá đỗ 'bẩn' độc thế nào?

Để có lợi nhuận cao hơn, 4 đối tượng là chủ 4 cơ sở sản xuất giá đỗ đã sử dụng một loại hóa chất để kích thích tăng trưởng tế bào.

 Hóa chất 6-Benzylaminopurine được các đối tượng sử dụng trong quy trình sản xuất giá đỗ. là chất cấm dùng trong sản xuất thực phẩm vì có mức độ nguy hại lớn.

Hóa chất 6-Benzylaminopurine được các đối tượng sử dụng trong quy trình sản xuất giá đỗ. là chất cấm dùng trong sản xuất thực phẩm vì có mức độ nguy hại lớn.

Dùng chất cấm để sản xuất giá đỗ

Ngày 19/4/2025, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu Công an tỉnh Nghệ An cho biết, đơn vị vừa tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 4 đối tượng về tội Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.

Danh tính 4 đối tượng gồm Lưu Mạnh Hưởng (SN 1993), Lưu Văn Trung (SN 1997), cùng trú tại xã Trực Hùng, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định; Trần Khắc Duy (SN 1990) và Nguyễn Văn Hướng (SN 1998), cùng trú tại phường Vinh Tân, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

Theo cơ quan công an, 4 đối tượng là chủ 4 cơ sở sản xuất giá đỗ trên địa bàn thành phố Vinh. Để giá đỗ to, mập, ngắn rễ và đẹp mắt hơn, bán thu lợi nhuận cao hơn, từ năm 2024 đến thời điểm bị bắt, các đối tượng đã sản xuất và bán ra thị trường 3.500 tấn giá đỗ thành phẩm có sử dụng "nước kẹo" (tên khoa học là chất 6-Benzylaminopurine (6- BAP)) ngâm, tưới giá đỗ.

4 đối tượng là chủ 4 cơ sở sản xuất giá đỗ đã sử dụng chất cấm là hóa chất 6-Benzylaminopurine trong quy trình sản xuất giá đỗ.

4 đối tượng là chủ 4 cơ sở sản xuất giá đỗ đã sử dụng chất cấm là hóa chất 6-Benzylaminopurine trong quy trình sản xuất giá đỗ.

Bên cạnh tiến hành các biện pháp tố tụng đối với các bị can, cơ quan công an cũng thu giữ tang vật gồm gần 2.000 lu chứa giá đỗ các loại, có tổng khối lượng khoảng 25 tấn giá đỗ; 25 lít dung dịch hóa chất "nước kẹo" nguyên chất và 150 lít dung dịch đã pha chế để phục vụ việc sản xuất giá đỗ cùng một số tang vật liên quan khác.

Cơ quan chức năng cũng xác định dung dịch hóa chất "nước kẹo" mà các đối tượng sử dụng là chất cấm dùng trong sản xuất thực phẩm vì có mức độ nguy hại lớn. Vậy Hóa chất này độc đến mức nào?

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, 6-Benzylaminopurine (BAP) là chất kích thích tăng trưởng tế bào (cytokinin) thế hệ tổng hợp đầu tiên.

Cơ quan công an đã thu giữ 25 lít dung dịch hóa chất 6-Benzylaminopurine nguyên chất và 150 lít dung dịch đã được các đối tượng pha chế để phục vụ việc sản xuất giá đỗ.

Cơ quan công an đã thu giữ 25 lít dung dịch hóa chất 6-Benzylaminopurine nguyên chất và 150 lít dung dịch đã được các đối tượng pha chế để phục vụ việc sản xuất giá đỗ.

Đây là hóa chất không nằm trong danh mục được phép sử dụng cho thực phẩm, bị các cơ sở sản xuất sử dụng để kích thích giá đỗ mọng nước, ngắn rễ và bắt mắt hơn.

Vị chuyên gia cho rằng, với cơ thể con người, khi ăn lượng nhỏ sẽ chưa ảnh hưởng sức khỏe ngay. Ngược lại khi ăn phải lượng lớn loại hóa chất có thể gây tử vong. Nếu tiếp xúc hít, qua da lâu dài có thể làm thai nhẹ ký, não úng thủy và các dị tật bẩm sinh, ung thư...

Đáng chú ý, chất này có tính chất khó rửa sạch, kể cả khi rửa nhiều lần với nước thông thường. Vì vậy, nguy cơ dư lượng tồn dư trong giá đỗ là rất cao, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Mẹo nhận biết giá đỗ "bẩn"

PGS.TS Thịnh cũng gợi ý một số cách phân biệt giá đỗ sạch và giá đỗ chứa hóa chất. Theo đó, giá ngâm hóa chất thường mập, to tròn, bóng bẩy, thân đều đặn, đẹp mắt nhưng rất giòn và dễ gãy. Trong khi đó, giá sạch thường gầy hơn, không bóng, thân cứng và khó đứt gãy.

Trong khi giá sạch được ủ truyền thống từ 3 - 5 ngày có cọng nhỏ, nhiều rễ do hút nước. Ngược lại, giá đỗ ngâm hóa chất sẽ có thời gian ủ nhanh hơn và ít rễ hơn.

Cảm quan về màu sắc, giá sạch có màu vàng nhạt tự nhiên, trong khi giá ngâm hóa chất thường có màu trắng sứ, trông bóng bẩy hơn. Khi ăn, giá sạch có vị ngọt thanh, giòn, đặc và nhiều nước, còn giá ngâm hóa chất thường xốp, khô, ăn không thơm và ít ngọt.

PV

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/hoa-chat-duoc-su-dung-de-san-xuat-3500-tan-gia-do-ban-doc-the-nao-20250419143621978.htm