'Nàng công chúa' bị nhiễm độc
Đã đến lúc chúng ta cùng chung tay lên án việc làm phi nhân tính để trả lại sự trong sạch của giá đỗ, trả lại sự cạnh tranh công bằng cho những người làm rau giá truyền thống.

Lực lượng chức năng kiểm tra thu giữ nhiều lu chứa giá đỗ bị nhiễm chất 6-Benzylaminopurine độc hại. Ảnh: Internet
Trong vô vàn các loại rau của xứ nhiệt đới, giá đỗ có mặt ở hầu hết các vùng miền vì là loại ngắn ngày, dễ ủ nhất. Thế nên trong bữa ăn hàng ngày của người dân nhiều món có sự hiện diện của loại rau mầm này.
Giá đỗ tô điểm cho món ăn thêm bắt mắt, tròn vị. Nó đã trở thành một phần của ẩm thực từ sang trọng đến dân dã mà nếu thiếu đi sẽ kém duyên. Vì sự ưa chuộng của người tiêu dùng nên giá đỗ xuất hiện ở hầu hết các sạp rau từ chợ quê, siêu thị hay các cửa hàng tiện lợi. Cũng vì lợi nhuận mà người ta đang từng ngày giết chết thứ rau được ví như “nàng công chúa” trong các loại rau này. Giá đỗ bây giờ chẳng khác gì “nàng Bạch Tuyết” bị nhiều mụ phù thủy cho trúng độc nên người tiêu dùng bắt đầu ớn lạnh trước “vẻ đẹp mĩ miều” của nàng.
Đã đến lúc chúng ta cùng chung tay, góp tiếng nói để trả lại đúng giá trị của giá đỗ, trả lại danh hiệu “công chúa các loài rau” vốn có.
Người miền Trung, miền Nam ưa chuộng giá đỗ hơn cả nên món nào cũng thích bỏ thêm chút giá. Cứ thử tưởng tượng xem nếu món bánh xèo mà không có giá sẽ “lạc lõng” như thế nào. Lá bánh xèo giòn vàng ươm điểm màu đỏ au của những con tôm sông, màu trắng phau của chút giá và màu xanh của bông lý làm vị giác của ta phải lên tiếng dù mới nhìn. Những người đúc bánh xèo khéo tay sẽ biết cách sắp đặt để lát bánh của mình như bức tranh đa sắc màu.
Hay bát canh chua dù nấu với bất kỳ nguyên liệu gì cũng phải có sự hiện diện của chút giá mới ngon. Vị chua của lá giang, khế, me, vị ngọt của rau giá, vị chát của chuối cộng với mùi thơm của lá ngổ tạo nên món canh chua tròn vị giải nhiệt những ngày nắng nóng. Ngồi trước bát bún bò, miến lươn nghi ngút khói, ta chẳng vội thưởng thức liền mà đợi đĩa giá chần cái đã. Thứ rau mầm mềm ngọt quyện cùng nước lèo, sợi bún làm xoắn vị giác.
Trong bữa ăn hàng ngày, món mực xào giá làm ngon cơm hơn. Hình như loại hải sản này thích hợp với rau mầm nên chúng như “gấm thêm hoa”. Món salad thịt bò sẽ đỡ ngấy hơn nếu được trộn với mầm giá, cải non. Giá đỗ xuất hiện hầu hết trong các đĩa rau sống của các quán hàng ăn uống. Những cọng giá thon dài, mình ngậm nhiều dưỡng chất cứ giòn tan trong miệng khi nhai, làm kích thích vị giác nên ta ăn thấy ngon hơn.
Để làm ra giá mầm thương phẩm là cả một quy trình khắt khe chứ không chỉ đơn thuần gieo đậu là có như ta thường thấy quảng cáo trên mạng.
Người làm giá phải có kinh nghiệm từ khâu chọn giống đến chuẩn bị nồi ủ. Hạt đậu khô cứng, không bị nứt, nồi được chọn lựa kỹ càng mới cho ra mẻ giá ngon. Thứ nước để ngâm đậu phải được lấy từ các giếng trong không bị nhiễm phèn. Nước máy cũng không dùng vì có chất khử trùng làm hạt không nảy mầm đều. Sau khi ngâm tầm tám tiếng, hạt đậu được vớt ra cho ráo trước khi ủ.
Ở nhiều nơi người làm giá đỗ đào ven các bờ sông những chiếc hầm tròn sâu tầm vài mét cho đến lớp cát mịn không pha lẫn đất tạp bên dưới. Bề mặt hầm được lót một lớp cát sạch trước khi trải đều lớp đậu xanh đã trộn. Sau đó phủ thêm một lớp cát mỏng bên trên trước khi đậy kín miệng hầm bằng lá dừa hay bạt. Nước tưới cũng phải thật sạch để tránh mầm giá bị úng. Sau ba ngày gieo, những cọng giá cứ đội cát mà lên và khi dài đủ kích thước thì thu hoạch. Lúc ta còn chìm trong giấc ngủ vùi thì người làm giá đỗ đã lục tục nhổ trong ánh đèn pin để kịp ra chợ sớm.
Quy trình làm giá khắt khe là vậy, nhưng vì lợi nhuận mà những kẻ táng tận lương tâm đã dần giết chết thứ rau mầm tuyệt diệu này. Nhìn những đĩa rau giá ngắn, mập ú không một chút rễ khi ăn, thực khách chẳng dám thò đũa vào vì “nàng công chúa” đã bị tẩm hóa chất độc hại. Sự việc người làm giá đỗ cho hoạt chất 6-Benzylaminopurine vào quá trình ngâm ủ mà Công an tỉnh Đắk Lắk và Quảng Ngãi đã phanh phui là điển hình.
Mới đây lại thêm 3.500 tấn giá đỗ ngâm hóa chất tại Nghệ An bị triệt phá là “giọt nước tràn ly” vì trước đó người tiêu dùng nhiều nơi đã “cạch” với giá đỗ rồi. Thứ chất kích thích tăng trưởng tế bào này gây dị tật bẩm sinh, thai non, não úng thủy, nếu ăn nhiều sẽ gây tử vong.
Nguy hại hơn, những cọng giá đỗ độc hại còn được cho là bằng cách nào đó đã xuất hiện ở những chuỗi cửa hàng được cho là “sạch”.
Đã đến lúc chúng ta cùng chung tay lên án việc làm phi nhân tính để trả lại sự trong sạch của giá, trả lại sự cạnh tranh công bằng cho những người làm rau giá truyền thống.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nang-cong-chua-bi-nhiem-doc-246186.htm