Hòa chung nhịp đập đất nước

Thực tiễn hoạt động phong phú, sôi động, quyết liệt của Quốc hội, Hội đồng nhân dân là chất liệu và nguồn cảm hứng của báo chí. Những tác phẩm báo chí chất lượng cao, xứng tầm cũng chính là nhịp cầu đồng hành với cơ quan dân cử thúc đẩy kiến tạo vì sự phát triển phồn vinh của đất nước.

Nhập cuộc, lan tỏa mạnh mẽ tinh thần đổi mới

Tham gia giải Diên Hồng lần thứ ba, loạt bài Sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư sau sáp nhập đơn vị hành chính: Tinh cán bộ, gọn bộ máy (giải A) của nhóm phóng viên Ban Thời sự, Đài Tiếng nói Việt Nam, được ấp ủ từ đầu năm 2024, từ thực tế thực hiện Nghị quyết của Quốc hội trong việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021. Nhà báo Lê Tuyết cho biết, tại Hội nghị công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của tỉnh Nam Định, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã thẳng thắn chỉ rõ, việc sắp xếp đơn vị hành chính là công việc khó, nhạy cảm, phức tạp, tác động lớn đến tổ chức và hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, và tư tưởng, tâm lý của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

“Có thể nói câu chuyện về nhân sự luôn là đề tài nóng. Làm thế nào để việc tinh cán bộ, gọn bộ máy được thực hiện công tâm, khách quan, không xảy ra tình trạng thừa người yếu kém không làm được việc, thiếu người có năng lực, say sưa đóng góp? Chúng tôi tiếp cận từ câu chuyện của cán bộ, công chức thuộc diện sắp xếp; có địa phương vẫn còn lúng túng, loay hoay trong thực hiện, có địa phương làm tốt công tác này. Chúng tôi đã gặp đúng những cán bộ, công chức vì lợi ích chung chia sẻ tâm tư, nguyện vọng; gặp và trao đổi với những đại biểu Quốc hội, chuyên gia tâm huyết với đất nước để hiến kế giải pháp hữu hiệu”, nhà báo Lê Tuyết chia sẻ.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương trao giải C cho 20 tác giả, nhóm tác giả. Ảnh: Lâm Hiển

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương trao giải C cho 20 tác giả, nhóm tác giả. Ảnh: Lâm Hiển

Bám sát hoạt động của Quốc hội, gắn với vấn đề lớn của đất nước, nhóm phóng viên Tạp chí Đời sống và Pháp luật thực hiện loạt 3 bài Đổi mới tư duy lập pháp, mở đường cho kỷ nguyên vươn mình (giải C), nhấn mạnh yêu cầu, đòi hỏi cao hơn đối với công tác lập pháp gắn với vai trò trung tâm của Quốc hội. Nhà báo Thu Huyền chia sẻ, tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài phát biểu quan trọng, trong đó nhấn mạnh yêu cầu phải "đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp" nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; đáp ứng mong đợi của cử tri, nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng có văn bản gửi các đại biểu Quốc hội về việc thực hiện yêu cầu này. Từ đây, nhóm tác giả lên đề cương, kế hoạch thực hiện loạt bài.

“Loạt bài điểm lại những bước phát triển trong công tác lập pháp 4 thập kỷ Đổi mới, những yêu cầu, đòi hỏi mới của công tác lập pháp gắn với vai trò của Quốc hội trong kỷ nguyên mới và gợi mở những vấn đề để công tác lập pháp mở đường cho kỷ nguyên vươn mình của đất nước. Khi đặt vấn đề với các chuyên gia, các đại biểu Quốc hội, chúng tôi đều nhận được sự hứng thú với đề tài và đưa ra những ý kiến, gợi mở quý báu”, nhà báo Thu Huyền cho biết.

Bám sát hơi thở cuộc sống

Tác phẩm Nghị quyết tiếp sức em đến trường (Đài Phát thanh và Truyền hình Lai Châu, giải B) phản ánh một cách sinh động hiệu quả Nghị quyết số 04 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lai Châu. Nghị quyết của “ý Đảng - lòng dân” này ra đời như phao cứu sinh chắp cánh cho ước mơ, hoài bão của những học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở các xã vùng III chuyển thành vùng I khi Quyết định số 861 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 612 của Ủy ban Dân tộc có hiệu lực.

“Hiệu quả của Nghị quyết này đã khẳng định tinh thần, trách nhiệm của người đại biểu dân cử: sâu sát cơ sở, kịp thời nắm bắt và giải quyết những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri, góp phần xây dựng Lai Châu phát triển nhanh và bền vững”. Khẳng định như vậy, nhà báo Nguyễn Hà cho rằng, trong dòng chảy chung của báo chí, đối với những người làm báo ở Lai Châu, viết về đề tài Quốc hội và Hội đồng nhân dân luôn có sức hút. “Các tác phẩm được đầu tư thực hiện một cách bài bản, kỹ lưỡng, nội dung hấp dẫn, bám sát hơi thở cuộc sống, làm nổi bật vị trí, vai trò, chức năng nhiệm vụ của người đại biểu dân cử vì dân, gần dân và sát dân”.

Sau hai lần đoạt giải với đề tài tập trung vào các tấm gương đại biểu Hội đồng nhân dân, nhóm tác giả Báo Lào Cai tiếp tục tham dự giải Diên Hồng lần thứ ba khắc họa hình ảnh người đại biểu dân cử hết lòng vì dân với loạt bài Dấu ấn những đại biểu dân cử nơi “tâm lũ” (giải Khuyến khích). Nhà báo Trần Tuấn Ngọc cho biết, tháng 9.2024, tỉnh Lào Cai trải qua khó khăn chồng chất do mưa lũ. Tác nghiệp tại những nơi thương đau nhất hay nơi tuyến đầu đầy gian khó như thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, Bảo Yên), thôn Phìn Chải 2 (xã A Lù, Bát Xát), thôn Nậm Tông (xã Nậm Lúc, Bắc Hà), nhóm phóng viên tai nghe, mắt thấy các đại biểu Hội đồng nhân dân lăn lộn ngày đêm, làm việc hết lòng hết sức để di chuyển các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, tham gia tìm kiếm, cứu nạn; động viên về vật chất và tinh thần, giúp bà con vơi bớt khó khăn…

Có những đại biểu gia đình cũng bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ, nhưng họ đã không hề suy nghĩ đến lợi ích riêng mà gác lại việc nhà để giúp đỡ, hỗ trợ nhân dân vùng lũ, lo cho dân trước, lo cho mình sau. Sau mưa lũ, các đại biểu tiếp tục lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để đề xuất các cấp có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ; đưa những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào; đồng thời giám sát việc thực hiện cơ chế, chính sách tại nơi xảy ra bão lũ. Theo nhà báo Trần Tuấn Ngọc, họ không chỉ là tấm gương sáng về việc phát huy vai trò, trách nhiệm của người đại biểu dân cử trong hoàn cảnh thiên tai, xứng đáng với niềm tin và trọng trách được “Dân tin - Đảng cử”, mà còn như ngọn lửa ấm lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong cộng đồng. “Các tác phẩm báo chí góp phần ghi nhận và khẳng định vai trò quan trọng của Hội đồng nhân dân nói chung, đại biểu dân cử nói riêng ở những nơi khó khăn, vùng cao biên giới của Tổ quốc”.

Thông qua giải Diên Hồng để góp thêm tiếng nói từ thực tiễn, lan tỏa những giá trị tốt đẹp, những bài học ý nghĩa, cách làm hay là nguyện vọng của các tác giả tâm huyết thực hiện tác phẩm báo chí chất lượng cao. Nói như nhà báo Nguyễn Hà, “đó là niềm vui, hạnh phúc của những người làm báo, cũng là động lực để chúng tôi tiếp tục theo đuổi mảng đề tài về Quốc hội và Hội đồng nhân dân”.

Hải Đường

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/hoa-chung-nhip-dap-dat-nuoc-post401194.html