Hòa đàm Nga - Ukraine vòng 2: Ngừng bắn và hành lang nhân đạo
Cố vấn Tổng thống Vladimir Putin kiêm trưởng đoàn đàm phán Nga ngày 2/3 cho biết, các vấn đề liên quan đến ngừng bắn và nhu cầu mở hành lang nhân đạo sẽ được thảo luận tại vòng đàm phán thứ hai với phía Ukraine, TASS đưa tin.
Trả lời câu hỏi của báo giới về chương trình nghị sự của vòng đàm phán thứ hai - bao gồm các vấn đề liên quan đến lệnh ngừng bắn và hành lang nhân đạo, ông Vladimir Medinsky - Cố vấn Tổng thống Vladimir Putin kiêm trưởng đoàn đàm phán Nga cho hay: “Chúng tôi đã trao đổi về các quan điểm của chúng tôi trong cuộc gặp lần trước. Nga đã đưa ra một số sáng kiến liên quan đến một lệnh ngừng bắn ngay lập tức”.
Trưởng phái đoàn Nga Vladimir Medinsky. Ảnh: Getty Images.
Theo kế hoạch, các phái đoàn đàm phán của Nga và Ukraine sẽ gặp nhau ở Belovezhskaya Pushcha trên biên giới Belarus-Ba Lan. Vòng đàm phán đầu tiên giữa hai bên đã diễn ra hôm 28/2 tại Vùng Gomel ở biên giới giữa Belarus và Ukraine. Tuy vòng đàm phán này đã kết thúc mà không đạt được tiến bộ cụ thể nào, nhưng hai bên đã nhất trí về vòng đàm phán tiếp theo.
Theo TASS, thông tin trên đã được Cố vấn Oleksiy Arestovych đưa ra trên kênh truyền hình Ukraine-24 TV ngày 2/3. Các nguồn tin khác của TASS trước đó cho biết, cuộc đàm phán mới sẽ diễn ra tại Belovezhskaya Puscha thuộc Belarus.
Ông Medinsky xác nhận phái đoàn Nga đã đến địa điểm dự kiến sẽ diễn ra vòng đàm phán thứ hai giữa Moscow và Kiev. Phái đoàn Ukraine nhiều khả năng sẽ đến địa điểm trên vào sáng 3/3 (theo giờ địa phương).
Trong khi đó, phía Ukraine cũng xác nhận phái đoàn của nước này “đang trên đường” tới địa điểm đàm phán.
Trước đó, cùng ngày, trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói rằng vẫn chưa rõ liệu cuộc gặp tiếp theo giữa đại diện Kiev và Moscow sẽ diễn ra vào thời điểm nào. Ông Kuleba khẳng định Ukraine sẵn sàng đàm phán nhưng không chuẩn bị cho phương án chấp nhận “tối hậu thư” của Nga.
Về phía Nga, ngày 2/3, Ngoại trưởng Sergei Lavrov tuyên bố nước này sẵn sàng tiến hành vòng đàm phán thứ hai với Ukraine, song cho rằng phía Kiev đang trì hoãn tiến trình này theo yêu cầu của Mỹ.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Al-Jazeera, Ngoại trưởng Lavrov cũng khẳng định, Nga sẽ không cho phép Ukraine có được vũ khí hạt nhân. Cũng theo ông Lavrov, các quốc gia phương Tây đã từ chối đáp ứng các đề xuất an ninh do Moscow đưa ra liên quan đến việc thiết lập cấu trúc an ninh mới ở châu Âu.
Liên quan đến vấn đề này, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ngày 2/3 đã bày tỏ hy vọng Nga và Ukraine sẽ đạt được thỏa thuận ngừng bắn trong vòng đàm phán thứ hai.
Hãng Sputniknews của Nga dẫn lời Ngoại trưởng Cavusoglu nhấn mạnh hai bên phải tiến hành đàm phán để đạt được thỏa thuận ngừng bắn. Trong vòng đàm phán tiếp theo, hai bên sẽ có đủ thời gian để thảo luận và nhất trí về các vấn đề chính trị.
Các tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh tình hình chiến sự tại Ukraine tiếp tục căng thẳng. Ngày 2/3, Bộ Quốc phòng Nga thông báo quân đội nước này đã dành quyền kiểm soát thành phố Kherson ở miền Nam Ukraine. Tuy nhiên, cố vấn Oleksiy Arestovych của Văn phòng Tổng thống Ukraine đã bác bỏ thông tin trên và cho biết giao tranh vẫn đang diễn ra trên các đường phố của thành phố cảng quan trọng ở Biển Đen này.
Trước đó, trong một cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNN ngày 1/3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố ông sẵn sàng đàm phán với người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Tổng thống Zelensky cho rằng, một lệnh ngừng bắn hoàn toàn là điều kiện cần để tổ chức các cuộc đàm phán chính thức giữa Nga và Ukraine.
EU loại 7 ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, Moscow đáp trả
Liên minh châu Âu (EU) ngày 2/3 đã loại 7 ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, do các lệnh trừng phạt bổ sung liên quan đến chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
Theo công bố chính thức của EU, 7 ngân hàng bị loại khỏi SWIFT gồm Ngân hàng VTB - ngân hàng lớn thứ hai của Nga, Ngân hàng Otkritie, Novikombank, Promsvyazbank, Ngân hàng Rossiya, Sovcombank và VEB (Vnesheconombank). Quyết định này có hiệu lực ngay lập tức.
EU loại 7 ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT
Một quan chức cấp cao của EU giải thích các ngân hàng có trong danh sách này được lựa chọn dựa trên mối quan hệ với Chính phủ Nga, trong đó các ngân hàng công đã chịu các lệnh trừng phạt sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014.
Đáng chú ý, danh sách trên không nêu tên hai ngân hàng lớn của Nga là Sberbank và Gazprombank, vì đây là những kênh thanh toán chính cho dầu khí của Nga, mặt hàng mà các nước EU vẫn đang phải nhập khẩu bất chấp mâu thuẫn hiện tại.
Trước đó, ngày 1/3 (giờ địa phương), Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua dự thảo nghị quyết liên quan đến việc Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở miền Đông Ukraine, trong đó đề nghị Liên minh châu Âu (EU) hạn chế nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga, cấm các khoản đầu tư mới của EU vào Nga, loại tất cả ngân hàng Nga khỏi hệ thống tài chính châu Âu cũng như hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.
Dự thảo nghị quyết này đã được thông qua tại phiên họp bất thường của EP, với 637 phiếu ủng hộ, 13 phiếu chống và 26 phiếu trắng. Tuy nhiên, nghị quyết này chỉ mang tính chất tham vấn và không có ý nghĩa ràng buộc.
Cùng ngày, Chủ tịch EU cho biết kể từ ngày 2/3, EU cấm các kênh truyền thông nhà nước của Nga, gồm đài RT và Sputnik phát sóng ở các nước thành viên liên minh.
Trước đó, nền tảng chia sẻ video YouTube đã chặn nội dung của các kênh truyền thông của Nga tại EU. Bên cạnh đó, EU cũng cấm "một số" ngân hàng Nga tham gia hệ thống tin nhắn của Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT), cấm các nước thành viên tham gia những dự án có vốn của Quỹ Đầu tư trực tiếp LB Nga (RDIF).
Cũng trong ngày 1/3, Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc cho biết chính quyền nước này sẽ đình chỉ giao dịch tài chính với 7 ngân hàng Nga, theo các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Tuyên bố của bộ nêu rõ Seoul sẽ cùng các nước áp đặt các biện pháp trừng phạt, trong đó có việc đình chỉ giao dịch với các ngân hàng lớn và ngăn chặn đầu tư trái phiếu nhà nước của Nga. Cụ thể, Hàn Quốc áp đặt trừng phạt đối với các ngân hàng của Nga gồm Sberbank, VEB, Promsvyazbank, VTB, Otkritie, Novikombank, Sovcombank và các chi nhánh.
Ngoài ra, Hàn Quốc cũng khuyến nghị ngừng đầu tư trái phiếu của Chính phủ Nga từ ngày 2/3, cũng như thực hiện ngay các biện pháp trừng phạt liên quan đến hệ thống SWIFT, sau khi EU công bố kế hoạch chi tiết.
Để đáp lại lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây, Ngân hàng Nga, đơn vị vận hành sàn giao dịch, thông báo quyết định tiếp tục tạm dừng hoạt động sàn giao dịch, chỉ phục vụ các giao dịch mua đồng ruble. Thị trường chứng khoán Moscow đóng cửa từ ngày 1/3 khi Ngân hàng Trung ương Nga tuyên bố một số hoạt động sẽ bị giới hạn cho đến ngày 5/3. Đồng ruble giảm giá mạnh sau khi nhiều nước phương Tây áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế trên diện rộng nhằm vào Nga. Theo tỷ giá tính đến chiều 2/3, tỷ giá hối đoái ở mức 109 ruble/1 USD và 119 ruble/1 euro.
Truyền thông Nga đưa tin trong số các biện pháp bổ sung để hỗ trợ nền kinh tế và đồng ruble, Nga đã cấm các nhà đầu tư nước ngoài bán cổ phần tại Nga hoặc thoái vốn khỏi các thị trường tài chính. Trước đó một ngày, lệnh cấm du khách mang theo quá 10.000 USD ra khỏi quốc gia này cũng đã được ban hành. Bộ Tài chính Nga cho biết ủng hộ cấm bán ra hoặc đánh thuế giá trị gia tăng với hoạt động mua vàng của các cá nhân. Ngân hàng cho vay lớn nhất tại Nga Sberbank cũng đã thông báo rút khỏi thị trường châu Âu. Công ty kim loại và khai mỏ Severstal của Nga dừng hoạt động chuyển hàng cho châu Âu.
Trong thông báo ngày 2/3, Ngân hàng Trung ương Nga cho phép các công ty tự do quyết định vấn đề trả cổ tức chứng khoán cho người Nga, nhưng phải dừng việc trả cổ tức cho người nước ngoài. Ngoài ra, để ngăn chặn việc bán tháo chứng khoán Nga, việc rút tiền khỏi thị trường tài chính Nga và duy trì sự ổn định tài chính, Ngân hàng Trung ương Nga đã quyết định tạm thời cấm các nhà môi giới thực hiện lệnh bán chứng khoán của khách hàng nước ngoài.
Mỹ chính thức cấm bay đối với các hãng hàng không Nga
Bộ Giao thông vận tải và Cơ quan Hàng không dân dụng liên bang Mỹ đã chính thức thông báo quyết định cấm các máy bay và hãng hàng không Nga bay vào không phận nước này. Quyết định trên sẽ có hiệu lực vào cuối ngày 2/3.
Lệnh cấm trên yêu cầu ngừng hoạt động của tất cả các máy bay có liên quan tới công dân Nga dưới các hình thức như sở hữu, được chứng nhận, vận hành, đăng ký, cho thuê hoặc kiểm soát. Lệnh cấm của Mỹ cũng áp dụng đối với cả các chuyến bay chở khách và vận chuyển hàng hóa, các chuyến bay theo lịch trình hay thuê bao.
Bộ Giao thông vận tải Mỹ nêu rõ quyết định đóng cửa không phận của nước này "được thực hiện đối với toàn bộ các hãng hàng không thương mại cũng như máy bay dân sự khác của Nga".
Trước đó ngày 1/3, hãng sản xuất máy bay lớn nhất thế giới Boeing thông báo ngừng hỗ trợ các hãng hàng không Nga cũng như những hoạt động chính của Boeing tại Moscow.
Người phát ngôn của Boeing tại thủ đô Kiev của Ukraine xác nhận: "Chúng tôi đã ngừng các hoạt động chính tại Moscow và tạm thời đóng cửa văn phòng của chúng tôi tại Kiev. Chúng tôi cũng ngừng hoạt động các bộ phận, các dịch vụ bảo dưỡng và hỗ trợ kỹ thuật cho các hãng hàng không Nga". Thông báo được đưa ra một ngày sau khi Boeing tuyên bố tạm dừng hoạt động tại Trung tâm đào tạo Moscow và đóng cửa văn phòng tại Kiev.