Công trình nghiên cứu dẫn đầu bởi tiến sĩ Michael Way từ Trung tâm Chuyến bay không gian Goddard của NASA nhắm vào Sao Kim, dựa trên bộ dữ liệu hàng thập kỷ mà NASA đã thu thập về hành tinh này kể từ cuộc "khai phá" của tàu vũ trụ Magellan vào năm 1990. Ngay từ cuộc thám hiểm đầu tiên đó, tàu Magellan đã phát hiện phần lớn bề mặt hành tinh được bao phủ bởi đá bazan núi lửa.
Điều đó cho thấy hành tinh này đã phải hứng chịu hàng chục đến hàng trăm ngàn năm hoạt động núi lửa khốc liệt, xảy ra vào một thời điểm nào đó trong vài tỉ năm qua. Một vài sự kiện núi lửa còn kéo dài tới 1 triệu năm.
Núi lửa là một phần của hoạt động địa chất và thực sự cần để một hành tinh duy trì sự ổn định môi trường, khí hậu. Chính Trái Đất của chúng ta, thông qua hoạt động địa chất bao gồm kiến tạo mảng sôi động đã góp phần nuôi dưỡng một thế giới phù hợp với sự sống.
Nhưng cái gì quá mức thì đều có hại, mà hoạt động địa chất quá sôi động với những "Hỏa Diệm Sơn" thi nhau phun trào đã giải phóng lượng carbon dioxide nhiều đến nỗi khí hậu vượt ngưỡng chịu đựng.
Điều này thay vì cung cấp nhiệt độ cần thiết cho sự sống thì lại đun sôi các đại dương, làm chúng bốc hơi lên khí quyển, mà hơi nước cũng là một loại khí nhà kính. Vậy là hiệu ứng nhà kính trở nên khốc liệt, nước cũng bị thất thoát vào không gian. Sao Kim chỉ còn lại một thế giới khô cằn ngập carbon dioxide và lưu huỳnh.
Các dữ liệu địa chất của Trái Đất cũng xác nhận các sự kiện núi lửa khốc liệt tạo nên các vùng đá bazan rộng lớn. Thậm chí nó từng lặp lại trong thời gian gần, với nhiều siêu núi lửa tạo ra tuyệt chủng hàng loạt trong nửa tỉ năm qua.
Ví dụ gần gũi là sự tuyệt chủng cuối kỷ Devon (370 triệu năm trước) hoặc "mùa đông núi lửa" góp phần giết chết khủng long do tác động thiên thạch kích hoạt một loạt thiên tai. Trước đó, sự kiện tuyệt chủng hàng loạt Tam Điệp - Jura được quy cho sự hình thành "tỉnh đá lửa" Magmatic Trung Đại Tây Dương lớn nhất thế giới.
Rất may, Trái Đất không kích hoạt núi lửa của mình liên tục trong một thời gian dài hay quá tay như Sao Kim, khí hậu vẫn có cơ hội phục hồi song song với những dạng sống mới tiếp tục tiến hóa sau đại tuyệt chủng.
Sao Kim có nhiều núi lửa hơn bất kỳ hành tinh nào khác trong Hệ Mặt trời của chúng ta. Nghiên cứu trước đây cho thấy, sao Kim sở hữu hơn 1.600 núi lửa lớn và có thể có hơn 100.000 hoặc thậm chí hơn 1 triệu núi lửa nhỏ. Sao Kim, hành tinh được cho là giống Trái Đất nhất khi mới ra đời, NASA dự định sẽ khám phá kỹ càng hơn trong nhiệm vụ DAVINCI sắp tới.
Mang tên DAVINCI (Deep Atmosphere Venus Investigation of Noble gases, Chemistry and Imaging), đây sẽ là nhiệm vụ đầu tiên nghiên cứu sao Kim cả bằng cách bay qua và hạ cánh. Theo dự kiến, tàu vũ trụ sẽ khám phá khí quyển nhiều lớp của sao Kim và tới bề mặt của hành tinh vào tháng 6/2031. Nhiệm vụ DAVINCI có thể ghi lại dữ liệu về sao Kim mà giới khoa học muốn đo đạc từ đầu thập niên 1980.
Về cơ bản, tàu vũ trụ DAVINCI sẽ đóng vai trò như phòng thí nghiệm hóa học bay, có thể đo nhiều mặt khác nhau của khí quyển và thời tiết sao Kim, đồng thời chụp những bức ảnh đầu tiên của vùng cao nguyên trên hành tinh trong lúc hạ cánh.
Các thiết bị của nhiệm vụ có thể lập bản đồ bề mặt sao Kim và phát hiện thành phần cấu tạo vùng cao nguyên. Đặc điểm gọi là "tesserae" có thể tương tự lục địa trên Trái Đất, nghĩa là sao Kim có thể có mảng kiến tạo, theo các nhà khoa học NASA.
Xem thêm video: Trung Quốc phát trực tuyến lớp học đầu tiên từ vũ trụ (Nguồn: VTV24).
Thiên Trang (TH)