Hòa điệu tri âm - tiếp nối những mạch tình văn hóa
'Hòa điệu tri âm' là tập sách giới thiệu các bài ca Huế lời mới của 22 soạn giả do nhà thơ Võ Quê - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca Huế (thuộc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao thành phố Huế) sưu tập và biên soạn, NXB Thuận Hóa ấn hành, vừa ra mắt trong những ngày này.
Trong lời giới thiệu đầu sách, ông Nguyễn Duy Hiền, nguyên Giám đốc Trung tâm Festival Huế đã rất chân thành khi viết: "Với tâm niệm tri ân tiền nhân để phát tiết tinh hoa, cùng với sự phát triển của Câu lạc bộ Ca Huế, đã xuất hiện nhiều nhân tố mới, một thế hệ nghệ sĩ mới, đàn, ca và soạn lời. Hòa điệu tri âm - tập lời ca mới của nhiều tác giả được xuất bản, giới thiệu như một ghi nhận những thành tựu, những tín hiệu vui từ những nghệ nhân, nghệ sĩ trẻ của Câu lạc bộ. Họ đã và đang ngày đêm thắp sáng ngọn lửa đam mê, phát sáng tinh hoa của một nghệ thuật bất biến với thời gian".
Ca Huế là một loại hình văn hóa phi vật thể mà người dân xứ Huế luôn tự hào mỗi khi nhắc đến. Những làn điệu khi du dương, réo rắt, khi trầm buồn, man mác đã khiến say lòng biết bao thi nhân mặc khách khi đến Huế và được thưởng thức nghệ thuật ca Huế. Những bài ca Huế được các soạn giả trong Hoàng tộc Triều Nguyễn soạn lời, như: Mai Am bút danh của công chúa Nguyễn Phúc Trinh Thận, Ưng Bình Thúc Giạ Thị, Bửu Lộc, Ưng Thuyên, Bửu Bát, Bửu Huấn, Tôn Thất Mỹ... Cũng có những soạn giả không thuộc dòng dõi hoàng phái như Võ Chuẩn, Kiều Khê, Thanh Tùng, Trần Ngọc Cơ, Kỳ Châu, Hoàng Cầm...
Không chỉ người Huế mới yêu ca Huế, soạn lời cho ca Huế, mà còn có nhiều người sinh sống ở những vùng miền khác cũng soạn lời ca Huế như nhà thơ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, nhà thơ Á Nam Trần Tuấn Khải người miền Bắc, sau này có hai anh em Văn Công Hoàng, Văn Công Lê người Quảng Nam... Và khi nói đến soạn lời ca Huế không thể không nhắc đến nhà thơ Võ Quê. Ông có rất nhiều bài được phổ biến rộng rãi và trình bày trên các kênh phát thanh, truyền hình, trong các chương trình ca Huế thính phòng, trên thuyền sông Hương... Là một nhà thơ, lời ca của ông luôn mượt mà giàu ý, giàu tình và đặc biệt rất vần, bằng trắc nhịp nhàng dễ ca, dễ nhớ nên nhiều nghệ sĩ rất thích ca những bài ca của ông.
Không chỉ là một người chủ nhiệm Câu lạc bộ công tâm, trách nhiệm, nhiệt huyết, ông còn luôn khuyến khích các nghệ sĩ thành viên trong Câu lạc bộ soạn lời mới cho ca Huế. Và, được lời khích lệ, động viên chân tình đúng lúc, các nghệ sĩ lúc đầu chỉ một hai người soạn một hai bài ca. Dần dần ngày càng có nhiều người soạn lời, nhiều bài ca Huế ra đời với nhiều làn điệu thuộc bài bản lớn: Nam ai, Nam bình, Quả phụ, Nam xuân, Ngũ đối thượng, Hành vân, Tương tư khúc, Cổ bản, Tứ đại cảnh, Đăng đàn cung, Lưu thủy, Kim Tiền…
Nếu như trước đây những làn điệu ca Huế thường mang nội dung ca ngợi cảnh sắc Huế phong hoa tuyết nguyệt, ngợi ca thiên nhiên, hoặc nội dung được khai thác từ điển tích, lịch sử thì nay những soạn giả mới có thêm những bài ca mang tính chất ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa phù hợp với cuộc sống đương đại. Hòa mình cùng dòng chảy văn hóa xã hội theo thời gian, những bài ca Huế lời mới không còn bó hẹp trong vốn từ cổ nữa mà các soạn giả dùng những từ ngữ mới mang tính chất hiện đại khiến người nghe dễ hiểu nội dung hơn.
Đặc biệt, hướng đến mục đích đưa ca Huế vào môi trường giáo dục nên có những soạn giả đã soạn những bài ca mang nội dung phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi, tuổi trẻ qua đó chọn những làn điệu mang tính chất tươi vui, trong sáng để các em dễ tiếp cận hơn với nghệ thuật ca Huế. Và "Hòa điệu tri âm" là một kết quả đẹp ban đầu cho một quá trình cố gắng của không chỉ riêng tập thể các thành viên Câu lạc bộ mà còn của nhiều người cùng hòa điệu tri âm đã làm nên sự phong phú cho nội dung của tác phẩm.
"Hòa điệu tri âm - tiêu đề và nội dung cuốn sách đã là một sợi dây kết tình để những người yêu ca Huế cùng đồng điệu hòa âm, hòa sắc, hòa tình trong niềm quý yêu chung của nghệ thuật ca Huế.